Đà tăng giá của đồng chững lại do dấu hiệu nhu cầu suy yếu của Trung Quốc

(ĐTTCO) - Đà tăng mạnh của giá đồng kéo dài trong thời gian vừa qua đã chững lại khi xuất hiện nhu cầu suy yếu của Trung Quốc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá đồng đã giảm tới 4,3% trong ngày 15/6 và đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 7 tuần. Đồng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5 nhưng áp lực điều chỉnh gia tăng khi nhu cầu của Trung Quốc giảm xuống và các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng, áp lực lạm phát mạnh mẽ ở các nền kinh tế hàng đầu chỉ là tạm thời.

Ngoài ra, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm đưa ra quyết định làm chậm tốc độ mua tài sản khẩn cấp giúp đồng USD tăng giá, qua đó gây áp lực lên giá các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có đồng.

Colin Hamilton, Giám đốc điều hành nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets cho biết: “Chúng ta đang ở thời điểm mà rất nhiều yếu tố biến đổi theo chu kỳ. Đó là nỗi sợ hãi rằng mọi thứ sẽ ngày càng cao hơn, điều đó đã xuất hiện trên thị trường ngay bây giờ”.

Đồng đã là một trong những hàng hoá có đà tăng nổi bật nhất trong đà tăng kéo dài 1 năm qua của các loại hàng hóa khi nhu cầu tăng vọt, đồng thời hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Các câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư là liệu đà tăng của các loại hàng hóa có là nhất thời hay không và liệu tác động lạm phát lên người tiêu dùng có chỉ tồn tại trong thời gian ngắn hay không.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed tự tin rằng, lạm phát chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và các nhà đầu tư đang đi theo quan điểm đó.

Đà tăng giá của đồng chững lại do dấu hiệu nhu cầu suy yếu của Trung Quốc ảnh 1
Diễn biến giá đồng và mức lạm phát kỳ vọng bình quân 5 năm của Mỹ

Dấu hiệu suy yếu nhu cầu ở Trung Quốc cũng đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về khả năng giá các loại kim loại, trong đó có đồng sẽ chấm dứt thời kỳ tăng giá phi mã. Tồn kho tại các kho hàng của London Metal Exchange (LME) ở châu Á đạt mức cao nhất trong một năm. Một thương nhân chuyên về hàng tồn kho của LME cho biết, một số nhà sản xuất kim loại Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua tại thị trường nội địa.

“Nếu các thương nhân Trung Quốc sẵn sàng xuất khẩu vật liệu đó ra nước ngoài, điều đó cho thấy họ không mong đợi nhu cầu trong nước sẽ sớm tăng trở lại”, chiến lược gia Hamilton cho biết.

Tuy nhiên, giá đồng cũng được dự báo không thể giảm mạnh, bởi nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc được bù đắp bởi nhu cầu dài hạn có khả năng phát sinh trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mà đồng đóng vai trò trung tâm trong mọi thứ, từ bộ sạc ô tô đến tuabin gió.

Đà tăng giá của đồng chững lại do dấu hiệu nhu cầu suy yếu của Trung Quốc ảnh 2
Chỉ số sản xuất của Mỹ, EU và Trung Quốc

“Giá đồng giữ ở mức cao là do việc thúc đẩy sản lượng kim loại cho xe điện. Nếu muốn điện khí hóa, chúng tôi sẽ cần nhiều đồng hơn, nên tất yếu sẽ khiến giá tăng lên”, Giám đốc điều hành Tập đoàn Trafigura, Jeremy Weir cho biết hôm thứ Ba (15/6) tại Hội nghị thượng đỉnh hàng hóa FT.

Ngay cả trước khi dự đoán tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đến Mỹ và châu Âu, cả hai khu vực này đều đang trải qua một bước nhảy vọt về sản lượng sản xuất, giúp bù đắp sự yếu kém đã thấy ở thị trường Trung Quốc.

Các tin khác