“Cơn sóng nợ” đang hình thành

(ĐTTCO)-Chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp thế giới đang tiếp tục chống chọi lại Covid-19, đặc biệt với các biến thể của virus mới. Một nguồn lực rất quan trọng và cần rất nhiều là tài chính, nhưng trong tình thế thu giảm chi tăng chưa từng có tiền lệ thì lấy tiền từ đâu? Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nền kinh tế đang ở trong làn sóng nợ lần thứ 4, nguy hiểm nhất là các nước mới nổi và đang phát triển.
“Cơn sóng nợ” đang hình thành ảnh 1
Quy mô, tốc độ và diện bao phủ của nợ cực lớn
Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2021 (từ ngày 25 đến 29-1-2021) lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, do Covid-19 các nước phải tập trung chống dịch, những người có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới cũng không tề tựu được với nhau, nên sự kiện quan trọng này ít được quan tâm như thường lệ.
Nhưng trong chương trình của Davos năm nay, một cảnh báo nguy hiểm về cơn sóng nợ có thể ập đến dữ dội và bất thình lình khiến không ít người giật mình. Sự cảnh giác với nhiều mối nguy đến cùng lúc chưa bao giờ lên cao độ như giai đoạn này.
Theo WB, tính từ năm 1970 thế giới đang ở làn sóng nợ thứ 4, bắt đầu từ năm 2010 và đến nay đã ở mức nguy hiểm, thậm chí trước khi Covid-19 bùng nổ. Số liệu lịch sử cho thấy, trong những lần trước hơn 100 quốc gia đã bị ảnh hưởng và thường kết thúc bằng đợt khủng hoảng tài chính ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhưng lần này khủng hoảng nợ còn có Covid-19 đổ “thêm dầu vào lửa”.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nước đã huy động ngân sách lên đến 12.000 tỷ USD, bao gồm giảm thuế, cơ cấu nợ và bơm vốn. Với các chương trình giải cứu kinh tế đã được thông qua, nợ công trên toàn thế giới ước chạm mốc 100% GDP vào năm 2025.
 Sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa các chính phủ là cần thiết để cú vỡ nợ lớn không xảy ra, hay ít ra được kéo dài thêm để tìm cách xử lý.
Trước đó vào tháng 11-2020, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã dự báo nợ trên toàn thế giới bao gồm cả khu vực công và tư là 277.000 tỷ USD, tương đương 365% GDP.  Mối bận tâm lớn ở đây là quy mô, tốc độ tăng và diện bao phủ rộng của nợ cực lớn kể từ năm 2010.
Không những thế, một nghiên cứu của IMF đã chỉ ra rằng trong 89 đợt vỡ nợ trong lịch sử ở quy mô quốc gia giai đoạn 1827-2003, các nước vỡ nợ trong giai đoạn cuối khi rủi ro phá sản đã cao nhưng vẫn tiếp tục vay nợ, đặc biệt tăng nhanh nợ cả trong nước và quốc tế.
Cũng trong nghiên cứu này, có 2 nguy hiểm của nợ đã có từ trước và không liên quan đến Covid-19, là chủ nợ tư được ưu tiên, gánh nặng được dịch chuyển về nợ công và thời gian xử lý nợ xấu ngày càng dài hơn. 

Tỉnh táo và tích cực đề phòng
Trong bối cảnh lãi suất thấp và các ngân hàng trung ương (NHTW) tiếp tục hỗ trợ mạnh nền kinh tế. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố ổn định lãi suất thấp, còn các chính phủ càng nới tay trong việc vay nợ của mình. Thậm chí có ý kiến đề nghị các NHTW xóa nợ cho chính phủ.
Với các nước đã phát triển có nguồn lực dự trữ lớn và mức độ tín nhiệm cao trên thị trường tài chính, khả năng tăng nợ không phải là mối nguy lớn khi lãi suất thấp và còn có người sẵn lòng cho vay.
Nguy hiểm ở đây là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, gặp cú sốc lớn khi nội lực chưa đủ nhu cầu vay tăng nhanh, dễ dẫn tới tình trạng vay đảo nợ. Đến lúc nào đó rủi ro phá sản quá cao, đến ngưỡng không thể vay được nữa hay lãi suất tăng, giá tài sản giảm, bong bóng nợ sẽ bị vỡ.
Khi vaccine được triển khai trên diện rộng và thuốc điều trị có thể tung ra thị trường, cuộc chiến chống Covid-19 lúc đó có thể an bài. Từ đó, dự báo về sự hồi phục của kinh tế là có thể, nhưng cơn sóng nợ hoàn toàn không biết được sẽ đi về đâu.
Vì thế, cùng với chống Covid-19, các chính phủ và định chế tài chính lớn như IMF, WB, các ngân hàng khu vực cần tỉnh táo và tích cực đề phòng cơn sóng nợ.
“Cơn sóng nợ” đang hình thành ảnh 2 Ảnh minh họa.
Muốn vậy, trước hết cần minh bạch các thông tin dữ liệu về nợ cũng như các hợp đồng nợ. Rất nhiều nước đang phát triển đi vay nợ với các điều khoản bí mật, đặc biệt với chủ nợ là Trung Quốc. Trong trường hợp như vậy, mức độ rủi ro của các khoản nợ này rất khó đánh giá. Ngoài ra, nhiều nước đang phát triển còn vay nợ ở các định chế tài chính tư, thậm chí là các quỹ đầu tư mạo hiểm, do đó có thể có những điều khoản bất lợi, bị ép nợ.
Lãi suất thấp cũng khuyến khích nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khu vực tư tranh thủ vay nợ, rồi đầu tư vào các danh mục có mức độ rủi ro cao hơn. Nhiều tập đoàn lớn có thể còn có suy nghĩ “too big to fail” (quá lớn để sụp đổ), ỷ lại vào sự giải cứu của chính phủ. Tham nhũng cũng có cơ hội phát sinh trong những chương trình mua sắm đầu tư kể cả công hay tư.
Chính vì vậy, minh bạch thông tin về dữ liệu nợ cần áp dụng cho cả khu vực công và tư. Việc giải cứu từ ngân sách chính phủ cần được đánh giá kỹ càng, thận trọng, sẵn sàng để doanh nghiệp không hiệu quả phá sản theo đúng quy luật của thị trường.
Bên cạnh quản lý theo dõi nợ, các dự báo kinh tế cần phản ánh các giả định thực tế hơn của thị trường. Các dự báo vì vậy cần tích hợp các rủi ro quan trọng, sử dụng nhiều dữ liệu hơn và các dự báo ngắn hạn cần được cập nhật liên tục, dù theo các mô hình kinh tế truyền thống hay sử dụng các công nghệ hiện đại như máy học (Machine Learning) để dự báo.
Ngoài ra, kinh nghiệm tái cơ cấu nợ hay xử lý khủng hoảng nợ trong quá khứ cũng có những giá trị tham khảo nhất định. Cú sốc Covid-19 có thể là sự kiện trăm năm có một, nên dù lần này sẽ khác, các nguyên tắc minh bạch, sự can thiệp của chính phủ cần hài hòa với thị trường.

Các tin khác