Dân châu Âu được ngân hàng trả lãi khi đi vay

(ĐTTCO) - Tại châu Âu, lãi suất âm đã phá vỡ quy tắc cơ bản của thị trường tín dụng, cho phép ngân hàng nợ tiền người đi vay. Trường hợp này đáng lẽ ra là điều hiếm thấy và gần như không còn xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Paula Cristina Santos có một khoản vay thế chấp "trong mơ", đó là ngân hàng trả tiền cho chị. Lãi suất mà chị phải trả vẫn dao động, nhưng hiện tại vẫn ở mức -0,25%. Do dó, hàng tháng, nhà cho vay của chị - Banco BPI SA, đều gửi vào tài khoản của chị khoản lãi suất với khoản thế chấp 320.000 euro (380.000 USD). Santos đã rút khoản tiền này từ năm 2008. Vào tháng 3, chị nhận được khoảng 45 USD và vẫn đang trả khoản nợ gốc.

Mối quan hệ của Santos với bên cho vay bị "đảo lộn" từ nhiều năm trước, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất xuống dưới mức 0 để nền kinh tế yếu kém hồi phục giữa cuộc khủng hoảng nợ công. Lãi suất âm giúp các chính phủ cho đến công ty nhỏ có được những khoản đi vay chi phí rẻ. Và chính điều này cũng phá vỡ quy tắc cơ bản của thị trường tín dụng, cho phép ngân hàng nợ tiền người đi vay.

Trường hợp của Santos đáng lẽ ra là điều hiếm thấy và gần như không còn xảy ra trong thời điểm hiện tại. Sau khi ECB hạ lãi suất xuống dưới 0 vào năm 2014, các nền kinh tế eurozone đã cải thiện và kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong vài năm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả.

Khi nền kinh tế chịu thiệt hại kéo dài, châu Âu vẫn ở trong môi trường lãi suất âm và thậm chí ngày càng thấp hơn. Do đó, ở Bồ Đào Nha cũng Đan Mạch, người dân đổ xô đi vay tiền. Lãi suất ở 2 quốc gia này chính thức trở về mức âm vào năm 2012. Người dân đang đối diện với tình thế lạ lùng, khi nhận lãi từ chính khoản nợ của mình.

Chuyện lạ ở châu Âu: Người dân được ngân hàng trả lãi khi đi vay - Ảnh 1.

Santos (44 tuổi) – nhà tư vấn kinh doanh, cho biết: "Khi bắt đầu đi vay thế chấp, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra viễn cảnh này và các ngân hàng cũng vậy."

Năm 2019, Deco – nhóm hoạt động vì quyền của người tiêu dùng tại Lisbon, ước tính rằng lãi suất đã chuyển sang mức âm đối với hơn 30.000 hợp đồng vay thế chấp ở Bồ Đào Nha. Deco cho biết con số này có thể đã tăng gấp đôi kể từ thời điểm đó.

Hiện tại, nhiều người đi vay ở châu Âu sở hữu các khoản vay thế chấp có lãi suất thay đổi theo lãi suất chuẩn. Giống như hầu hết người đi vay ở Bồ Đào Nha, khoản vay của Santos cũng neo theo lãi suất Euribor. Chị trả khoản lãi cố định là 0,29% và lãi suất Euribor 3 tháng. Khi Santos rút tiền vào năm 2008, lãi suất Euribor 3 tháng là gần 5%. Trong những tháng gần đây, con số này đã sụt giảm nhanh và hiện ở gần mức thấp kỷ lục là -0,54%.

Euribor (lãi suất cho vay liên ngân hàng châu Âu) là lãi suất tham chiếu được xây dựng từ lãi suất trung bình mà các ngân hàng châu Âu cung cấp cho vay ngắn hạn không có tài sản bảo đảm trên thị trường liên ngân hàng.

Ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Bồ Đào Nha - Caixa Geral de Depósitos, cho biết khoảng 12% các hợp đồng thế chấp của họ hiện có lãi suất âm. Số lượng các hợp đồng như vậy đã tăng 50% vào năm ngoái. Trong khi đó, BPI – ngân hàng cung cấp dịch vụ cho Santos, nói rằng họ đã phải trả 1 triệu euro tiền lãi cho các hợp đồng thế chấp cho 1 số khách hàng (không tiết lộ con số chi tiết).

Với hầu hết các khoản thế chấp cũng neo với lãi suất Eurobor, thì Tây Ban Nha cũng rơi vào cảnh tương tự. Tuy nhiên, quốc gia này đã thông qua luật không phép lãi suất giảm xuống dưới mức 0. Hiện tại, chưa có số liệu chính thức về số lượng các khoản thế chấp đang có lãi suất bằng 0 ở Tây Ban Nha. Các nhà băng nước này từ chối tiết lộ.

Tại Đan Mạch, ngày càng nhiều người đi vay nhận thấy lãi suất đang chuyển sang mức âm, dù trong hầu hết các trường hợp, họ vẫn trả phí quản lý cho ngân hàng. Tại đây, các khoản thế chấp không được tài trợ trực tiếp bởi các ngân hàng. Thay vào đó, ngân hàng đóng vai trò trung gian, bán trái phiếu cho các nhà đầu tư với một mức lãi suất cụ thể, cho người vay cùng một khoản tiền với cùng mức lãi suất.

Nykredit – nhà cho vay thế chấp lớn nhất Đan Mạch cho biết hơn 50% các khoản vay của họ với kỳ lãi 10 năm có lãi suất âm trước khi tính phí. Tỷ lệ này đang tăng lên vì các khoản thế chấp có xu hướng được điều chỉnh lãi suất vài năm 1 lần.

Đó cũng là trường hợp mà Claus Johansen (41 tuổi) đang gặp. Anh làm việc trong bộ phận thế chấp của Nykredit. Năm 2016, anh đã đi vay một khoản thế chấp với lãi suất có thể điều chỉnh trong 5 năm. Claus vay số tiền trị giá 1,2 triệu kroner (190.000 USD) để mua ngôi nhà ở phía bắc Copenhagen. Lãi suất năm đầu tiên là 0,06%. Vào tháng 1 năm nay, lãi suất được điều chỉnh xuống -0,26%.

Chuyện lạ ở châu Âu: Người dân được ngân hàng trả lãi khi đi vay - Ảnh 3.

Claus cho hay: "Khá kỳ lạ, nhưng lãi suất âm đã tồn tại trong rất nhiều năm. Chúng tôi đã quen với điều này."

Một mặt trái của việc người đi vay nhận lãi từ người cho vay là các ngân hàng ở Đan Mạch và những nơi khác đã bắt đầu tính phí tiền gửi của khách hàng. Họ cho biết đã "mất kiên nhẫn" với lãi suất âm mà NHTW áp dụng.

Quay trở lại với Lisbon, Santos cho biết dù khá vui khi nhận được tiền lãi từ ngân hàng. Tuy nhiên, tình hình của chị nhìn chung không khá hơn bởi BPI đã giảm mạnh lãi suất tiền gửi trong những năm gần đây từ 3% xuống gần 0.

Kế hoạch mua nhà mới của chị đang bị tạm dừng vì BPI hiện tính phí chênh lệch cao hơn nhiều so với những khoản thế chấp mới. Mục đích là để tránh rơi vào "bẫy lãi suất âm" một lần nữa. Santos chia sẻ: "Chúng tôi muốn chuyển ra khỏi trung tâm thành phố, nhưng thật khó để bỏ qua một hợp đồng thế chấp ‘hời’ như vậy."

Các tin khác