Chảy máu công nghệ từ Trung sang Ấn

(ĐTTCO) - Ngày 3-11 năm ngoái, Bắc Kinh đã nổ phát súng khai hỏa nhằm siết lại thị trường công nghệ trong nước, bằng cách đình chỉ hoạt động ra mắt thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới của Ant Group, một “đế chế” của tỷ phú Jack Ma. Chỉ trong 1 năm, chiến dịch này của Bắc Kinh đã làm xuất hiện hiện tượng “chảy máu” công nghệ sang các nước trong khu vực, điển hình là Ấn Độ.

Công ty giao hàng thực phẩm Ấn Độ Zomato đã có giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ khi IPO.
Công ty giao hàng thực phẩm Ấn Độ Zomato đã có giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ khi IPO.
1 năm khó khăn
Chiến dịch bắt đầu với người khổng lồ song sinh của Jack Ma là Ant Group Co. và Alibaba Group Holding Ltd., bằng việc cấm IPO (tháng 11-2020) và điều tra độc quyền (12-2020). Đến ngày 7-2-2021, Trung Quốc hoàn thiện luật chống độc quyền internet và mở rộng chiến dịch ra ngoài các đế chế của Jack Ma, với Tencent Holdings Ltd. là mục tiêu kế tiếp.
Ngày 10-4, chính quyền đã áp mức phạt kỷ lục  2,8 tỷ USD đối với Alibaba. 2 ngày sau, công ty fintech song sinh của nó là Ant bị chuyển đổi thành công ty cổ phần tài chính, đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Ngày 29-4, Bắc Kinh nhân rộng việc chuyển đổi của Ant cho tất cả đơn vị fintech của 13 công ty, trong đó có Tencent. 
Ngày 2-7, Didi Global Inc. bị “sờ gáy” chỉ 2 ngày sau khi IPO ở thị trường Mỹ. Công ty gọi xe công nghệ này được lệnh phải tạm dừng việc nhận đăng ký thành viên mới, khiến 1/5 vốn hóa bị “bốc hơi”. Đến ngày 10-7, quy định mới về IPO ở nước ngoài được công bố. Theo đó, các công ty có hơn 1 triệu người dùng phải được cho phép về an ninh mạng trước khi niêm yết ở các quốc gia khác.
Cũng trong tháng 7, Bắc Kinh bắt đầu siết lại hoạt động dạy thêm, không cho các công ty giảng dạy các chương trình trong trường học được thu lợi nhuận, huy động vốn hoặc niêm yết cổ phiếu. 25 công ty lớn cũng bị buộc phải “mở cửa” nền tảng của họ cho các công ty nhỏ hơn. 
Nhưng sau 1 năm khó khăn, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Đó là cuộc “đại tu” của Ant sẽ diễn ra như thế nào? Các cơ quan quản lý sẽ trừng phạt Didi ra sao?
Liệu các đợt IPO công nghệ của Trung Quốc ở nước ngoài có tiếp tục diễn ra? Trong khi những câu hỏi này vẫn chưa được trả lời rốt ráo, nhiều nhà đầu tư công nghệ đã chuyển hướng sang Ấn Độ như sự lựa chọn thay thế.
Dòng vốn chuyển hướng
Ấn Độ từ lâu là thị trường châu Á đầy hứa hẹn, nhưng vẫn xếp thứ 2 sau Trung Quốc. Thế nhưng, cùng với chiến dịch siết thị trường công nghệ của Bắc Kinh, Ấn Độ đang dần vươn lên, trở thành lựa chọn yêu thích của các nhà đầu tư. Điều này cùng với khả năng chu chuyển vốn toàn cầu nhanh chóng và internet cởi mở, đã thúc đẩy đợt tăng giá trên thị trường tư nhân và cổ phần ở Ấn Độ. 
Theo Tạp chí đầu tư mạo hiểm châu Á, trong quý III-2021, cứ 1USD đầu tư vào công nghệ Trung Quốc thì có 1,5USD đã được chuyển vào Ấn Độ. Chỉ số vốn chủ sở hữu Sensex chuẩn của Ấn Độ tăng 25% trong năm nay, là chỉ số hoạt động tốt nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á, trong khi chỉ số Shanghai SE Composite của Trung Quốc không đổi so với cùng kỳ. 
Việc Trung Quốc chặn IPO của Ant, cũng như các cuộc điều tra nhằm vào việc kiềm chế hành vi độc quyền đến quyền riêng tư về dữ liệu và phân phối của cải, đã khiến nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khó khăn. Ant Group đã không tái tổ chức cuộc IPO.
Còn số phận của Didi Chuxing cũng không chắc chắn, giá cổ phiếu của hãng đã giảm hơn 40% so với giá chào bán. Nguồn vốn do các công ty khởi nghiệp công nghệ huy động thông qua niêm yết công khai ở Hoa lục đang có xu hướng giảm. 
Trong khi đó, ở Ấn Độ từ đầu năm đến nay đã huy động được 2,6 tỷ USD, tăng 550% so với năm ngoái. Trung Quốc vẫn dẫn đầu về số lượng các giao dịch thị trường tư nhân, nhưng tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã vượt xa trong năm nay. Theo AVCJ, các giao dịch đang tiến hành ở Ấn Độ trong quý III đã tăng 93% so với năm ngoái, trong khi giảm 3% ở Trung Quốc.
Vào tháng 7, Zomato - tập đoàn giao hàng thực phẩm của Ấn Độ đang bị thua lỗ - được niêm yết trên sàn chứng khoán. Bất chấp những hoài nghi, cổ phiếu của Zomato đã tăng gấp đôi từ giá phát hành lên mức định giá 15 tỷ USD. Điều này đã chứng tỏ sức mạnh và tiềm năng của thị trường vốn Ấn Độ trong việc cung cấp nền tảng cho các công ty công nghệ thua lỗ. 

Tiềm ẩn bong bóng?
Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong những năm tới. Nước này có 375 triệu người thế hệ Z (sinh từ năm 1996-2010), so với khoảng 250 triệu ở Trung Quốc. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng internet ở Ấn Độ vẫn chưa đến 60%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, tức còn nhiều dư địa cho sự tăng trưởng. 
Tiềm năng nhân khẩu học này từ lâu đã giúp các nhà đầu tư đánh giá cao Ấn Độ. Venture Intelligence cho biết 35 công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ đã trở thành “kỳ lân” trị giá hơn 1 tỷ USD trong năm nay, nhiều hơn tất cả các năm kể từ năm 2013 cộng lại.
Người mới tham gia trẻ nhất là Apna, một nền tảng tìm việc được thành lập cách đây chưa đầy 2 năm, được định giá hơn 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn vào tháng 9, với sự tham gia của quỹ đầu cơ Tiger Global ở New York và Sequoia Capital của Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, lạm phát định giá này đang khiến một số nhà đầu tư lo lắng về tình trạng quá nóng. Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thấy bất kỳ lợi nhuận nào. Cars24 đã ghi nhận lợi nhuận trên vốn đầu tư âm 53% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2020. Udaan, công ty thương mại điện tử, báo cáo lợi nhuận trên vốn đầu tư âm 80% so với cùng kỳ.
Xét về tất cả tiềm năng, sức chi tiêu ở Ấn Độ vẫn thua xa Trung Quốc và GDP bình quân đầu người dưới 2.000USD, thấp hơn 1/5 so với nước láng giềng. Bất chấp dân số 1,4 tỷ của Ấn Độ, nhóm dân số giàu có sẵn sàng chi tiêu cho các dịch vụ công nghệ vẫn không cao. 

Các tin khác