Liệu pháp đọc sách mùa dịch

(ĐTTCO) - 1. Trước những ngày chính phủ Singapore chuẩn bị áp dụng chính sách cách ly toàn xã hội theo cơ chế “cầu dao điện” (Circuit Breaker) ngày 7-4, một số người dân Singapore hoảng sợ đi mua hàng tích trữ, nhưng có một số bạn trẻ lại tranh thủ đến nhà sách/thư viện mua/mượn thêm sách. 
Tác giả và cây đàn dương cầm đặt trong thư viện trường quốc tế.
Tác giả và cây đàn dương cầm đặt trong thư viện trường quốc tế.
Theo thống kê của Cục Quản lý Thư viện Quốc gia (NLB), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, số lượng đầu sách trong những ngày này tăng đột ngột lên đến mức kỷ lục 225%. Cũng như ở nhiều nước, ở Singapore sách không được xem là sản phẩm thiết yếu nhưng cơn đại dịch buộc nhiều người phải ở nhà trong một thời gian dài, và chính điều này đã làm nhiều người, trong đó có tôi, nhận thức rằng đọc sách là một nhu cầu thiết yếu.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, sách là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả dành cho những người bị bệnh trầm cảm. Thuật ngữ chuyên môn trong tiếng Anh gọi là Bibliotherapy được xem là một phương thức trị liệu nghệ thuật sáng tạo bao gồm kể chuyện hoặc đọc các văn bản cụ thể với mục đích chữa bệnh. Mối liên hệ giữa chữa bệnh và đọc sách đã được ý thức từ thời của các nhà triết gia Hy Lạp cổ đại như Platon và Aristotle cho đến người La Mã cổ đại.
Vào thế kỷ 13, việc đọc kinh Coran tại một bệnh viện ở Ai Cập được coi là một phần của quá trình điều trị. Đến thế kỷ 17, một số thầy thuốc ở Anh khuyên bệnh nhân đọc tiểu thuyết Don Kijote của nhà văn Tây Ban Nha Cervantes hoặc mỗi ngày nên đọc vài ba trang sách có nội dung tốt để sức khỏe chóng bình phục...
Nhưng đọc sách để trị liệu chỉ là những trường hợp hãn hữu. Với tôi, phần lớn những ai làm bạn với sách sẽ có cơ hội mở rộng tầm nhìn và chân trời, kích thích tâm trí và chống lại sự cô đơn hoặc buồn chán. Tại Singapore, phát triển thói quen đọc sách của người dân là một trong những nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong chiến lược phát triển quốc gia. Hầu hết thư viện công cộng tại Singapore đều mở cửa liên tục hàng ngày kể cả cuối tuần cho đến 9 giờ tối.
Những tòa nhà nhìn bên ngoài đơn giản nhưng bên trong lại rất hiện đại với những tầng lầu, giá sách dán nhãn và danh mục chính xác xếp thành hàng ngay ngắn. Ghế sofa thoải mái trong những "khu vực đọc sách yên tĩnh" tạo không gian an toàn cho người đọc. Thư viện cũng là nơi cho mọi người ghé đến nghỉ ngơi hoặc ăn nhanh một cái gì đó, hay giao lưu với bạn bè, thân hữu hay khách hàng bên một tách trà hay cà phê.
Có một số người cho rằng hiệu sách hay thư viện không còn cần thiết nữa bởi nếu muốn có một cuốn sách, người mua có thể đặt hàng trực tuyến hay tải xuống máy đọc sách Kindle hay máy tính cá nhân để xem. Nhưng với phần lớn độc giả, việc cầm trên tay quyển sách giấy không chỉ đơn thuần là cảm giác sở hữu mà là khởi đầu của một hành trình khám phá. Độc gỉả sẽ có những cảm nhận khó tả từ các giác quan khi ngửi mùi hương từ giấy sách (khứu giác), những ngón tay lướt trên gáy sách (xúc giác), lắng nghe tiếng sột soạt khi lật từng trang sách (thính giác), ngắm nhìn thiết kế hay màu sắc trên bìa sách (thị giác).
Với những người yêu sách, sẽ thật thiêng liêng khi nhặt quyển sách từ kệ, đọc lướt qua rồi quyết định mượn hay mua. Cái cảm giác đó sẽ không bao giờ có khi độc giả chỉ mua sách qua mạng hay đọc sách trên các nền tảng điện tử.
Thành thật mà nói, trong nhiều năm qua tôi cũng ít đến thư viện vì nhiều lý do, trong đó có việc tải sách hay tài liệu qua mạng hay mua từ hiệu sách về đọc. Tôi thỉnh thoảng mua sách trong những lần mua sắm cuối tuần với gia đình, nhưng thường nhất là trong lúc chờ đợi trước khi lên máy bay ở Changi hay những sân bay quốc tế.
Tôi đã tập cho mình thói quen bao giờ cũng đem theo một quyển sách trong những lần đi công tác mặc dù cũng không có đủ thời gian đọc hết. Sách là những người bạn thân thiết của tôi, cho tôi cảm giác bình an và cũng là nơi tôi hiểu sâu sắc và trọn vẹn một vấn đề nào đó. Giờ đây tôi đã có những giấc ngủ ngon nhờ có những quyển sách “gối đầu giường” cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đại dịch Covid-19 là chuyện chẳng ai muốn nhưng thời gian ở nhà nhiều hơn đã giúp tôi có cơ hội đọc và viết nhiều hơn. Tôi thả hồn mình qua những trang sách, đắm chìm trong không gian bên tủ sách hay ngồi đối diện trước trang sách. Sách cho tôi tồn tại trong một thế giới riêng biệt, một chút ích kỷ nhưng hạnh phúc nếu có cơ hội chia sẻ với những ai mình cảm thấy gần gũi hay bạn tâm giao.

