Khúc hát tha hương

(ĐTTCO) - “Bất cứ lúc nào tôi cảm thấy buồn, tôi nhìn xung quanh mình và tôi biết. Có một nơi sẽ lưu lại trong lòng tôi, ở bất cứ nơi nào tôi có thể quyết định đến. Tôi sẽ luôn nhớ về thành phố này. Biết từng con đường và bờ bến, dong thuyền dọc theo con sông đã mang lại cuộc sống cho chúng ta”. 
Đó là nội dung của phần đầu bài hát tiếng Anh “Home” nói về cảm xúc của người Singapore với một nơi họ gọi “Nhà”. Lần đầu tiên tôi nghe bài hát này là lễ kỷ niệm quốc khánh Singapore năm 1998. Khi đó, tôi vẫn còn chân ướt chân ráo và chưa biết gì về đảo Sư tử, vẫn còn mơ hồ về khái niệm của một quốc gia - thành phố như Singapore. 
Khúc hát tha hương ảnh 1 Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng một số doanh nhân người Việt chụp ảnh lưu niệm với Đại sứ Nguyễn Tiến Minh (thứ tư từ phải qua) trong một buổi lễ mừng Quốc khánh Việt Nam tại Singapore.
Xét về nguồn gốc, “Home” là bài hát được “sản xuất” theo đơn đặt hàng của chính phủ Singapore để phục vụ các yêu cầu thông tin và truyền thông theo định hướng kinh tế xã hội theo từng thời điểm phù hợp. Là quốc gia non trẻ, chính phủ Singapore hiểu được tầm quan trọng của xây dựng và đề cao cảm xúc tự hào, tình yêu của người dân với đất nước. Vì Singapore có rất ít bài hát dân gian truyền thống có ý nghĩa đặc biệt với người dân, chính phủ thường đặt hàng cho các nghệ sĩ sáng tác bài hát cho các lễ kỷ niệm quốc gia, đặc biệt là lễ diễu hành nhân dịp Quốc khánh ngày 9-8 hàng năm. 
Khi “Home” đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của dân đảo Sư tử trong suốt hai mươi năm qua, tác giả của bài hát là nhạc sĩ Dick Lee, đã tiết lộ sáng tác bài hát khi đang sống ở Hồng Kông. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng việc tôi ở nước ngoài đã đóng góp khá nhiều vào cảm xúc của bài hát: một chút thấm thía, có chút buồn vui lẫn lộn, chất chứa nỗi nhớ nhà trong đó. Tôi nhớ mình viết bài hát vào đêm khuya và viết rất nhanh. Tôi đã hát nó tại nhà của tôi, trong phòng làm việc của tôi ở Hồng Kông nhìn ra khu mua sắm Wan Chai. Tôi ở trên tầng giữa nhìn xuống thành phố và cảm thấy nơi này thật đáng yêu, nhưng đó không phải là thành phố của tôi”.
Tâm tư và tình cảm của nhạc sĩ Dick Lee thể hiện qua giai điệu và lời của “Home”, đã được nhiều người Singapore đồng cảm chia sẻ, và có lẽ đây là yếu tố làm cho bài hát được nhiều người ưa thích và yêu đảo quốc của mình hơn. Nhưng bài hát này cũng dành cho những kẻ đang sống và làm việc ở đất khách quê người như tôi thêm nhớ nhà và đau đáu hướng về quê hương. Âm nhạc và nghệ thuật là đa nghĩa, con người có thể hiểu ý nghĩa bài hát theo cảm xúc của riêng mình. Bài hát dường như nhắc nhở tôi rằng “Home” chính là quê hương Việt Nam, là lẽ sống, là ước mơ, là nơi mà khi nghĩ về đó ta sẽ không bao giờ cảm thấy lẻ loi: “Nơi đây thực sự là nhà, nơi tôi biết tôi phải tồn tại. Nơi những ước mơ đang chờ tôi, nơi dòng sông luôn chảy. Đây chắc chắn là nhà, như các giác quan của tôi cho tôi biết. Đây là nơi tôi sẽ không cô đơn, vì đây là nơi tôi biết đó là nhà”.
Tôi đã sinh sống và làm việc ở Singapore gần 1/4 thế kỷ và nơi đây tôi đã có cơ ngơi ổn định để làm những việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và Tổ quốc. Sự gần gũi về địa lý giữa Singapore, Việt Nam và các nước ASEAN, cùng những chuyến công tác thường xuyên trong khu vực, đã giúp tôi phần nào quên đi nỗi buồn xa quê. Nhưng nay đại dịch Covid-19 với những biện pháp cách ly xã hội, đã khiến những doanh nhân như tôi càng thấm thía hơn về hoàn cảnh nơi đất khách quê người. Mỗi lần có dịp nghe giai điệu bài hát “Home” vang lên, tôi thường nhắm mắt lại và tất cả hình ảnh hay kỷ niệm tôi có thể nhớ được về quê nhà hiện lên rõ mồn một. Với tôi, giai điệu của bài hát này có lẽ rất phù hợp với những khúc hát tha hương về cuộc sống muôn màu muôn vẻ của người Việt nơi xứ lạ quê người.
Bất chấp Covid-19, chính phủ Singapore vẫn quyết định tổ chức lễ diễu hành quốc khánh năm nay, với phiên bản khác biệt so với mọi năm, khi cuộc duyệt binh tại quảng trường Padang diễn ra tượng trưng với quy mô nhỏ. Nhiều tiết mục được cắt bỏ do hoàn cảnh không cho phép, nhưng phần thú vị và được quan tâm nhất vẫn luôn là hát quốc ca và đọc lời thề công dân. Điều khác biệt là công việc này do Tổng thống Halimah lĩnh xướng và người dân trên đảo quốc cùng hát qua mạng. Điều thú vị nữa là quốc ca Singapore lại bằng tiếng Mã Lai, trong khi đa số người Singapore là gốc Hoa, nên không phải ai cũng hiểu hết đầy đủ nội dung của bài quốc ca.
Nhưng âm nhạc là ngôn ngữ không biên giới, chỉ cần vài câu chữ cùng giai điệu, mọi người đều có thể thể hiện được tâm tư tình cảm và khát vọng của mình. “Home” là bài hát tiếng Anh, nhiều bạn bè người Việt của tôi vẫn thích nghe dù khả năng Anh ngữ còn hạn chế. Thật tình mà nói, dù đã nghe “Home” trong suốt mấy chục năm qua tôi cũng không nhớ hoàn toàn lời bài hát. Nhưng trong niềm hy vọng cho tương lai sáng sủa và đại dịch sẽ qua đi, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy tích cực và lạc quan hơn khi nghe phần lời này của bài hát: “Khi có những rắc rối phải trải qua, chúng ta sẽ tìm cách để bắt đầu lại. Rồi chúng ta sẽ thấy rằng chính con người tạo nên ngôi nhà. Vì vậy, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng ước mơ của mình giống như chúng ta đã làm điều đó trước đây”. 

Các tin khác