Bùng nổ nghỉ việc trên toàn nước Mỹ

(ĐTTCO) - Một cuộc bùng nổ nghỉ việc đang diễn ra trên toàn nước Mỹ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng triệu người Mỹ đã bỏ công việc đang làm, gần 3/4 người lao động đang cân nhắc đến chuyện nghỉ việc. Chuyện gì đang xảy ra?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hãng nghiên cứu thị trường Joblist mới đây đã công bố kết quả khảo sát thị trường lao động trong quý III-2021, được tiến hành trên hơn 26.000 người lao động toàn nước Mỹ trong vòng 3 tháng. Kết quả cho thấy, bên cạnh lượng người lao động bị buộc phải thôi việc, 73% trong số được hỏi đang chủ động nghĩ đến chuyện dừng lại công việc đang làm. 

Khủng hoảng việc làm lịch sử
Thời điểm bùng phát dịch tháng 4-2020, các nhà tuyển dụng tại Mỹ đã sa thải hàng loạt nhân viên, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,8%. Đến nay sau hơn một năm rưỡi, dù dịch bệnh đã lắng xuống nhưng tỷ lệ người chủ động nghỉ việc bất ngờ leo thang, khiến nền kinh tế Mỹ đối mặt với khủng hoảng đại từ chức. Từ tháng 4 đến cuối tháng 7-2021, gần 16 triệu người Mỹ đã nghỉ việc, một con số lịch sử. Riêng trong tháng 7, có hơn 4 triệu người nghỉ việc. Số người nghỉ hưu tăng vọt, với 3,6 triệu người quyết định nghỉ hưu trong thời gian đại dịch, nhiều hơn 2 triệu người so với dự kiến.
Viện Nghiên cứu khảo sát Gallup gần đây đã công bố kết quả cuộc khảo sát tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp và nhân viên trên toàn cầu. Dữ liệu cho thấy, 45% người tham gia cho biết cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, Gallup chỉ ra rằng, nguyên nhân không hẳn nằm ở dịch bệnh mà nằm ở sự thiếu gắn kết trong môi trường làm việc. Có 3 nguyên nhân dẫn đến quyết định nghỉ việc: không thấy được cơ hội thăng tiến, không phù hợp với định hướng của công ty, không có mối quan hệ gắn kết tại nơi làm việc. Trong đó, có 64% người Mỹ nằm ở lý do thứ ba.
Còn kết quả khảo sát của Joblist cho thấy, các nguyên nhân nghỉ việc hàng đầu là: không hài lòng về cách cấp trên đối xử với họ trong đại dịch (19%), chế độ đãi ngộ và lương không tương xứng sức lao động (17%), thiếu cân bằng công việc - cuộc sống (13%).
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong những tháng qua, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục có tỷ lệ lao động nộp đơn xin nghỉ việc cao nhất kể từ năm 2002, với 1,8 triệu vị trí việc làm trống. Lĩnh vực dịch vụ nhà hàng khách sạn cũng có 58% người đang có kế hoạch nghỉ việc trong năm 2021.
Nhiều nhà phân tích dự báo cuộc khủng hoảng việc làm sẽ đi đến hồi kết khi khoản trợ cấp thất nghiệp 300USD hàng tuần cho hàng triệu lao động dừng lại. Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ vẫn chứng kiến một quá trình phục hồi ngược: Thị trường đang thiếu hơn 10 triệu việc làm, nhưng 8,4 triệu người vẫn không tham gia trở lại công việc.
CNN nhận định, người lao động có thể nghỉ việc vì nhiều lý do. Trong đó, dịch bệnh Covid-19 đã có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định bởi mọi người muốn nghỉ hưu sớm để tận hưởng cuộc sống, tìm lại cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tìm lại bản ngã của mình.

Đại dịch là chất xúc tác
Scott Banks, một người đàn ông 57 tuổi, có ý định nghỉ hưu vào năm 60 tuổi và dự định sẽ đi du lịch với gia đình trên nhà xe di động. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, mặc dù rất yêu công việc quản lý ngân hàng, nhưng ông Banks quyết định nghỉ hưu sớm, bán căn nhà đang ở, nộp đơn xin nghỉ việc và bắt đầu cuộc hành trình xuyên nước Mỹ với vợ mình. Banks cho biết: “Khi bạn chứng kiến nhiều người chết vì dịch bệnh và tưởng tượng bản thân hoặc một người thân trong gia đình rơi vào hoàn cảnh tương tự, bạn sẽ suy nghĩ nhiều hơn, tự vấn nhiều hơn”.
Tháng 3-2020, Nicole Sinder, một luật sư hình sự 33 tuổi, bắt đầu quá trình chuyển đổi từ hình thức làm việc văn phòng sang làm việc từ xa. Ban đầu cô nghĩ rằng mình sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình và trau dồi kỹ năng vẽ màu nước. Tuy nhiên, sau 6 tháng, hóa ra là công việc lại chiếm hết quỹ thời gian. Làm việc rất khuya và rơi vào căng thẳng cực độ. Công việc trở thành một thứ cần làm 24 giờ một ngày. Sau khi cân nhắc, Sinder quyết định nghỉ việc. Đến tháng 7-2021, cô bắt đầu một công việc mới tại một công ty luật cho phép nhân viên đến làm việc tại văn phòng. Sinder cho biết làm việc tại văn phòng giúp cô dễ dàng hơn để đặt ra ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc.
Neha Contractor, 39 tuổi, sống tại Bengaluru, Ấn Độ, đã làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo cho các công ty lớn một thời gian dài. Cô tham gia nền tảng sức khỏe Ultrahuman với vai trò giám đốc tiếp thị toàn cầu vào tháng 4-2020. Nhưng sau nhiều tháng họp trực tuyến, thời gian sử dụng các thiết bị điện tử tăng lên, Contractor cảm thấy bị mất kết nối với mọi người. Cô quyết định nghỉ việc để quay lại niềm đam mê thuở nhỏ: huấn luyện viên môn lặn biển. 
“Đại dịch đã thay đổi cách tôi nhìn cuộc sống. Khi buông bỏ tấm lá chắn an toàn của công việc văn phòng, đó là một điều đáng sợ, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Nhưng tôi biết rằng đây là điều quan trọng với tôi, và tôi muốn làm nó” - Contractor chia sẻ lý do chuyển đổi nghề nghiệp của mình.
“Đại dịch đã tạo ra một cơ hội bất ngờ để người lao động trong mọi lĩnh vực bước lùi lại và nhìn toàn cảnh về công việc mà họ đang làm, đánh giá lại tình hình thực tế và cân nhắc những cơ hội nghề nghiệp mới. Những người như vậy đang chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong thị trường lao động. Mặc dù đại dịch chỉ là yếu tố khơi mào, cuộc đại nghỉ việc này đang cho thấy là một xu hướng lâu dài” - Kevin Harrington, CEO Joblist nhận định.
The Washington Post cho biết, đại dịch cũng đã thay đổi quan điểm của người lao động về công việc, nhiều người muốn làm việc từ xa mãi mãi, một số người muốn dành nhiều thời gian hơn với gia đình, và một số muốn một sự nghiệp có ý nghĩa hơn.

Các tin khác