Lấn cấn truyền thông Trung - Mỹ

(ĐTTCO) - Vừa cải thiện quan hệ sau khi ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Mỹ và Trung Quốc lại vướng vào căng thẳng trong cuộc chiến mới ở lĩnh vực truyền thông. 
Ngày 18-3, Trung Quốc tiến hành hàng loạt biện pháp trả đũa nhằm vào truyền thông Mỹ với tuyên bố yêu cầu 3 cơ quan báo chí Mỹ là New York Times, Wall Street Journal, Washington Post trong 4 ngày phải nộp danh sách các phóng viên quốc tịch Mỹ sẽ hết hạn visa trong năm nay cho Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc và trong 10 ngày phải nộp lại thẻ phóng viên.
Đồng thời các phóng viên này từ nay về sau sẽ không được tác nghiệp tại Trung Quốc đại lục, đặc khu hành chính Hồng Công và Macao. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các chi nhánh của VOA, New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và Time kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và các hoạt động tại Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả tương tự đối với các phóng viên Mỹ giống như Mỹ đang phân biệt đối xử đối với phóng viên Trung Quốc trên các lĩnh vực như thủ tục xin visa, thủ tục hành chính, hoạt động tác nghiệp… Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, đây là biện pháp phòng vệ chính đáng của báo chí Trung Quốc. 

Các động thái trên được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ coi các cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại nước này giống như các cơ quan đại diện nước ngoài và hạn chế số lượng nhân viên Trung Quốc làm việc cho những cơ quan này. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 5 cơ quan thông tấn, báo chí Trung Quốc, bao gồm hãng tin Tân Hoa xã, Đài truyền hình quốc tế Trung Quốc CGNT, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI, China Daily và Nhân dân Nhật báo vào danh mục “các phái bộ nước ngoài”.

Quy định mới của Mỹ cũng giới hạn số lượng nhân viên người Trung Quốc làm việc trong các hãng truyền thông tại nước này bất kỳ thời điểm nào. Các hãng trên hiện có khoảng 160 nhân viên người Trung Quốc. Con số này rút còn 100 người. 

Theo thống kê, có khoảng 500 nhà báo Trung Quốc đang làm việc tại Mỹ, trong khi chỉ có 75 nhà báo Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc. Theo New York Times, vấn đề hạn chế số lượng phóng viên Trung Quốc đã được tranh luận ở Washington trong nhiều năm qua.

Nhận định về quyết định hạn chế truyền thông Trung Quốc trên đất Mỹ, giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy chính phủ của Tổng thống Donald Trump tiếp tục có thay đổi sách lược trong cách tiếp cận với Bắc Kinh, bao gồm tính toán “có qua có lại” trước nay giữa hai bên.

Các tin khác