Học tiếng Nga để làm gì?

(ĐTTCO) - Tiếng Nga là ngoại ngữ tôi bắt buộc phải học trong suốt 2 năm cuối của chương trình cử nhân tiếng Pháp ở Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). 
Tác giả Lê Hữu Huy (trái) cùng đồng nghiệp và kỹ sư người Việt (phải) tại nhà máy sản xuất mì ăn liền do người Việt làm chủ ở tỉnh Ryazan, Nga tháng 6-2003.
Tác giả Lê Hữu Huy (trái) cùng đồng nghiệp và kỹ sư người Việt (phải) tại nhà máy sản xuất mì ăn liền do người Việt làm chủ ở tỉnh Ryazan, Nga tháng 6-2003.
Ra trường tháng 8-1990, tôi bắt đầu làm trong ngành ngân hàng với yêu cầu công việc chỉ liên quan đến tiếng Pháp và tiếng Anh. Thỉnh thoảng, tôi được cùng đồng nghiệp thực hiện vài nghiệp vụ với 2 ngân hàng của Nga là Moscow Narodny Bank và Banque Commerciale pour l’Europe du Nord (Eurobank). 2 ngân hàng này đặt trụ sở chính tại London (Anh) và Paris (Pháp), ngôn ngữ giao dịch chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp. Hơn 1 năm sau, tháng 11-1991, Liên bang Xô viết tan rã khiến tôi càng thấy tiếng Nga chẳng còn mấy thú vị. Dẫu sao tôi cũng luôn mong biết đâu một ngày nào đó tôi có dịp sử dụng tiếng Nga. 
Và rồi tiếng Nga lại trở nên cần thiết sau khi tôi học xong thạc sĩ tại Singapore, rồi làm giám đốc bán hàng cho tập đoàn sản xuất và kinh doanh dầu thực vật và theo dõi thị trường Đông Âu, trong đó phần lớn người mua tập trung ở Nga và Ukraine. Giao tiếp với khách hàng chủ yếu bằng tiếng Anh nhưng đôi khi tôi vẫn phải đọc email của khách hàng hay hướng dẫn kỹ thuật/sản phẩm bằng tiếng Nga. Tình cờ ra một tiệm sách cũ tôi mua được một quyển sách của giảng viên dạy tiếng Nga Nicholas J. Brown tại trường Đại học London. Cách trình bày dễ hiểu và theo hệ thống của tác giả đã giúp tôi nhanh chóng củng cố lại kiến thức và kỹ năng căn bản về tiếng Nga được trang bị từ thời sinh viên.  
Theo tác giả Brown, chữ viết là trở ngại đầu tiên khi học tiếng Nga nhưng cũng không quá khó. Một khi biết âm của 33 chữ cái, bạn có thể đọc các từ tiếng Nga một cách toàn diện. Với tôi, người Việt học tiếng Nga dễ hơn tiếng Anh về mặt phát âm vì viết sao đọc vậy. Tiếng Nga có nhiều nguyên âm giống tiếng Việt như “u” hay “ư”, nhưng có những đặc thù cần lưu ý như âm cứng hay âm mềm. Điều thú vị tiếng Nga không có nguyên âm “h” nên tên Huy của tôi viết là Хуй và đọc thành “Khui” với ý nghĩa không hay lắm. 
Học tiếng Nga để làm gì? ảnh 1 Phân loại chữ cái trong tiếng Nga. Nguồn: Russian Course, a Complete Course for Beginners, Nicholas J. Brown, 1996
Việc ôn lại tiếng Nga cũng giúp tôi hiểu thêm đôi chút về tiếng Ukraine và bắt đầu hiểu tại sao phải gọi là Kyiv chứ không phải là Kiev. Nhờ cuốn cẩm nang “Kiss Bow Or Shake Hands - How to Do Business in Sixty Countries” của 3 tác giả Terri Morrison, Wayne A. Conaway và Georges A. Borden, tôi hiểu thêm sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa Nga và Ukraine và một số  thông lệ giao tiếp kinh doanh cần lưu ý tại 2 nước này. Có lẽ nhờ vậy tôi có thêm nhiều đơn hàng hơn trước, và khoảng tháng 7-2003 tôi được giao nhiệm vụ bay sang Nga và Ukraine để trực tiếp gặp gỡ và ký kết hợp đồng với khách hàng.
