Kỳ vọng vaccine PittCoVacc

(ĐTTCO) - Theo giới khoa học Mỹ, thử nghiệm ban đầu của một loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trên chuột đã cho kết quả khả quan. Trong thử nghiệm này, loại vaccine nguyên mẫu (các nhà nghiên cứu gọi là PittCoVacc) được đưa vào cơ thể chuột. 

Kết quả cho thấy loại vaccine này có thể kích thích một phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 ở mức độ có thể ngăn chặn nhiễm bệnh.

Nghiên cứu điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ. Ảnh: Medical News Today/TTXVN

Nghiên cứu điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ. Ảnh: Medical News Today/TTXVN

Nhóm các nhà khoa học tại Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) cho biết họ đã tăng tốc phát triển loại vaccine phòng Covid-19 tiềm năng này sau khi tiến hành nghiên cứu trên những chủng virus Corona khác gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Các nhà nghiên cứu trên lưu ý, do quá trình thử nghiệm ở chuột chưa đủ dài nên vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu có phản ứng miễn dịch chống Covid-19 hay không và có thể kéo dài trong bao lâu. Nhóm nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này trên người trong vài tháng tới. Trong diễn biến liên quan, báo cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, những người nhiễm Covid-19 có thể lây lan virus cho người khác từ 1-3 ngày trước khi có các triệu chứng mắc bệnh như sốt, ho hoặc thở gấp.

Tính đến ngày 3-4, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 1.056.581 ca, trong đó số ca tử vong là 55.780 ca. Mỹ đang là tâm dịch với 257.379 ca mắc và 6.558 ca tử vong. Tiếp đó là Italy và Tây Ban Nha với số ca mắc lần lượt là 117.710 ca và 115.242 ca. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Mỹ khiến Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tránh tiếp xúc gần với người khác. 

Ngày 3-4, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết về dịch Covid-19, trong đó kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để đánh bại dịch bệnh. Nghị quyết nêu rõ, để dập tắt đại dịch đòi hỏi phải có phản ứng toàn cầu dựa trên sự đoàn kết, nhất trí và đổi mới phương thức hợp tác đa phương.

Việt Nam là hình mẫu về cách thức kiềm chế dịch Covid-19 trong điều kiện hạn chế. Đây là nội dung bài viết được đăng tải trên trang mạng zen.yandex.ru của Nga, trong đó đánh giá cao nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam. Theo bài viết trên, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch nhờ Chính phủ phản ứng nhanh. Tác giả bài viết nhận định, Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với chi phí tối thiểu.

Các tin khác