Mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột

(ĐTTCO) - Tôi xin mượn phát biểu nói trên của một cựu lãnh đạo nhà nước Trung Quốc để minh họa cho động thái mới của chính phủ Singapore. Theo đó vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia phục vụ những người không thể/muốn tiêm vaccine mRNA như Pfizer hay Moderna. 
Một phụ nữ Singapore được tư vấn về những tác dụng phụ sau khi chích mũi vaccine thứ 3 trước khi lấy giấy chứng nhận, tại một trung tâm tiêm chủng cộng đồng do Tập đoàn Y tế Raffles Medical điều hành theo ủy nhiệm của chính phủ.
Một phụ nữ Singapore được tư vấn về những tác dụng phụ sau khi chích mũi vaccine thứ 3 trước khi lấy giấy chứng nhận, tại một trung tâm tiêm chủng cộng đồng do Tập đoàn Y tế Raffles Medical điều hành theo ủy nhiệm của chính phủ.
Điều này tuân theo sự cho phép tạm thời của Bộ Y tế Singapore (MOH) đối với vaccine theo Lộ trình tiếp cận đại dịch đặc biệt (PSAR). 
Theo Cục Khoa học Y tế (HSA) thuộc MOH, người được coi là tiêm chủng đầy đủ sẽ phải chích 3 liều vaccine. Liều thứ 2 nên được thực hiện 28 ngày sau liều đầu tiên, liều thứ 3 thì 90 ngày sau liều thứ 2. Những ai đã được tiêm 2 liều vaccine Sinovac sẽ được coi là tiêm chủng đầy đủ trong 4 tháng sau liều thứ 2. Sau đó, người này sẽ phải tiêm liều thứ 3 để duy trì tình trạng tiêm chủng của họ.
Động thái nói trên của chính phủ Singapore đã chấm dứt cuộc tranh cãi của một bộ phận công chúng, về việc liệu có nên đưa vaccine Sinovac của Trung Quốc vào chương trình tiêm chủng quốc gia hay không. Một số công dân Singapore, nhất là những người có nguồn gốc từ Trung Hoa đại lục, đã gây nhiều áp lực lên chính phủ kể từ khi vaccine Sinovac đến Singapore vào tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, chính phủ Singapore đã đưa ra thông điệp Sinovac không cung cấp đủ dữ liệu cho HSA để đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine. Nhưng chính phủ cũng khôn ngoan đưa ra giải pháp trung dung và thỏa hiệp, là mời các cơ sở y tế tư nhân cung cấp Sinovac cho ai muốn chích trên cơ sở tự nguyện. Có điều, cho đến khi được HSA chấp thuận, Sinovac không được Chương trình hỗ trợ tài chính cho sự cố do vaccine (VIFAP) do nhà nước chi trả.
Thật khó đề làm vừa lòng tất cả mọi thành viên trong xã hội. Chiến lược của Singapore trong việc truyền đạt những lựa chọn này là lập trường vững chắc và rõ ràng. Như để giải thích việc chấp nhận Sinovac như một vaccine “chính ngạch”, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết trong số những người dân đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng, 94% đã thực hiện hoặc đã đặt lịch chích vaccine.
Nhưng trong số 6% dân số đủ điều kiện vẫn chưa được tiêm chủng, 70.000 người trên 70 tuổi hoặc 60 tuổi. Ông nói: “Những người này có nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu nhiễm Covid-19. Một số trong những người chưa được chủng ngừa này không thể dùng vaccine mRNA vì lý do y tế. Những người khác có thể chỉ thích loại vaccine không phải mRNA. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm cho vaccine Sinovac dễ tiếp cận hơn và khuyến khích họ tiêm phòng".
