“Đại dịch kinh tế” coronavirus

(ĐTTCO) - Hàng ngàn ca nhiễm coronavirus tại 2 nền kinh tế lớn bên ngoài Trung Quốc đã dập tắt mọi hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng từ một dịch bệnh đã tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu và đánh thẳng vào lợi nhuận của giới doanh nghiệp.
Những nền kinh tế hàng đầu lung lay
Tính đến ngày 29-2, số ca nhiễm ở Hàn Quốc, một nhà sản xuất ô tô, điện tử và máy móc lớn, đã lên 2.931. Tại Italia, đã có 821 ca được xác nhận. Các quan chức đã đóng cửa các tòa nhà công cộng, trường học và các sự kiện thể thao ở một số khu vực công nghiệp phía Bắc của đất nước. Nhật Bản trước đó đã báo cáo hàng trăm ca nhiễm bệnh.
Như vậy, 4 trong số 12 nền kinh tế hàng đầu thế giới - chiếm khoảng 27% GDP toàn cầu - hiện đang chật vật kiềm chế virus. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ 4 là Đức đang ngấp nghé bên bờ vực suy thoái.
Việc gia tăng đột biến các ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại coronavirus, rủi ro lớn hơn cho các công ty và công nhân của họ, cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đã hy vọng những biện pháp kịch liệt của Trung Quốc sẽ làm chậm sự lây lan của coronavirus và ngăn không cho nó kéo giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.
“Đại dịch kinh tế” coronavirus ảnh 1 Chứng khoán toàn cầu lao dốc khi đại dịch lan rộng ra nhiều nước.
Nếu các nhà máy của Trung Quốc có thể nhanh chóng khởi động lại sản xuất sau khi ngừng hoạt động kéo dài, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có cơ hội trở lại bình thường trong quý II. “Theo kịch bản đó, tăng trưởng toàn cầu trong năm nay sẽ chỉ yếu hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự kiến” - bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết. Tuy nhiên, lãnh đạo IMF cảnh báo bà cũng đang xem xét "các kịch bản thảm khốc hơn" với giả định dịch bệnh bùng "dai dẳng và lan rộng hơn".

Nguy cơ suy thoái trên diện rộng
Các thị trường chứng khoán hiện đang phản ánh nguy cơ ngày càng tăng của việc dịch bệnh sẽ gây tổn hại lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế toàn cầu. Bởi lẽ số ca nhiễm tăng mạnh ở Italia và Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 8 và 12 của thế giới, đã dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ các nhà đầu tư. Cuối tuần qua, chỉ số cổ phiếu chuẩn của Hàn Quốc đóng cửa giảm gần 3,3%. Tại Italia, chỉ số thị trường chính đóng cửa giảm hơn 7,7% so với đầu năm. Chỉ số Dow mất 357 điểm, tương đương 12% so với tuần trước đó.
Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ giảm cộng với việc các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I, kìm hãm thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Nhưng sự lây lan của virus làm tăng nguy cơ thiệt hại đáng kể cho các nền kinh tế đang có tăng trưởng chậm hơn nhiều so với Trung Quốc, như Đức, Italia và Nhật Bản, khiến những nền kinh tế này có nguy cơ suy thoái.
"Khi virus bị giới hạn ở Trung Quốc và các quốc gia lân cận khác, nó được coi là một vấn đề kinh tế đối với châu Á. Nhưng sự lây lan của virus sang Italia khiến điều này trở thành vấn đề của châu Âu và có thể là vấn đề toàn cầu, có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới" - Kevin Giddis, chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Raymond James, nói. 
Coronavirus cũng đang gia tăng nguy cơ suy thoái ở các quốc gia khác. Nền kinh tế Nhật Bản, nơi đã báo cáo 840 ca nhiễm bệnh (bao gồm 691 ca từ tàu du lịch Diamond Princess), đã giảm 1,6% trong quý IV-2019 khi nước này bị đóng cửa bởi một đợt tăng thuế bán hàng và một cơn bão mạnh. Nếu giảm tăng trưởng thêm một quý nữa, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ rơi vào suy thoái.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ tư trên thế giới, đã không tăng trưởng ngay trước khi dịch coronavirus bùng phát. Các công ty Đức dựa vào Trung Quốc để bán ô tô và các sản phẩm khác, và các nhà kinh tế tại ngân hàng Berenberg dự kiến nền kinh tế sẽ giảm trong quý I-2020. Dữ liệu chính thức được công bố hôm 25-2 xác nhận GDP không tăng trong 3 tháng cuối năm 2019.
Oxford Economics cảnh báo các nhà sản xuất hàng điện tử, ô tô và thiết bị điện của Hàn Quốc có thể gặp khó khăn trong việc mua nguồn cung linh kiện cần thiết từ Trung Quốc để giữ cho các nhà máy hoạt động. Huyndai đã buộc phải ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Hàn Quốc vì thiếu phụ tùng.
Cùng với đó, mọi người có nhiều khả năng ở nhà trong thời gian dịch bệnh để tránh lây nhiễm, nên nhu cầu của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng ở Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in cảnh báo quốc gia ở mức dịch bệnh cao nhất và ra lệnh tung các nguồn lực mới để giải quyết ổ dịch.
Một loạt công ty bao gồm Apple đã cảnh báo coronavirus sẽ ngăn họ đạt được các mục tiêu doanh thu hoặc lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo trước đó rằng coronavirus có thể khiến các hãng vận tải toàn cầu mất gần 30 tỷ USD doanh thu.
Nhu cầu toàn cầu sẽ giảm 4,7%, mức giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. "Chúng tôi chưa biết chính xác sự bùng phát sẽ phát triển như thế nào và liệu nó có tuân theo cùng một hồ sơ như SARS hay không" - IATA cảnh báo. Sự lây lan liên tục của coronavirus làm cho việc so sánh với SARS ngày càng trở nên khập khiễng.
Các ngân hàng trung ương lớn đã sử dụng phần lớn "đạn dược" thường dùng để chống lại suy thoái kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và mức nợ toàn cầu chưa bao giờ cao hơn hiện nay. Những yếu tố đó có thể hạn chế phản ứng của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.  
 Đã có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nhà kinh tế rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải cắt giảm lãi suất, có thể là vào đầu tháng này để đối phó với coronavirus. Bởi nó có thể chưa được gọi là đại dịch y tế, nhưng đã là đại dịch kinh tế.
Diane Swonk, Kinh tế trưởng tại Grant Thornton

Các tin khác