Joe Biden có xoay trục ở châu Á?

(ĐTTCO)-Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách châu Á đang lo lắng về một nước Mỹ dưới thời Biden sẽ thay đổi các chính sách tại châu Á. ĐTTC tổng hợp ý kiến của các chuyên gia về cách một Nhà Trắng của Biden sẽ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trung Quốc - Sẽ mềm mỏng hơn?
Ông Biden có thể sẽ nhìn vào nước này trước. Dưới thời Tổng thống Trump, 2 đối thủ đã tham gia cuộc chiến thương mại với những động thái ăn miếng trả miếng cả bằng lời nói lẫn hành động. Theo Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, chính quyền Biden có thể có tác động xoa dịu những mối quan hệ đang rạn nứt đó.
“Tôi dự kiến ông Biden sẽ quay lại cách tiếp cận ôn hòa hơn, ít đối đầu hơn của thời Obama trong các mối quan hệ Mỹ-Trung” - ông Huang nói.
Song với nhiều nhà phân tích tin rằng, dưới thời ông Biden sự cạnh tranh kéo dài giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tồn tại. Nhà kinh tế Xu Chi và Zhang Wenyu của Zhongtai Securities Ltd. cho rằng những mâu thuẫn có thể sẽ tiếp diễn trong trung và dài hạn, và Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tự cường hơn về kinh tế. Tương tự, Bo Zhuang của Công ty nghiên cứu TS Lombard, nhận định Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng cạnh tranh trực tiếp trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ đến an ninh. 
Còn Chua Hak Bin, nhà kinh tế cấp cao của Maybank Kim Eng Research Pte, cho biết có khả năng tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ hướng đến tiếp cận đa phương hơn đối với thương mại so với Trump. Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd. tại Singapore, kỳ vọng cách tiếp cận ít đối đầu hơn từ Biden sẽ hỗ trợ đồng nhân dân tệ, ngay cả khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. 

Triều Tiên - Không hội nghị thượng đỉnh
Ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đi từ mối quan hệ tưởng chừng như chiến tranh sắp xảy ra, đến việc 3 lần gặp mặt trực tiếp, dù hiệu quả thực sự trong việc giải giáp Triều Tiên khỏi tên lửa tầm xa và đầu đạn hạt nhân vẫn chưa đạt được. Nếu ông Biden làm tổng thống, ông Kim trong tương lai gần phải điều chỉnh cho phù hợp với người mà các hãng truyền thông ở Bình Nhưỡng từng phỉ báng. Về phần mình, ông Biden từng nói ông Trump đã ban tặng cho một nhà độc tài tính hợp pháp với “3 hội nghị thượng đỉnh dành riêng cho truyền hình” mà không tạo ra tiến độ giải trừ quân bị.
Ông Biden cho biết sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, cho đến khi nước này thực hiện các bước phi hạt nhân hóa cụ thể. Trong khi đó, Triều Tiên thích quá trình do hội nghị thượng đỉnh định hướng, cho phép họ có cơ hội để có được những nhượng bộ.
Trong khi đó, với Hàn Quốc ông Biden có thể sẽ thể hiện sự tôn trọng người đồng minh này hơn ông Trump, người đã đơn phương cắt giảm hoạt động huấn luyện quân sự chung và liên tục phàn nàn về chi phí của 28.500 lính Mỹ đóng tại miền Nam để phòng thủ chống lại Triều Tiên.

Nhật Bản - Chưa thể nói trước
Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức trong năm nay đã chấm dứt một trong số ít các mối quan hệ thân thiết, hiệu quả của ông Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài. Tokyo hy vọng các chính sách sinh thái tiến bộ hơn của Biden sẽ giúp ích các công ty xanh của Nhật Bản, đồng thời mong muốn ông Biden sẽ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, quốc gia mà Nhật Bản đang cạnh tranh liên tục.
Nhưng cũng có lo lắng. Hiro Aida, giáo sư chính trị và lịch sử hiện đại của Đại học Kansai, cho biết: "Theo Biden, Mỹ không đủ khả năng để chăm sóc các quốc gia khác và nước này phải ưu tiên việc tái thiết chính mình”. Còn Peter Tasker, nhà phân tích tại Arcus Research ở Tokyo, cho rằng do ông Biden phải đối mặt với nhiều rắc rối trong nước, Nhật Bản có thể bị bỏ mặc khi Trung Quốc theo đuổi tham vọng lãnh thổ và Triều Tiên mở rộng các nỗ lực hạt nhân.

