Chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung: Tham vọng tự chủ chất bán dẫn của Trung Quốc bị đình trệ

(ĐTTCO) – Bắc Kinh đang nỗ lực để bắt kịp các công nghệ sản xuất chip tiên tiến trên thế giới với tham vọng tự chủ trong sản xuất chất bán dẫn. Tuy nhiên, trước lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ Mỹ, ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc bị đưa vào tầm ngắm dưới sự giám sát chặt chẽ càng khiến những nỗ lực của Trung Quốc trở nên đình trệ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong những năm gần đây, các nhà cung cấp của Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ trong cả thiết kế và sản xuất chất bán dẫn, với sự hỗ trợ của nhà nước. Điển hình là việc phát triển các chất cản quang cao cấp, vật liệu quan trọng được sử dụng trong quá trình in thạch bản. Song, nước này vẫn còn phải phụ thuộc nước ngoài rất nhiều về nguồn cung chip công nghệ cao.

Theo các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành, Trung Quốc đã buộc phải thực hiện một sự điều chỉnh trong xu hướng tự lực bán dẫn, thay vào đó tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất các công nghệ gọi là “mature node” (nút trưởng thành) trong khi đặt mục tiêu bắt kịp các nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới. Sự thay đổi này đưa ra một câu chuyện cảnh báo về nhiệm vụ của Bắc Kinh nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ của Mỹ.

Bất chấp ý chí chính trị mạnh mẽ từ Chủ tịch Tập Cận Bình, sự hỗ trợ tài chính hào phóng từ chính phủ và sự nhiệt tình của các công ty trong nước, Trung Quốc đang đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng cơ hội tự cung tự cấp về chip tiên tiến là rất xa vời.

Một mặt, Trung Quốc có thể giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung bằng cách thúc đẩy sản xuất chip cấp thấp hơn được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, nhưng mặt khác, họ vẫn phải dựa vào tấm wafer (vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp) như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) và Samsung Electronics để sản xuất chip tiên tiến trong những năm tới, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ tới, ngay cả khi các công ty thiết kế vi mạch của Trung Quốc có thể thiết kế những chip cao cấp này.

Gokul Hariharan, đồng Trưởng Bộ phận nghiên cứu TMT Châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Mỹ JP Morgan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post “Ở vị trí dẫn đầu, việc các công ty Trung Quốc bắt kịp sẽ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, thị trường công nghệ thế hệ cũ vẫn đầy hứa hẹn và các công ty Trung Quốc có tiềm năng ở đó”.

Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) có trụ sở tại Thượng Hải, nhà sản xuất chip lớn nhất nước, có thể sản xuất chip nút 14nm, đang xây dựng các nhà máy mới ở Bắc Kinh và Thâm Quyến cho chip công nghệ nút 28nm. Mặc dù nhu cầu về các nút công nghệ trưởng thành hơn này rất mạnh, nhưng SMIC vẫn đi sau những “người chơi” tiên tiến vài thế hệ khi nói đến lợi thế dẫn đầu.

Chỉ có ba nhà sản xuất chip trên thế giới - TSMC, Samsung Electronics và Intel - ở lại cuộc đua chip dưới 10nm, nghĩa là các công ty Trung Quốc tập trung nguồn lực của họ vào các công nghệ “nút trưởng thành”, nơi có thị trường sẵn sàng và nhu cầu mạnh mẽ là điều hoàn toàn hợp lý. SMIC đã cho biết phần lớn chi tiêu vốn năm 2021 của họ sẽ được dành cho việc tăng cường công suất ở các “nút trưởng thành”.

Tilly Zhang, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Gavekal Fathom China, viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Không có triển vọng thực tế nào về việc Trung Quốc có thể sánh ngang với năng lực của các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới trong vài năm tới”.

Một trong những nguyên nhân chính cho điều này là không có công ty Trung Quốc nào đủ khả năng tạo ra những con chip dưới 7nm; thiếu khả năng tiếp cận với các máy in thạch bản cực tím (EUV), công nghệ do công ty ASML của Hà Lan độc quyền, được yêu cầu để sản xuất chip ở bước sóng 7nm trở xuống, mà ngay cả TSMC hay Intel vẫn cần công cụ và thiết bị từ ASML.

Các nhà sản xuất chip nội địa của Trung Quốc, cũng như các nhà máy ở đại lục do các công ty nước ngoài như SK Hynix vận hành, không thể cung cấp các thiết bị tinh vi do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt vì lo ngại rằng công nghệ này sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng.

Khi thương chiến Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm tập đoàn “đầu tàu” Huawei, trở thành đối tượng của các biện pháp hạn chế. Tháng 9/2020, Mỹ ban hành các hạn chế xuất khẩu đối với SMIC và các công ty con, bị đưa vào “danh sách đen” của Bộ thương mại Mỹ càng khiến Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Các tin khác