Kinh tế Mỹ hướng đến châu Á?

(ĐTTCO)-Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có nhiều dấu hiệu cho biết sẽ cải thiện quan hệ thương mại với các đối tác truyền thống, tái liên kết với các tổ chức quốc tế như WTO. Với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 15 quốc gia châu Á được ký kết gần đây, giới quan sát tin rằng chính sách thương mại của ông Biden sẽ hướng tới châu Á. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Khó thay đổi với Trung Quốc
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có từ lâu, và chính quyền ông Trump đã đưa sự căng thẳng đó lên mức gay gắt, thông qua một loạt mức thuế leo thang đối với hàng hóa Trung Quốc cùng nhiều lệnh trừng phạt Trung Quốc.
Kể từ đợt áp thuế đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc năm 2018, Mỹ đã tăng thuế hơn 70% hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Mỹ cũng thực hiện 11 vòng trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc.
Hiện có 350 công ty Trung Quốc trong danh sách các thực thể bị kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Để trả đũa, các mức thuế của Trung Quốc cũng áp lên hơn 50% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ông Biden cũng tuyên bố sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chính sách Trung Quốc, cho đến khi nghiên cứu kỹ các chính sách hiện có và tham vấn với các đối tác truyền thống của Mỹ. Bằng cách duy trì các mức thuế và lệnh trừng phạt hiện có khi làm việc với các đồng minh, Nhà Trắng cố gắng tận dụng các nguồn lực này trong các cuộc thảo luận thương mại dài hạn với Trung Quốc.
Theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, Trung Quốc đã ký một loạt cam kết mua hàng để tăng nhập khẩu từ Mỹ trong hơn 2 năm. Theo đó, Trung Quốc hứa mua khoảng 164 tỷ USD hàng hóa của Mỹ năm 2020 và 199 tỷ USD năm 2021. Nhưng tính đến tháng 11-2020, Trung Quốc mới thực hiện được 57% cam kết mua hàng cho năm 2020.
Mặc dù Bắc Kinh khẳng định đáp ứng các cam kết mua hàng trong thỏa thuận, khu vực tư nhân ở Trung Quốc - chiếm gần 80% nhu cầu đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ - có thể sẽ không chấp nhận các cam kết này, trừ khi họ bị ép phải làm như vậy. Nếu đến cuối năm nay Trung Quốc vẫn không thể đáp ứng các cam kết mua hàng giai đoạn 1, áp lực chính trị ở Mỹ có thể yêu cầu chính quyền Biden thực hiện hành động trả đũa.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã đáp ứng hoặc dự kiến đáp ứng nhiều nghĩa vụ cải cách chính sách trong thỏa thuận. Vì thế, các đối tác truyền thống của Mỹ có thể kêu gọi chính quyền từ bỏ chiến lược thương mại này vì lo ngại nó làm suy yếu xuất khẩu của chính các nước này sang Trung Quốc.

Cơ hội cho ASEAN
Thương chiến Mỹ-Trung thời chính quyền Trump đã mang lại nhiều lợi ích cho khu vực ASEAN. Năm 2019, ASEAN chứng kiến mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục, khi các công ty tăng cường đầu tư vào để tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng. Chính quyền Biden có thể tìm cách xây dựng dựa trên xu hướng đa dạng hóa đầu tư này, bằng cách theo đuổi các hiệp định thương mại (FTA) đa phương hoặc song phương với một số nước ASEAN.
Khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một FTA được đề xuất của 12 quốc gia Thái Bình Dương chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, và là nền tảng trong chính sách thương mại của chính quyền Obama trong khu vực, 11 nước thành viên TPP còn lại đã thực hiện phiên bản sửa đổi dưới hình thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với sự ủng hộ của Phó Tổng thống Biden khi đó đối với TPP trong thời chính quyền Obama, ngày càng có nhiều kỳ vọng chính quyền Biden sẽ tham gia CPTTP hoặc khởi xướng các FTA song phương với các điểm đầu tư mới nổi lên trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam. 
Tuy nhiên, điều này có thể đối mặt các rào cản vì TPP thường bị chỉ trích tại Mỹ. Do vậy, chính quyền Biden có thể cần đàm phán lại bất kỳ thỏa thuận tương tự nào trong khu vực Thái Bình Dương để có thể nhận được sự ủng hộ của Quốc hội. Liệu chính quyền Biden có sẵn sàng chi tiêu nguồn vốn cần thiết để FTA như vậy được thông qua tại Quốc hội, khi Nhà Trắng còn phải đối mặt với một loạt chương trình nghị sự cấp bách hơn như Covid-19, hay việc hàn gắn nước Mỹ sau những chia rẽ xuyên suốt cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Một dấu hiệu ban đầu về quyết tâm chính trị của Nhà Trắng mới trong việc thúc đẩy các FTA có thể sẽ được thể hiện trong việc liệu họ có yêu cầu Quốc hội gia hạn Cơ quan Xúc tiến Thương mại (TPA) hay không. TPA sẽ hết hạn vào tháng 7-2021, công cụ lập pháp này là cơ sở phê duyệt các FTA gần đây nhất của Mỹ, cho phép chính quyền đàm phán các hiệp định quốc tế nhanh chóng với sự giám sát hạn chế và giảm ngưỡng phê chuẩn của Quốc hội.
Năm 2008, chính quyền Obama khi đó đã chọn không yêu cầu Quốc hội gia hạn TPA sắp hết hạn. Thay vào đó họ theo đuổi chương trình nghị sự tập trung vào đối nội xung quanh cải cách bảo hiểm y tế (ObamaCare). TPA hết hiệu lực cho đến khi được gia hạn vào năm 2015, trong thời gian đó không có FTA mới nào được phê chuẩn. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó chính quyền Obama đã tiến hành đàm phán TPP như thể TPA vẫn còn hiệu lực và chỉ yêu cầu gia hạn TPA khi hoàn tất TPP.

Sẽ dịch chuyển sang Ấn Độ?
Với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khó lắng dịu trong thời gian gần, một số chuyên gia kỳ vọng Mỹ sẽ tìm cách xích lại gần Ấn Độ như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Trong chuyến thăm của ông Trump đến Ấn Độ vào cuối tháng 2-2020, 2 nước đã đồng ý nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán giai đoạn 1 của FTA song phương toàn diện, dự kiến bao phủ 13 tỷ USD thương mại hàng năm, tức 15% thương mại song phương năm 2020. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại vào cuối năm 2020 do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Chính quyền Biden có thể tiếp tục thảo luận về việc khôi phục quy chế GSP của Ấn Độ, hoặc theo đuổi các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại đang diễn ra dưới thời chính quyền Trump để đạt được thay đổi tích cực về cơ bản trong chính sách thương mại với Ấn Độ. Việc khôi phục trạng thái GSP của Ấn Độ có thể dễ đạt hơn, nhưng có lợi cho Ấn nhiều hơn Mỹ.
Bất kỳ tiến triển nào về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Ấn tiềm năng dưới thời chính quyền Biden sẽ cần khoảng thời gian dài hơn. Chính quyền mới sẽ cần phải xem xét và đàm phán lại các điều khoản đã thống nhất dưới thời ông Trump, chẳng hạn như sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường đối với một số hàng hóa.  
Những chuyển động hiện tại của chính quyền ông Biden có thể báo hiệu quỹ đạo dài hạn hơn trong chính sách thương mại của Mỹ ở châu Á.

Các tin khác