Giải mã nợ công EU

(ĐTTCO) - Khi nói đến nợ công Liên minh châu Âu (EU), nhiều người sẽ nghĩ đến nợ công của các nước thành viên. Nhưng từ trước khi Covid-19 bùng phát, EU đã vay nợ với tư cách tập thể thông qua 4 định chế của mình theo kiểu đơn vị đặc biệt (SPV): European Stability Mechanism (ESM), European Financial Stability Facility (EFSF), the European Investment Bank (EIB) và European Comission đại diện cho EU.

Giải mã nợ công EU
Con nợ được ưa thích
Đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Ủy ban châu Âu (EC) cho chương trình SURE (hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thất nghiệp khẩn cấp vì Covid-19) mới đây đã rất thành công, cho thấy EU là con nợ rất được ưa thích. Mô hình của EU như một siêu quốc gia với các quốc gia thành viên độc lập, nên nợ công của EU vừa là cái riêng, vừa là cái chung như một cặp phạm trù.
Giải mã nợ công EU ảnh 1
Cụ thể, để đương đầu với Covid-19, EU đã thống nhất vay 750 tỷ EUR cho chương trình tái thiết và 100 tỷ EUR cho chương trình SURE. Khi tính thêm 54 tỷ EUR trái phiếu được đảm bảo bằng đồng euro, 106 tỷ EUR của ESM, 199 tỷ EUR của EFSF, 220 tỷ EUR của EIB, tổng cộng nợ của siêu quốc gia EU ước lên đến 1.400 tỷ EUR.
Nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với nợ công của các nền kinh tế lớn của EU như Italia và Pháp mỗi nước vay 2.600 tỷ EUR, Đức vay 2.100 tỷ EUR. Các nước vay ít hơn như Tây Ban Nha 1.200 tỷ EUR, Hà Lan 421 tỷ EUR, Hy Lạp 361 tỷ EUR và Bồ Đào Nha 255 tỷ EUR. Trong số này, ngoài Đức là nước có xếp hạng tín dụng an toàn nhất do sức mạnh của nền kinh tế và tỷ lệ nợ công trên GDP thấp, các nước còn lại đều đáng lo ngại với tỷ lệ nợ công trên GDP đã vượt 110%.
Giải mã nợ công EU ảnh 2
Số liệu nợ công tính đến cuối quý II-2020 (xem bảng) bảng cho thấy Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Bỉ và Pháp là những nước có tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất EU. Riêng Pháp, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha là những nước có tốc độ tăng nợ công cao nhất vì ảnh hưởng của Covid-19, điển hình là Pháp so với năm trước tăng đến 14,9%.

Có thể tiếp tục vay nợ?
Thị trường hiện rất thích trái phiếu của EU bởi mức độ an toàn do phát hành theo tiêu chuẩn của Basel III, có trọng số tài sản rủi ro 0%. Được thành lập từ Hiệp ước Rome 1957, EU được phép vay nợ trực tiếp và được bảo lãnh vô điều kiện bởi các nước thành viên, trong đó quan trọng nhất là Đức và Pháp. Trái phiếu do EU phát hành thường có lãi suất cao hơn mặt bằng thị trường, so với chất lượng của trái phiếu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công/GDP của cả EU vẫn thấp hơn nhiều các nước thành viên có quy mô GDP lớn, chỉ ở mức 87,7%. So với cùng kỳ năm trước, nợ công/GDP của EU chỉ tăng 8,1%, trong khi khối sử dụng đồng euro tăng 8,7%. Nhưng EU và các nước thành viên, nhất là những nước đã có tỷ lệ nợ công/GDP cao có thể tiếp tục vay nợ? Trong bối cảnh lãi suất được các ngân hàng trung ương duy trì thấp cận 0%, thậm chí lãi suất âm và dự kiến còn kéo dài, câu trả lời là hoàn toàn có thể. 
Trong một công trình nghiên cứu của mình, nhà kinh tế GS. Olivier Blanchard và các cộng sự, đã cho thấy khi nào tăng trưởng lớn hơn lãi suất, tức r – g < 0, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ đến điểm bão hòa. Lãi suất thấp khiến chi phí lãi vay gần như không đáng kể, trong khi tăng trưởng sẽ tăng phần mẫu số của công thức đủ sức bù lại phần tăng của tử số.
Có điều, đại dịch Covid-19 đã khiến thâm hụt ngân sách của EU và các nước thành viên càng trở nên nghiêm trọng. Theo tính toán, thâm hụt ngân sách 2020 của các nước sử dụng đồng euro lên đến 1.000 tỷ EUR, gấp 10 lần so với dự báo ban đầu, chiếm 8,9% GDP khu vực này. So sánh với cuộc khủng hoảng nợ công EU 2012 bắt đầu từ thâm hụt 6,6% vào năm 2010, thâm hụt ngân sách 2020 của EU rất đáng quan tâm.
Nhưng điều lo lắng lúc này là kinh tế EU cần sớm thoát khỏi suy thoái. Các nền kinh tế lớn của EU đều đang thâm hụt ngân sách nặng, khi ước tính năm 2020 số tiền tăng chi và giảm thu thuế của EU khiến các chính phủ mất khoảng 11.200 tỷ EUR. Trong khi đó, GDP của EU dự báo giảm 8-10%, tức tăng trưởng âm. Trong trường hợp này, r – g > 0 và tỷ lệ nợ công/GDP sẽ được khuếch đại. Khi kinh tế hồi phục và tăng trưởng trở lại, điểm xuất phát của tỷ lệ nợ công/GDP có thể rất lớn. Vì vậy, kinh tế hồi phục sớm chừng nào, tỷ lệ nợ công bớt căng thẳng hơn.
Dù vậy, hy vọng nền kinh tế được hồi phục nhanh đã bị tạt gáo nước lạnh, khi Pháp và Đức phong tỏa trở lại, rồi có thể một số nước khác sẽ theo. Trong thông điệp các ưu tiên của mình trên truyền hình ngày 20-10, Tổng thống Pháp Macron đã xếp kinh tế ở vị trí cuối cùng, ưu tiên cho sức khỏe và tính mạng của người dân, cho hệ thống y tế. EU và các nước lớn trong khối hoàn toàn có thể tiếp tục vay thêm nợ.
Điều này sẽ không gây áp lực cho tỷ lệ nợ công/GDP, khi duy trì lãi suất thấp và kinh tế tăng trưởng. Tuy vậy, như trong khuyến nghị của Blanchard và các cộng sự, EU nên dùng tiền vay nợ hiệu quả hơn, chú trọng nhiều đến đầu tư dài hạn hơn là chi thường xuyên. Nhưng người dân EU cũng biết rằng nợ của chính phủ hôm nay là thuế ngày mai.
 EU nên dùng tiền vay nợ hiệu quả hơn, chú trọng nhiều đến đầu tư dài hạn hơn là chi thường xuyên, bởi nợ của chính phủ hôm nay là thuế ngày mai đánh lên người dân.

---------
(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Các tin khác