Chủ tịch EC kêu gọi kéo dài thời gian giãn cách xã hội đối với người cao tuổi

(ĐTTCO) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khuyến cáo rằng người cao tuổi nên tiếp tục ở trong nhà cho đến hết năm 2020 để bảo vệ chính họ khỏi virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo về nỗ lực cứu vãn nền kinh tế của liên minh châu Âu trước ảnh hưởng dịch COVID-19, tại Brussels, Bỉ ngày 2/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo về nỗ lực cứu vãn nền kinh tế của liên minh châu Âu trước ảnh hưởng dịch COVID-19, tại Brussels, Bỉ ngày 2/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild của Đức ngày 12/4, bà Leyen cho biết: "Nếu không có vaccine, chúng ta phải hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc với người cao tuổi". Bà cũng thừa nhận rằng việc này "rất khó khăn" và "cô lập là một gánh nặng, nhưng đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết", đồng thời bà nhấn mạnh "Chúng ta phải duy trì kỷ luật và kiên nhẫn".

Theo Chủ tịch EC, trẻ em và giới trẻ sẽ được tự do đi lại sớm hơn người cao tuổi và những người có các bệnh lý nền. Bà cũng bày tỏ hy vọng một phòng thí nghiệm của châu Âu sẽ tìm ra vaccine trong năm nay. Để đảm bảo rằng mọi người có thể nhanh chóng được tiêm phòng, giới chức châu Âu đã thảo luận với các nhà sản xuất về việc tăng sản lượng ngay khi tìm ra vaccine.

* Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho rằng chưa đến lúc nới lỏng tình trạng khẩn cấp. Trả lời phòng vấn hãng thông tấn LNA của nước này, ông Costa cho biết trọng tâm của chính phủ hiện nay là "tập trung kiểm soát đại dịch". Ông đánh giá còn quá sớm để quyết định có nối lại các hoạt động kinh tế hay không, vì hiện các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng và có thể số ca tử vong sẽ bắt đầu tăng trong thời gian tới. Thủ tướng Costa thừa nhận rằng kịch bản có thể khác "vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6".

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại Bồ Đào Nha từ ngày 18/3 và được gia hạn vào ngày 2/4, sẽ kéo dài đến 17/4. Tổng thống Marcelo Rebelo thông báo có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 1/5.

Tuy nhiên, Thủ tướng Costa nhấn mạnh chính phủ phải chuẩn bị cho thời gian tới để phục hồi sau dịch. Ông cam kết rằng chính phủ sẽ không áp đặt chính sách "thắt lưng buộc bụng" đối với các tài khoản công, vốn từng gặp vấn đề trong cuộc khủng hoảng kinh tế trong thập kỷ trước. Ông phân tích: "Dịch bệnh hiện nay là một thực tế hoàn toàn khác. Không hề có "dịch" trong hệ thống tài chính công". Vì vậy, theo Thủ tướng Costa, cần hỗ trợ các công ty và người lao động bị ảnh hưởng của dịch để đẩy nhanh quá trình phục hồi. Ông cho biết để làm được như vậy, chính phủ đã tạo một gói tín dụng, có thể lên tới 13 tỷ euro. Đến nay, Bồ Đào Nha đã ghi nhận 15.987 ca nhiễm, trong đó có 470 ca tử vong vì dịch COVID-19.

* Cũng trong ngày 11/4, Chính phủ Bulgaria yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài cho đến hết tháng này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Theo một sắc lệnh của chính phủ, khẩu đeo trang là bắt buộc từ ngày 12/4 - 26/4, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị cho các đón lễ Phục Sinh. Vì khẩu trang là mặt hàng đang khan hiếm nên mọi người sẽ không bị phạt nếu không đeo khẩu trang nhưng được yêu cầu che mũi và miệng bằng các loại khăn, vải khác khi đến nơi công cộng.

Bulgaria hiện ghi nhận 661 ca nhiễm và 28 ca tử vong. Giới chuyên gia dự báo đỉnh dịch ở nước này có thể xảy ra vào cuối tháng 4.

* Tại Belarus, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) ngày 11/4 kêu gọi chính phủ nước này sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất và áp dụng các biện pháp mới nhằm giãn cách xã hội. Người đứng đầu nhóm chuyên gia của WHO tại Belarus, Patrick O'Connor kêu gọi nhà chức trách Belarus nên ngừng mọi sự kiện công cộng, bao gồm cả thể thao, để thực hiện giãn cách xã hội và giảm các hoạt động đông người không cần thiết.

WHO cảnh báo dịch COVID-19 đang "lan nhanh" tại Belarus, dấu hiệu cho thấy cách ứng phó hiện nay của nước này chưa phát huy tác dụng. Theo bác sĩ O'Connor, số ca nhiễm tăng gấp đôi trong 2, 3 ngày qua cho thấy virus bắt đầu lây lan trong cộng đồng.

Belarus, quốc gia với 9,5 triệu dân, hiện là một trong số rất ít nước châu Âu chưa áp dụng phong tỏa bắt buộc dù nước này đã ghi nhận tổng cộng 2.226 ca nhiễm và 23 ca tử vong. Nước này đang gây chú ý vì là quốc gia châu Âu duy nhất vẫn tiếp tục tổ chức các trận đấu bóng đá. Tổng thống Alexander Lukashenko trước đó khẳng định ưu tiên kinh tế hơn là cách ly, cho biết nước ông không thể chịu nổi sự phong tỏa như các nước khác.

* Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết các bệnh viện ở Moskva đang quá tải trong bối cảnh số ca tử vong đã tăng lên tới hơn 100. Thủ đô Moskva và nhiều vùng khác đã áp đặt phong tỏa trong gần 2 tuần qua nhằm kiềm chế sự lây lan, nhưng các bệnh viện đang sắp quá tải. Đến nay, Nga đã ghi nhận tổng cộng 13.584 ca nhiễm, trong đó 106 ca tử vong. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phải vài tuần nữa mới biết liệu Nga có đang tiến gần tới điều tồi tệ nhất hay không. Về phần mình, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cũng nhận định còn xa mới đến đỉnh dịch.

Các tin khác