Australia và New Zealand - Thương mại sẽ tăng?
Từ an ninh, thương mại đến biến đổi khí hậu, nước Mỹ đang vươn tới mọi ngóc ngách của châu Á - Thái Bình Dương. Dù vậy, khi ông Biden bận rộn giải quyết các vấn đề hỗn loạn trong nước, có thể châu Á sẽ nằm cuối trong những ưu tiên chính sách của ông. 
Thủ tướng bảo thủ của Australia, người nắm quyền khi ông Trump đắc cử, Malcolm Turnbull, có thể đã nói cho nhiều người khi ông viết tweet chúc mừng Biden: "Thật là nhẹ nhõm khi bạn đã giành thắng lợi". Có hy vọng rằng Biden sẽ làm tốt hơn chính quyền Trump, nơi đã miễn thuế thép và nhôm cho các nhà sản xuất Australia vào năm 2018, trước khi được báo cáo là có sự thay đổi quan điểm một năm sau đó.
Đối với New Zealand, nước này hy vọng sẽ bán được nhiều sữa và thịt bò hơn dưới chính quyền Mỹ cởi mở hơn với thương mại tự do. New Zealand và các quốc gia Thái Bình Dương khác cũng hy vọng Biden có thể giúp giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc. New Zealand đã nhận thấy mình bị mắc kẹt giữa 2 siêu cường, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, trong khi duy trì quan hệ quốc phòng và tình báo truyền thống với Mỹ.

Ấn Độ - Bị kiềm chế?
Sẽ không có nhiều thay đổi với các mối quan hệ an ninh và quốc phòng chung giữa Ấn Độ và Mỹ. Nhưng chính quyền Biden có thể xem xét kỹ hơn nhiều hồ sơ nhân quyền và tự do tôn giáo nổi bật gần đây của Ấn Độ, cả 2 đều bị chính quyền Trump bỏ qua. Theo Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, Biden sẽ chỉ trích nhiều hơn các chính sách theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo của Thủ tướng Narendra Modi. Kugelman dự đoán 2 nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để đối trọng với Trung Quốc.
"Nhà Trắng của Biden sẽ không mạo hiểm đối đầu với quốc gia được nhiều người đặt cược là chiến lược tốt nhất của Mỹ ở Nam Á” - ông nói.

Đông Nam Á - Thận trọng hơn
Một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, đã chuyển hướng sang Trung Quốc vì đầu tư lớn và tập trung vào phục hồi kinh tế. Điều này có nghĩa "sẽ mất thời gian để Mỹ xây dựng lại lòng tin với nước này” - Bridget Welsh, cộng sự nghiên cứu danh dự tại Đại học Nottingham ở Malaysia, nhận định. Ông Richard Heydarian, một nhà phân tích tại Philippines, cho biết Biden có thể sẽ thận trọng hơn trong các giao dịch với các nhà lãnh đạo mạnh mẽ như Rodrigo Duterte của Philippines, Prayut Chan-o-cha của Thái Lan và Hun Sen của Campuchia. 
“Một Biden thận trọng hơn cũng có nghĩa mức độ ổn định trong quan hệ với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á và khu vực sẽ khó hơn. Chúng ta sẽ chứng kiến sự lãnh đạo cũng như sự kết hợp của Mỹ với các đối thủ và cường quốc trong khu vực, gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, các cường quốc châu Âu và Đông Nam Á” - ông Richard nói.

Các tin khác