Hỗ trợ du lịch, hàng không vượt qua Covid-19

(ĐTTCO) - Khách sạn trống không, bãi biển vắng tanh, tour bị hủy hàng loạt. Đó là bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp không khói ở châu Á trong suốt vài tháng qua. Đông Nam Á, khu vực có nền kinh tế trông chờ nhiều vào du lịch, đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Mất hàng tỷ USD

Ngày 27-3, Viện Văn hóa và du lịch Hàn Quốc công bố báo cáo cho biết, dịch Covid-19 sẽ khiến tổng lượng du khách của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 9% - 12% trong năm nay. Dựa trên dữ liệu của Tổ chức Du lịch thế giới và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, báo cáo dự báo du khách quốc tế trên toàn cầu sẽ giảm 1% - 3% do lệnh hạn chế đi lại và dịch bệnh. Hàn Quốc sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do du khách Trung Quốc chiếm tới 20% lượng du khách quốc tế đến Hàn Quốc.

Bãi biển Phuket, Thái Lan vắng khách du lịch do dịch Covid-19

Bãi biển Phuket, Thái Lan vắng khách du lịch do dịch Covid-19

Rút ra bài học từ đợt dịch SARS năm 2002-2003, Chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp nghiêm ngặt nhất chống dịch Covid-19. Ngay từ cuối tháng 1, Bắc Kinh đã cô lập hoàn toàn 56 triệu dân tại tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch Covid-19 tại Trung Quốc, đồng thời cấm tổ chức các tour du lịch ra nước ngoài.

Hệ quả của quyết định hạn chế người Trung Quốc đi lại đã được thể hiện rõ tại Thái Lan, nơi mà năm ngoái đón hơn 10 triệu du khách Trung Quốc (chiếm 27% lượng du khách nước ngoài). Theo Bộ Du lịch Thái Lan, từ đầu tháng 2, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 86%.

Ước tính sơ bộ, Đông Nam Á sẽ mất hàng tỷ USD vì trận dịch này. Theo tính toán của ông Don Nakornthab, quan chức cao cấp Ngân hàng Trung ương Thái Lan, với du lịch chiếm tỷ trọng 20% GDP, tổn thất kinh tế năm nay của Thái Lan sẽ hơn 8 tỷ USD. Tại Campuchia, khu đền nổi tiếng Angkor cũng không còn thu nhập như trước. Số liệu của Bộ Du lịch Campuchia cho hay tiền vé tham quan đã bị sụt giảm 30% - 40%...

Sa thải, cứu trợ

Sự lây lan nhanh của dịch Covid-19 khiến ngành hàng không toàn cầu chịu thiệt hại lớn về số hành khách và doanh thu. Theo tính toán, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian ngắn tới đây, doanh thu từ hành khách trên toàn cầu sẽ giảm gần 63 tỷ USD trong năm nay. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn, các hãng hàng không trên thế giới sẽ bị thất thu tới 113 tỷ USD.

Hiệp hội Hàng không quốc gia Indonesia (INACA) cho biết, một số hãng hàng không Indonesia đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để đối phó đại dịch Covid-19 thông qua việc sa thải nhân viên, từ phi công, tiếp viên tới kỹ thuật viên để giảm tổn thất tài chính. Trong khi đó, hãng hàng không Singapore Airlines đã dành ra khoảng 13 tỷ USD để giúp công ty vượt qua cuộc khủng hoảng.

Đây là gói hỗ trợ tài chính lớn nhất của một hãng hàng không kể từ khi nhu cầu sụt giảm mạnh do dịch bệnh, buộc các hãng hàng không phải ngừng bay và cho nhân viên nghỉ không lương. Singapore Airlines đã cắt giảm 96% công suất hoạt động và đình chỉ gần như toàn bộ các đội bay, sau khi Chính phủ Singapore cấm hành khách nước ngoài, nguồn thu chính của hãng này.

Tại Mỹ, các hãng hàng không đang chuẩn bị đề nghị Chính phủ Mỹ hỗ trợ tới 25 tỷ USD để chi trả lương cho nhân viên, dù trước đó chính phủ đã đề xuất việc đổi cổ phần để lấy tiền hỗ trợ. Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn ngày 27-3, các hãng hàng không sẽ nhận khoản tiền đầu tiên trong vòng 10 ngày.

Dù sẽ được hỗ trợ, song các hãng hàng không cũng đã phải giảm bớt chi phí, thông qua việc để nhân viên tự nguyện nghỉ không lương hoặc nghỉ hưu sớm. Với việc mạnh tay cắt giảm hoạt động, chi phí lớn nhất mà các hãng hàng không hiện phải chi trả chính là tiền lương của nhân viên. Các khoản tiền hỗ trợ từ chính phủ sẽ giúp các công ty có khoảng 6 tháng để cầm cự cho đến khi nhu cầu đi lại được phục hồi như trước khi có dịch.

Ngày 27-3, Cơ quan giám sát an toàn dược phẩm Hàn Quốc đã cấp phép thử nghiệm lâm sàng 5 loại thuốc đang lưu hành để điều trị Covid-19, trong đó có thuốc remdesivir điều trị căn bệnh Ebola và thuốc điều trị HIV/AIDS kaletra và thuốc điều trị sốt rét hydroxychloroquine.Trong khi đó, Anh bổ sung 210 triệu USD vào quỹ toàn cầu nghiên cứu bào chế vaccine chống Covid-19, nâng tổng số đóng góp của nước này lên 544 triệu USD. Đây là phần đóng góp lớn nhất vào Quỹ Liên minh vì phát triển khả năng sẵn sàng trong dịch (CEPI), một quỹ quốc tế nhằm tìm vaccine. CEPI cho biết, cần thêm khoảng 2 tỷ USD nữa để có thể nhanh chóng phát triển vaccine chống Covid-19.

Các tin khác