Kinh tế Afghanistan bên bờ sụp đổ

(ĐTTCO)-Trong động thái mới nhất, các quan chức Thụy Ðiển và Pakistan cảnh báo Afghanistan sẽ sớm rơi vào hỗn loạn trừ khi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động.
Kinh tế Afghanistan bên bờ sụp đổ

“Afghanistan đang trên bờ vực sụp đổ và sự sụp đổ đó diễn ra nhanh hơn chúng ta nghĩ”, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế của Thụy Ðiển Per Olsson Fridh nói hôm 23-10. Ông nhấn mạnh nền kinh tế rơi tự do có thể tạo môi trường cho các nhóm khủng bố phát triển mạnh, nhưng Thụy Ðiển sẽ không chuyển viện trợ phát triển thông qua Taliban hiện đang nắm quyền, mà thay vào đó sẽ tăng cường đóng góp nhân đạo thông qua các nhóm xã hội dân sự Afghanistan. Bộ trưởng Fridh lưu ý, đến nay Taliban vẫn chưa chứng minh họ sẵn sàng từ bỏ các chính sách áp bức từng áp dụng trong giai đoạn cầm quyền 1996-2001. Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Fawad Chaudhry khẳng định đối thoại trực tiếp với Taliban là cách duy nhất để ngăn chặn thảm họa nhân đạo, đồng thời kêu gọi giải phóng hàng tỉ USD tài sản Afghanistan bị đóng băng ở nước ngoài.

Afghanistan rơi vào khủng hoảng sau khi Taliban lên nắm quyền hơn 2 tháng trước, khiến các khoản viện trợ hàng tỉ USD từ nước ngoài đột ngột bị cắt đứt. Taliban cũng đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với 9 tỉ USD tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan được gửi ở nước ngoài trong bối cảnh nước này đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Theo Kênh Press TV, các ngân hàng tại Afghanistan đang cạn tiền mặt trong khi công chức không được trả lương.

Trước tình hình trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần rồi cho rằng Afghanistan cần nhận được sự hỗ trợ kinh tế và các tài sản tài chính của quốc gia Tây Nam Á này phải được giải tỏa bởi sự ổn định của Afghanistan có lợi cho tất cả các nước láng giềng.

Theo ông Putin, Mát-xcơ-va đang tiến tới đưa Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức cực đoan. Năm 2003, Nga xác định Taliban là một “tổ chức khủng bố”, song vẫn hoan nghênh Taliban đối thoại tại thủ đô Mát-xcơ-va vài lần trước khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Afghanistan lần thứ hai hồi giữa tháng 8. Gần đây, Nga đã tổ chức hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Mát-xcơ-va với sự tham gia của đại diện 10 quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Pakistan, cùng đại diện chính quyền Taliban. Các bên tham dự hội nghị đã ủng hộ việc tổ chức một hội nghị Liên Hiệp Quốc để huy động viện trợ cho Afghanistan.

Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết ông không thấy có hoàn cảnh nào trong đó Taliban được phép tiếp cận các khoản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, phần lớn đang được giữ tại Mỹ. “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải duy trì các lệnh trừng phạt đối với Taliban nhưng cũng đồng thời tìm các biện pháp đưa viện trợ nhân đạo hợp pháp đến với người dân Afghanistan”, ông Adeyemo phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện hôm 19-10.

Giữa lúc khủng hoảng nhân đạo lan rộng tại Afghanistan, phương Tây đang đứng trước những lựa chọn khó khăn trong việc tìm cách can dự phù hợp với Taliban mà không bị xem là công nhận tính hợp pháp của lực lượng này.

Những nguy cơ khi kinh tế Afghanistan sụp đổ

Trong báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định với việc viện trợ phi nhân đạo bị tạm dừng và phần lớn tài sản nước ngoài bị đóng băng, nền kinh tế vốn phụ thuộc vào viện trợ của Afghanistan “đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và cán cân thanh toán nghiêm trọng”. Kinh tế Afghanistan được dự báo suy giảm tới 30% trong năm 2021. Ðiều đó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân và đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, có thể “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Tình hình hỗn loạn ở Afghanistan cũng có thể sẽ tác động đến kinh tế, an ninh khu vực và nghiêm trọng hơn là “thúc đẩy sự gia tăng người tị nạn”. Ðiều này có thể gây ra gánh nặng cho các nguồn lực công cộng ở những nước tiếp nhận, gia tăng sức ép thị trường lao động và dẫn tới căng thẳng xã hội, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Lấy ví dụ, có thêm 1 triệu người Afghanistan đi tị nạn ở các quốc gia láng giềng, chi phí hàng năm để tiếp nhận họ sẽ lên tới 100 triệu USD ở Tajikistan, tương ứng 1,3% GDP của nước này, khoảng 300 triệu USD ở Iran (0,03% GDP) và 500 triệu USD ở Pakistan (0,2% GDP).

Các tin khác