2. Singapore đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và cuộc sống đã dần trở lại bình thường, mặc dù việc đeo khẩu trang vẫn còn bắt buộc với nhiều quy định khắt khe cho người dân ở các không gian công cộng. Kể từ ngày 1-9, các thư viện đã mở cửa theo giờ hoạt động bình thường, tuy nhiên các biện pháp điều chỉnh khoảng cách an toàn và kiểm soát số lượng người ra vào và giới hạn công suất sẽ vẫn được áp dụng. Thời gian trong thư viện bị giới hạn trong 30 phút, và mỗi tầng lầu không được có mặt quá 50 khách. Việc mượn/trả sách giờ đây được khuyến cáo theo hình thức trực tuyến.
Trong lúc chờ đợi cuộc sống trở lại hoàn toàn bình thường, con người cũng nên bằng lòng với hiện tại, trân trọng những gì mình có và tìm những giải pháp trong tầm tay. Chính vì lý do đó tôi cảm thấy phấn khởi khi thấy thư viện trường quốc tế nơi tôi dạy có những đổi mới và sáng tạo rất thú vị.
Trong sảnh thư viện giờ đây xuất hiện một cây đàn dương cầm nhỏ đặt trước gian trưng bày đầu sách mới, ấn phẩm hay vật phẩm giới thiệu lịch sử và văn hóa Singapore. Tôi mạo muội hỏi cô quản thủ là đàn này dùng để trưng bày làm cảnh hay có thể chơi được. Cô bảo nhà trường sẽ thỉnh thoảng cho phép các hoạt động văn hóa văn nghệ tổ chức trong thư viện và đây là đàn thật.
Đây là một sáng kiến rất hay và chắc chắn điều này sẽ càng làm thư viện gần gũi và thân thiện với học sinh hơn. Tôi xin phép mở cây đàn và nhờ cô chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm và nói vui rằng tôi hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ tổ chức một “live show” văn nghệ với học sinh Việt Nam để đánh dấu một chặng đường làm nhà giáo của một kẻ đã mang lấy nghiệp vào thân nơi xứ lạ quê người.
Singapore, ngày 4-9-2020

Các tin khác