EU dự kiến thành lập quỹ đoàn kết tài trợ cho việc tái thiết Ukraine

EU không muốn cố định ngân sách của quỹ vì cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, theo các đại sứ EU, số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ euro trong khoảng thời gian hàng thập kỷ.

Lực lượng khẩn cấp Ukraine dập lửa tại hiện trường một khu vực bị không kích trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở Dnipro (miền Đông Ukraine) ngày 11/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng khẩn cấp Ukraine dập lửa tại hiện trường một khu vực bị không kích trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở Dnipro (miền Đông Ukraine) ngày 11/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch lập một quỹ đoàn kết để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine, đất nước phần lớn bị tàn phá bởi chiến tranh.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 19/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo với các nhà ngoại giao rằng EU đang nghiên cứu một công cụ tập trung vào đáp ứng nhu cầu dài hạn của Ukraine.

Các quốc gia thành viên EU trước đây đã được Brussels thông báo họ sẽ phải trả hầu hết các chi phí để giúp Ukraine tái thiết đất nước.

Cơ chế mà EU đang thực hiện sẽ giống với cơ chế được sử dụng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 dành cho các quốc gia thành viên. Quỹ sẽ cung cấp tiền với sự tham vấn của chính phủ Ukraine.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác khoản viện trợ của châu Âu sẽ là bao nhiêu, được thực hiện dưới hình thức viện trợ không hoàn lại hay cho vay.

Hiện tại, EU không muốn cố định ngân sách của quỹ vì cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, theo các đại sứ EU, số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ euro trong khoảng thời gian hàng thập kỷ.

Ngân quỹ chủ yếu sẽ được sử dụng để sửa chữa cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ công cộng ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã nói với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen rằng chính phủ của ông cần 5-7 tỷ USD (khoảng 4,6-6,5 tỷ euro) mỗi tháng để trang trải lương và các chi phí khác.

Ngoài ra, EC cũng có kế hoạch giúp đỡ các doanh nghiệp Ukraine. Theo ước tính của Ukraine, khoảng 1/3 số công ty của nước này đã hoàn toàn ngừng hoạt động và 45% phải cắt giảm sản lượng.

Chiến tranh cũng ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, một trong những hoạt động kinh tế quan trọng nhất ở Ukraine.

Phần lớn đất nước không còn được sử dụng cho nông nghiệp, nông dân phải đối mặt với chi phí tăng cao và xuất khẩu bị cản trở nghiêm trọng.

Vấn đề về tái thiết sau chiến tranh và các khoản bồi thường có thể có từ Nga sẽ là tâm điểm chú ý trong những tuần tới.

Các quan chức cấp cao ở Brussels và Washington được cho là đang lên kế hoạch thảo luận về các cách hỗ trợ Kiev về mặt tài chính.

Trọng tâm sẽ là các phương pháp để ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích số tiền khổng lồ trên.

Dự kiến, Ngân hàng Thế giới sẽ (WB) ngày 21/4 sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng về Ukraine trong khuôn khổ Cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis dự kiến sẽ tham dự cuộc họp.

Do chiến sự vẫn tiếp diễn tại các thành phố của Ukraine nên các nước khó có thể đi quá xa trong kế hoạch của mình. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc, vẫn sẽ có những trở ngại đáng kể.

Tham nhũng và thiếu cơ chế kiểm soát thích hợp ở Ukraine dường như là quan trọng nhất.

Hà Lan gợi ý rằng các công cụ tái thiết cũng có thể được sử dụng để cải thiện cấu trúc chính trị của Ukraine.

Điều này sẽ giúp phù hợp hơn với các tiêu chuẩn của EU và đẩy nhanh quá trình hội nhập của quốc gia Đông Âu này.

Trong khi các quốc gia khác chủ trương chuyển giao cho Ukraine các tài sản bị phong tỏa của các nhà tài phiệt Nga.

Các tin khác