Bình tĩnh trong lo toan

(ĐTTCO) - Tin ngân hàng lớn nhất Singapore DBS phải sơ tán gấp 300 nhân viên khỏi hội sở chính tại Trung tâm tài chính Marina Bay, sau khi phát hiện một nhân viên dương tính với Covid-19, khiến tôi cảm thấy không thoải mái khi đến giao dịch với chi nhánh ngân hàng này tại khu tài chính Raffles Place.
 Hai nhân viên đứng ngay cửa ngân hàng ngăn tôi lại để kiểm tra thân nhiệt và ký vào tờ khai A4 ghi rõ họ tên, số điện thoại; ghi rõ mình có đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua, có tiếp xúc với những người bị hay nghị ngờ bị nhiễm Covid-19...
Ngân hàng hôm nay vắng vẻ, chỉ quầy giao dịch của nhân viên teller có vài người khách, còn sảnh phía bên trái dành cho các dịch vụ cho vay hay bảo hiểm không có người. Khác với nhiều lần trước, lần này tôi không phải đợi quá lâu và chỉ không quá 15 phút giao dịch đã hoàn tất.
Cách đây 17 năm, tôi đã từng trải qua những giây phút tương tự khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS) hoành hành trên đảo Sư tử. Khi đó chính phủ Singapore phải quyết định đóng cửa trường học trong vài tuần lễ và có 6 người chết trong số gần 100 ca nhiễm bệnh. Những người có nghi ngờ nhiễm bệnh bị cách ly và người dân được khuyến cáo ở nhà, tránh đến khu vực công cộng.
Bình tĩnh trong lo toan ảnh 1 Cảnh tượng vắng vẻ của một chi nhánh ngân hàng DBS tại khu tài chính Raffles Place.
Con virus nCoV có vẻ “hiền” hơn khi chưa có trường hợp tử vong nào xảy ra ở Singapore, dù mức độ lây nhiễm của nó phức tạp và nhanh chóng hơn SARS. Điều đáng mừng là Singapore rút tỉa được nhiều kinh nghiệm chống dịch, đã có những biện pháp sẵn sàng đối phó, với cách tiếp cận toàn diện của chính phủ cùng sự hợp tác của người dân. 
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thách thức của các cơn dịch không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực chăm sóc y tế, còn cả về tâm lý và quản lý xã hội. Thật vậy, những ngày qua đã xuất hiện nhiều người Singapore đổ xô vơ vét nhu yếu phẩm như mì gói, gạo và cả giấy vệ sinh ở các siêu thị vì sợ dịch bệnh kéo dài, sau khi chính phủ nâng cảnh báo lên mức màu da cam.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Lý Hiển Long đã phải đưa ra thông điệp nhằm trấn an người dân. Ông cho rằng những nỗi sợ thái quá có thể gây hại hơn cả virus dịch bệnh. Ông cho biết Singapore đã từng trải qua đại dịch SARS nên khi đứng trước nguy cơ bùng phát Covid-19, chính phủ đã có sự chuẩn bị tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, hệ thống y tế  đã được mở rộng và nâng cấp với đội ngũ y bác sĩ ngày càng có trình độ cao. 
Khi tôi đang viết bài báo này, Singapore đã có thêm 9 trường hợp bị lây nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên con số 67, cao thứ ba trên toàn thế giới, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trường quốc tế nơi tôi làm giáo viên dạy văn bán thời gian từ 12 năm nay đã tiến hành các buổi tập huấn dạy trên mạng cho học sinh. Rất có nhiều khả năng Bộ Giáo dục Singapore (MOE) sẽ cho phép trường học đóng cửa khi dịch Covid-19 lây lan ngày càng cao hơn. Giáo hội Công giáo Singapore vừa quyết định đóng cửa nhà thờ kể từ ngày thứ bảy 15-2, theo đó tất cả sinh hoạt tôn giáo có tụ tập đông người đều được tạm đình chỉ. 