Khi đó Singapore chưa có đường bay thẳng với Nga nên chúng tôi phải quá cảnh ở phi trường Frankfurt, Đức rồi bay sang Saint Petersburg, tiếp đó là Moscow, Kyiv rồi đi tàu hỏa xuống Odessa. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là cuộc hẹn qua email với doanh nghiệp Nga có trụ sở nằm ở ngoại ô Saint Petersburg. Doanh nghiệp này chưa phải là khách hàng nên họ bảo chúng tôi chủ động đến và sau khi họp xong họ sẽ chở chúng tôi về khách sạn. Ngôn ngữ trao đổi qua email là tiếng Anh nhưng địa chỉ của doanh nghiệp viết bằng tiếng Nga. 
Sau cuộc họp vào buổi sáng, khách hàng Nga chúng tôi đã gặp gỡ và có quan hệ giao dịch đưa chúng tôi đến địa chỉ đã thỏa thuận trong email nói trên. Đến nơi, tôi cảm thấy khá phấn khích khi được anh khách hàng người Nga cho biết đây là một nhà máy sản xuất vũ khí từ thời Liên Xô. Chia tay anh, chúng tôi bước vào khu vực “tiếp tân” nhưng chẳng có ai trực ở đây, chỉ thấy tấm bảng ghi tên các doanh nghiệp đang hoạt động trong nhà máy này. Điều khiến chúng tôi phát hoảng là ở số phòng và số tầng của địa chỉ ghi trong email không có tên doanh nghiệp này. Chúng tôi gọi điện cho anh khách hàng người Nga - người đã chở chúng tôi đến đây - anh đã ở ngoài vùng phủ sóng. Còn doanh nghiệp chúng tôi hẹn gặp lại không ghi số điện thoại trên email.
Sau một hồi trấn tĩnh lại, tôi đối chiếu địa chỉ bằng tiếng Nga với danh sách các doanh nghiệp ghi trên tấm bảng. Rất may tôi tìm được tên của doanh nghiệp này nhưng lại ở số phòng và số tầng khác. Khi gặp chúng tôi, đại diện của doanh nghiệp cho biết họ dời văn phòng lên tầng khác từ nhiều tháng nay nhưng chưa cập nhật địa chỉ và thông báo khi hẹn…           
Những kỷ niệm đáng nhớ khác liên quan đến các khách hàng người Việt ở Nga và Ukraine và tôi vẫn không quên những tình cảm của những đứa con Việt xa xứ gặp nhau nơi đất khách quê người. Khi đó việc đi lại và giao thông liên lạc còn hạn chế, nên các đồng hương của tôi cũng khá ngạc nhiên và thích thú khi gặp một người từ Singapore sang. Đã 19 năm trôi qua, vì những lý do khách quan và chủ quan tôi không còn giữ liên lạc với doanh nhân Việt ở Nga và Ukraine. Và giờ đây khi chiến tranh xảy ra, tôi cầu mong bình an cho tất cả.
 Doanh nghiệp Việt ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh là điều chắc chắn, nhưng những người đồng hương của mình ở Nga cũng sẽ gặp khó khăn không kém. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi cuộc chiến Nga -Ukraine bùng phát, hơn 600 doanh nghiệp nước ngoài đã phải điều chỉnh hoạt động ở Nga. Chiến tranh có chấm dứt sớm hay muộn nhìn chung bức tranh chung về nước Nga và Ukraine vẫn ảm đạm. Mới đây, Học viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo kinh tế của Nga sẽ giảm 15% trong năm nay. Còn Ukraine sẽ phải đối đầu với những khó khăn trong giai đoạn tái thiết sau chiến tranh.
Nhưng cho dù tình hình như thế nào đi chăng nữa, với tôi tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ đáng học nếu bạn có điều kiện và thời gian. Bỏ qua các yếu tố thực dụng, học một ngôn ngữ mới sẽ giúp cải thiện chức năng não bộ, trí nhớ tốt hơn, tinh thần linh hoạt và có khả năng sáng tạo hơn. Bảng chữ cái tiếng Nga và các khái niệm ngữ pháp hoàn toàn khác sẽ giúp người học tư duy theo những cách mới và tiếp cận một lịch sử văn hóa sâu rộng và phong phú. Cùng với tiếng Anh, tiếng Nga sẽ là hành trang cho doanh nhân trẻ nào muốn tận dụng và khai thác những cơ hội trước và sau khi cuộc chiến chấm dứt. Tiếng Nga sẽ luôn cần thiết như một ngôn ngữ của tình hữu nghị, hợp tác, khát vọng hòa bình và tình yêu nhân loại. 

Các tin khác