Một phần của cuộc chiến chống Covid-19

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu, chính phủ nhiều nước đang tập trung tìm đáp án cho bài toán làm thế nào để cải thiện quy trình xử lý rác thải y tế. 

Rác thải y tế là một trong những dạng rác thải nguy hiểm nhất, đặc biệt là nếu nó không được xử lý đúng cách mà chỉ được xử lý như rác thải gia đình thông thường. Vấn đề trở nên cấp bách và nghiêm trọng khi các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu ngăn chặn đại dịch Covid-19 có nguy cơ cao phơi nhiễm với rác thải y tế.

Một công nhân vệ sinh xử lý rác thải y tế tại một bệnh viện ở Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: XINHUA

Một công nhân vệ sinh xử lý rác thải y tế tại một bệnh viện ở Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: XINHUA

Thành phố Bangkok - nơi có tới 80% các ca mắc Covid-19 ở Thái Lan - đang triển khai đặt các thùng rác đặc biệt để thu gom khẩu trang đã qua sử dụng tại 173 địa điểm trên khắp thành phố, đồng thời nâng cấp quy trình xử lý khẩu trang đã qua sử dụng lên mức tiêu chuẩn cao nhất.

Giám đốc Sở Môi trường Bangkok Chatree Wattanakajen cho biết, các thùng rác đặc biệt có màu da cam và được in chữ “Chỉ được dùng cho khẩu trang đã qua sử dụng”. Tổng cộng có 173 thùng rác loại này, trong đó 38 thùng được đặt tại các công viên công cộng trong thành phố, số còn lại được đặt ở văn phòng 50 quận, các trung tâm y tế công cộng và bệnh viện dưới sự giám sát của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA).

Các thùng rác màu da cam được đặt cách xa những thùng rác thông thường và tại những nơi dễ thấy để đề phòng trường hợp ăn trộm khẩu trang đã qua sử dụng về dùng lại hoặc bán lại. Các hộ gia đình cũng có thể để khẩu trang đã qua sử dụng trong các túi ziploc hoặc các túi được buột chặt rồi đưa lên những thùng đặc biệt trên xe thu gom rác. Theo ông Chatree, khẩu trang đã qua sử dụng được đốt tại những cơ sở xử lý rác ở Nong Kham và Onnut. Các cơ sở này có tổng công suất xử lý 60 tấn mỗi ngày, đủ để giải quyết 40 tấn khẩu trang được các bệnh viện ở Bangkok thải ra mỗi ngày.

Virus SARS-CoV-2 càng lan nhanh, nhu cầu khử trùng, xử lý đồ bảo hộ của nhân viên y tế, kim tiêm, khẩu trang… thải ra càng lớn. Tuy nhiên, theo báo The Nation của Thái Lan, nhiều nước đang phát triển ở châu Á thiếu các cơ sở và quy định phù hợp để xử lý rác thải y tế và rác thải nguy hại. Rác thải nguy hại thường được đốt công khai, kết hợp với rác thải rắn đô thị, rác tái chế và bán lại bất hợp pháp, gây ra mối đe dọa đáng kể cho sức khỏe của người xử lý và môi trường. Hầu hết các nước đang phát triển ở châu Á không có khả năng hiện đại hóa hệ thống của mình bằng cách triển khai các cơ sở xử lý chất thải y tế di động để nghiền rác y tế, khử trùng và tẩy lọc chất độc, biến rác thải y tế thành rác thường để có thể xử lý như rác do các hộ gia đình thải ra.

Vì vậy, Trung Quốc và nhiều nước châu Á cũng đang ồ ạt mua vào các thiết bị xử lý rác thải y tế của phương Tây. Trong số này có công ty Stericyle của Mỹ, AMB Ecosteryl của Bỉ, Bertin Technologies và Tesalys của Pháp.... Đắt hàng nhất vẫn là máy nghiền và tẩy khử rác y tế ngay tại các bệnh viện, tránh được khâu chuyên chở làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm, vì những mặt hàng này thường nhẹ, nhưng cồng kềnh. Tập đoàn Bertin Technologie cho biết, hồi tháng 2, Bộ Y tế Trung Quốc đã chính thức đặt mua 16 trạm xử lý rác thải y tế tại chỗ Sterilwave để trang bị cho các bệnh viện tại Vũ Hán. Mỗi trạm Sterilwave có công suất xử lý tối đa 80kg rác/ giờ.

Các tin khác