Đa dạng giới tính trong ban điều hành

(ĐTTCO) - Mới đây, 6 quỹ đầu tư lớn ở Pháp kêu gọi các doanh nghiệp cần tăng tỷ lệ nữ giới trong ban điều hành lên mức tối thiểu 30%, kể từ năm 2025. Lý do, nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi tỷ lệ nữ trong ban điều hành đạt mức 30%, hiệu quả của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. 
Nhìn thế giới…
Đa dạng giới tính trong ban lãnh đạo hay ban điều hành là tiêu chí quan trọng trong bộ đánh giá ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) của nhiều tổ chức. Doanh nghiệp có trách nhiệm, đầu tư có trách nhiệm đang là xu hướng mạnh mẽ ở nhiều nước phát triển. Bởi doanh nghiệp không chỉ hướng đến khách hàng của mình, còn phải theo áp lực của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức.
6 quỹ đầu tư lớn kể trên gồm những tên tuổi lớn như Amundi, AXA IM, La Banque Postale (LBP AM), Natixis, Ostrum, hiện đang quản lý lượng tài sản (AUM) 3.000 tỷ EUR. Mong muốn nhưng thực ra là điều kiện của các quỹ đầu tư này là các doanh nghiệp cần tăng tỷ lệ nữ trong ban điều hành. Đặt được áp lực như vậy do các quỹ này nắm tỷ trọng đáng kể quyền biểu quyết trong doanh nghiệp, có quyền phủ quyết trong đại hội cổ đông nếu doanh nghiệp không có thiện chí cải thiện tỷ lệ nữ giới trong ban điều hành.
Đa dạng giới tính trong ban điều hành ảnh 1
Nhưng có sự khác biệt giữa tỷ lệ nữ trong ban lãnh đạo và trong ban điều hành. Năm 2011, Pháp ban hành Luật Copé-Zimmermann, quy định tỷ lệ nữ trong ban lãnh đạo tối thiểu 20% đến năm 2014 và 40% đến năm 2017. Đến nay, tỷ lệ này đạt gần 46% so với 12,5% vào năm 2010. Tuy vậy, tỷ lệ nữ trong ban điều hành lại không được như vậy. Trong danh sách SBF120 (120 công ty lớn nhất của Pháp), nữ giới chỉ chiếm 22% trong ban điều hành doanh nghiệp, so với 7% vào năm 2009. Trong khi đó, ảnh hưởng của ban điều hành đáng kể hơn rất nhiều so với ban lãnh đạo.
Cùng với Pháp, Đức cũng đang quan tâm chỉ số này trong các doanh nghiệp niêm yết. Thông tin từ các nguồn tin tài chính cho biết Hạ viện Liên bang Đức dự kiến thông qua luật quy định tỷ lệ nữ trong ban điều hành doanh nghiệp tối thiểu 1/3. Đức là một trong những nước ở châu Âu còn khá xa mục tiêu này. Đến cuối năm 2020, chỉ có 12% trong tổng số 878 thành viên ban điều hành của 200 doanh nghiệp hàng đầu Đức là nữ giới. Hơn 10 năm trước, nhiều nước ở châu Âu đã bắt đầu khuyến khích việc đa dạng giới tính trong ban lãnh đạo/điều hành của doanh nghiệp. Các nước này hoặc bắt buộc một tỷ lệ nhất định, hoặc khuyến khích. Tuy vậy, với những nước bắt buộc, luật chỉ quy định tỷ lệ tối thiểu nữ giới trong ban lãnh đạo nhưng chưa có quy định tương tự cho ban điều hành.
Nhìn nhận về tỷ lệ nữ giới trong ban lãnh đạo, ban điều hành vẫn có nhiều khác biệt ở một số quốc gia, doanh nghiệp, những nước không quan tâm nhiều như Đan Mạch, Mỹ, cho rằng việc ấn định tỷ lệ này sẽ làm giảm hiệu quả của doanh nghiệp, bởi sẽ đưa vào ban lãnh đạo, điều hành những người không phù hợp. Trái lại, những nước ủng hộ như Nauy, Pháp lại cho rằng việc này là tích cực trong tuyển chọn người chuyên nghiệp, chính thống hơn, tăng sự đa dạng giới tính.

Đến Việt Nam
Ở Việt Nam, nghiên cứu của PGS.TS Lê Thị Phương Vy (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), cho thấy sự hiện diện của nữ giới trong hội đồng quản trị có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động tài chính doanh nghiệp. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu khác trên thế giới trong việc củng cố kết luận rằng, đa dạng giới tính trong ban lãnh đạo, ban điều hành sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Dù chưa có số liệu chi tiết về tỷ lệ nữ giới trong ban điều hành các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là doanh nghiệp trong danh sách VN30, nhưng việc tăng tỷ lệ nữ giới trong ban điều hành là điều các doanh nghiệp cần chú ý.
Đa dạng giới tính trong ban điều hành ảnh 2
Thứ nhất, nhiều nghiên cứu thực chứng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa tỷ lệ nữ giới trong ban lãnh đạo hay điều hành với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Lý do, phụ nữ cẩn trọng hơn trong các quyết định rủi ro, chất vấn nhiều hơn và bổ sung sự nhạy cảm tinh tế trong các quyết định. Thứ hai, Việt Nam là thị trường tài chính cận biên, sẽ sớm được xếp vào nhóm mới nổi và thu hút nhiều dòng vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Hiện nhiều quỹ đầu tư ưu tiên đầu tư có trách nhiệm, nên trong danh mục của mình sẽ ưu tiên doanh nghiệp có trách nhiệm. Và đa dạng giới tính là chỉ số quan trọng trong thang điểm ESG.
Thứ ba, trong trường hợp doanh nghiệp muốn tiếp cận với nguồn vốn từ thị trường tài chính bên ngoài, như phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết ở nước ngoài... cần cải thiện đáng kể điểm số ESG, trong đó có chỉ tiêu đa dạng giới tính trong ban lãnh đạo, điều hành. Ở góc độ quản lý nhà nước, việc áp dụng bắt buộc tỷ lệ này là cần thiết, cho cả ban lãnh đạo và ban điều hành. Tuy nhiên, cần có lộ trình tăng dần và tính toán một tỷ lệ bắt buộc phù hợp với điều kiện chung của doanh nghiệp niêm yết, chẳng hạn tùy theo quy mô vốn hóa của doanh nghiệp. 

Các tin khác