Chương trình “giải hạn”

(ĐTTCO) - Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước dài hạn tồi tệ nhất trong lịch sử khi cầu vượt xa nguồn cung, đe dọa sản lượng nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế 2.600 tỷ USD này đều phụ thuộc vào nước, đặc biệt là nông nghiệp, ngành nghề nuôi sống 2/3 dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ.

Nước sinh hoạt thiếu là vấn đề nan giải ở Ấn Độ

Nước sinh hoạt thiếu là vấn đề nan giải ở Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa công bố chương trình có chi phí 60 tỷ rupee (842 triệu USD) để giải quyết tình trạng thiếu nước ở quốc gia này, trong đó có 7 bang là trung tâm nông nghiệp nhưng thiếu nước trầm trọng. Chương trình sẽ giúp bổ sung nước ngầm và tăng khả năng cấp nước tại các bang Rajasthan, Karnataka, Haryana, Punjab, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh, Maharashtra và Gujarat, nơi sản xuất các mặt hàng chủ lực như gạo, lúa mì, đường và hạt có dầu.

Cung cấp nước sạch cho hàng triệu người nghèo và khôi phục các dự án tưới tiêu là một phần quan trọng trong chính sách của ông Modi. 

Gió mùa ở Ấn Độ mang đến gần 70% lượng mưa hàng năm. Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp Ấn Độ không có thủy lợi mà phụ thuộc vào mưa (từ tháng 6 đến tháng 9) để trồng trọt. Nước uống cũng là một vấn đề, vì khoảng 200.000 người Ấn Độ tử vong hàng năm do không được tiếp cận đủ nước sạch. Tình trạng thiếu nước mùa hè có xu hướng nghiêm trọng hơn ở các thành phố lớn, kể cả thủ đô New Delhi. 

Ngoài việc cung ứng thêm nước, Thủ tướng Ấn Độ cũng khuyến khích người dân và các cơ sở cấp nước áp dụng các kỹ thuật hiện đại tiêu tốn ít nước trong nông nghiệp và tránh lãng phí, thất thoát nước sinh hoạt.

Các tin khác