Nhưng những ám ảnh tâm lý về dịch Covid-19 có lẽ phải nhường chỗ cho những lo toan về kinh tế. Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Maybank, Trung Quốc chiếm đến 14% kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN trong năm 2018, so với con số 6,3% vào năm 2003 trong thời kỳ SARS. Trung Quốc cũng đã thay thế Mỹ để trở thành bạn hàng hàng đầu của đảo quốc Sư tử.
Vì thế, ngoài thương mại, đầu tư của Singapore vào Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng với những hậu quả nặng nề. Đơn cử, Tập đoàn Capital Land với 40% doanh thu đầu tư được tạo ra từ Trung Quốc, hiện đã đóng cửa 6 trung tâm thương mại, trong đó có 4 cái  ở Vũ Hán. Về du lịch, việc cấm cửa du khách Trung Quốc là biện pháp cực chẳng đã, bởi hàng năm trên 3 triệu người từ Đại lục đến tham quan đảo Sư tử.
Dù sao cuộc sống vẫn cứ trôi, và có lẽ sau khi đã quán triệt lời khuyến cáo về vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, tránh chùi tay lên mặt và đeo khẩu trang… con người vẫn phải tiếp tục sinh hoạt thường nhật với hy vọng cơn dịch này sẽ sớm qua đi. Nữ biên tập viên Chua Mui Hong chia sẻ với độc giả nhật báo The Straits Times, rằng cô đã viết quyển sách có tựa đề “A Defining Moment: How Singapore Beats Sars” (Một khoảnh khắc xác định: Singapore đã đánh bại SARS như thế nào?”) xuất bản năm 2004. 
Cô nhớ lại Singapore đã trải qua 4 tuần lễ ảm đạm vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2003, khi dịch SARS thâm nhập Singapore General Hospital, rồi lan qua các bệnh viện khác và cả khu chợ bán sỉ. Lúc đầu người dân không ai muốn ra đường, cửa hàng đóng cửa và doanh nghiệp lây lất. Nhưng rồi chẳng mấy chốc hoạt động kinh doanh trở lại nhộn nhịp vào cuối tháng 4.
Chuỗi bán lẻ quần áo Zara mở cửa lại vào ngày 23-4 tại khu mua sắm Liat Towers thu hút hàng trăm khách hàng. Thương hiệu Best Denki chuyên sản phẩm hàng điện máy tung ra tủ lạnh mini giá 99 SGD tại khu thương mại Bishan Junction 8, khi mới mở cửa đã có ngay 200 người đến sếp hàng chờ mua. Các buổi hòa tấu nhạc hội lại tiếp tục diễn ra, các nhà hàng, quán bar lại đông khách và hoạt động về đêm lại tiếp tục nhộn nhịp...
Cuộc sống vốn dĩ đã đầy những lo toan không chỉ có dịch viêm phổi, còn có những hiểm nguy bệnh tật khác đang rình rập toàn nhân loại. Không có lựa chọn nào khác, con người phải chấp nhận thực tế, đối đầu với thách thức và tìm ra giải pháp. Tương lai có thể vô định nhưng quá khứ cũng để lại những kinh nghiệm và bài học quý giá để loài người có thể tham khảo, rút tỉa và áp dụng cho hiện tại. Singapore và nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đã tự tin và vượt qua mọi thử thách của dịch SARS, không có lý do gì để chúng ta phải sợ hãi.
Có thể lạc quan là thái độ không phù hợp trong giai đoạn hiện nay, khi bản chất và hành tung của con virus corona thế hệ mới vẫn còn là điều bí ẩn. Nhưng tôi hy vọng và tin tưởng người dân trên đảo Sư tử sẽ luôn bình tĩnh, hợp tác với chính phủ và các cộng đồng của mình để tiếp tục đứng vững, trước khi dịch Covid-19 bị khống chế bởi các phát minh y khoa, hay lúc tiết trời ấm hơn khi mùa Đông ở Vũ Hán đã qua đi.
Singapore, 15-2-2020

Các tin khác