Tại Singapore, Sinovac vẫn chưa được chấp thuận để sử dụng cho độ tuổi 12-17. Điều này cũng không có trong đơn xin của Sinovac và cũng phù hợp với việc sử dụng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận trong Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL). Đối với những người trong độ tuổi này không đủ điều kiện về mặt y tế để hoàn thành 2 liều vaccine Pfizer hay Moderna, MOH sẽ cung cấp một loạt 3 liều chính sử dụng Sinovac theo một chương trình y tế công cộng chuyên dụng. MOH cho biết họ được giám sát chặt chẽ bởi các nhân viên y tế đã được đào tạo trong chương trình y tế công cộng này, vì việc sử dụng Sinovac ở những người dưới 18 tuổi không có trong ủy quyền tạm thời PSAR của HSA. 
Động thái mới trong chiến lược vaccine chắc chắn sẽ giải tỏa được những áp lực trước số lượng người nhiễm và tử vong do Covid-19 trong các tuần lễ qua. Với việc phủ rộng vaccine và giữ số người tử vong ở mức thấp, chính phủ sẽ an tâm hơn nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để cuộc sống trở lại bình thường. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là đảm bảo hệ thống bệnh viện không bị quá tải và kiểm soát được số lượng bệnh nhân cần chăm sóc tại bệnh viện để họ sớm hồi phục.
Thách thức  phát sinh là đội ngũ nhân viên y tế đã rất mệt mỏi sau hơn 1 năm làm việc trong điều kiện khó khăn không được nghỉ ngơi. Vấn đề khác là giường bệnh cho các trường hợp chăm sóc đặc biệt (ICU), nơi những bệnh nhân nặng cần được chăm sóc suốt ngày đêm. Tính đến ngày 27-10, Singapore có 207 giường ICU và con số bệnh nhân 67. Nếu số bệnh nhân được tiếp nhận nhiều hơn số bệnh nhân xuất viện, giường bệnh sẽ chật kín, và đây mới là nỗi lo lớn nhất của chính phủ Singapore.
Một sự thật nghiệt ngã là tình trạng dân số cao tuổi. Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính, không chỉ đối với Covid-19 mà đối với hầu hết bệnh, do đó người dân đảo Sư tử phải chứng kiến những trường hợp tử vong ở những người đã tiêm chủng đầy đủ. Theo MOH, hầu hết người đã được tiêm chủng đầy đủ tử vong vì Covid-19 đều có bệnh nền. Theo các chuyên gia y tế, sẽ rất hữu ích nếu hiểu rõ hơn về những điều kiện y tế tiềm ẩn đã góp phần gây ra tử vong do Covid-19.
Chúng liên quan như thế nào tình trạng huyết áp cao được kiểm soát tốt, mức cholesterol cao và bệnh tiểu đường? Hay liệu đó là những tình trạng nghiêm trọng hơn như suy tim? Một người sống sót sau ung thư có phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong cao hơn nếu bị nhiễm bệnh? Hiện có hơn 1 triệu người ở Singapore có bệnh nền và nguy cơ có như nhau? Trong số người đã được tiêm phòng vẫn tử vong, mũi tiêm thứ 2 được thực hiện cách đây bao lâu? Hoặc có ai tiêm mũi thứ 3 tăng cường (booster) vẫn phải giã biệt cõi đời?
Theo các chuyên gia, nếu thực sự cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung, mũi tiêm booster sẽ mang lại niềm tin cho người bị bệnh nền, và khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, họ sẽ tiếp tục được bảo vệ. Tuy nhiên, ngay cả khi toàn bộ dân số Singapore đã được tiêm phòng và được chích booster, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan và cái chết vẫn diễn ra. Cho đến nay, Singapore có gần 60 ca tử vong do Covid-19 trên 1 triệu dân.
Khoảng 80 quốc gia đã có hơn 1.000 ca tử vong trên 1 triệu dân, trong đó số ca tử vong ở 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất lên đến 3.000 người/1 triệu dân. Trong vài tháng qua, Singapore đã phải đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh trong cộng đồng. Chính phủ Singapore đang tìm mọi cách để phủ rộng tối đa tỷ lệ tiêm chủng, nhất là người lớn tuổi, và triển khai việc tiêm booster cho những người từ 30 tuổi trở lên. Có lẽ đó là cách duy nhất để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm và giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất. 

Các tin khác