Mỹ và Trung Quốc bùng phát đại dịch: Đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO) - Trong tuần qua, số ca bệnh do biến chủng Delta gây ra ở Mỹ đã tiến đến gần 100.000 ca/ngày, trong khi Trung Quốc phát hiện nhiều ca bệnh ở 18 khu vực cấp tỉnh trên cả nước và đã tiến hành phong tỏa một số thành phố. 
Mỹ và Trung Quốc đều lo ngại
TS. Anthony Fauci của Mỹ cho rằng, có rất ít khả năng Mỹ sẽ phong tỏa trở lại bất chấp dự đoán số ca bệnh sẽ còn tăng mạnh. Tuy nhiên, việc các ca bệnh tăng cao đã có tác động đến các hoạt động kinh tế. Một số sự kiện lớn như New York International Auto Show đã bị hủy bỏ.
Các công ty như Alphabet, Amazon và Blackrock trì hoãn các kế hoạch đưa nhân viên quay lại làm việc trong văn phòng. Việc hủy và hoãn này dự kiến tác động xấu đến hoạt động kinh tế, đặc biệt là bán lẻ và tiêu dùng. Bởi số ca bệnh tăng mạnh ngay mùa nghỉ lễ cũng đặt ra câu hỏi về khả năng khôi phục trở lại của hoạt động du lịch, hàng không và nhà hàng, khách sạn. Nếu tiến trình này kéo dài, dự báo kinh tế Mỹ nửa cuối 2021 sẽ bị điều chỉnh lại.
Mỹ và Trung Quốc bùng phát đại dịch: Đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh 1 Biểu đồ tốc độ khôi phục sản xuất ở Trung Quốc đã chững lại. Nguồn: Caixin Global
Về phía Trung Quốc, việc phong tỏa các thành phố sẽ góp phần làm tình trạng trì trệ kinh tế mấy tháng qua thêm nghiêm trọng. Thực ra từ trước đợt bùng phát dịch lần này, việc khôi phục hoạt động sản xuất so với trước dịch ở Trung Quốc cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Chỉ số Caixin PMI vào tháng 7 ở mức chỉ 50,3, số PMI chính thức 50,4, tức triển vọng sản xuất được dự kiến mở rộng ở mức không đáng kể so với tháng trước (trên mức 50 thể hiện sự mở rộng kinh tế, dưới mức 50 là thu hẹp). Đây là chỉ số thấp nhất trong vòng 15 tháng qua, thể hiện xu thế mở rộng sản xuất trở lại từ sau dịch bệnh đã chững lại.
Người ta kỳ vọng những hoạt động chi tiêu và giải trí vào mùa hè này sẽ bù đắp vào sự trì trệ của sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi các ca bệnh bùng phát ở Nam Kinh và các thành phố khác, sự lạc quan này đã giảm. Điều xấu nhất có thể vẫn còn ở phía trước đối với Trung Quốc. Cho đến nay, các hoạt động sản xuất của nước này vẫn chưa bị ảnh hưởng đáng kể vì chưa có ca bệnh diễn ra ở các cơ sở sản xuất lớn. Song nếu điều này diễn ra, trên diện rộng tình hình sản xuất của Trung Quốc - vốn đã chậm từ trước khi dịch bệnh bùng phát - sẽ còn tiếp tục giảm sút. 
Các kịch bản kinh tế 
Với tư cách là một trong những trung tâm sản xuất của thế giới, nếu Trung Quốc tiếp tục gặp khó khăn với sản xuất, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục phức tạp, kéo theo chi phí sản xuất nhiều ngành sẽ bị đội lên. Trong bối cảnh đó, có 2 kịch bản có thể diễn ra. 
Kịch bản 1, lạm phát sẽ tiếp tục được đẩy ra xa dự báo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tình trạng thiếu lao động dẫn đến một số ngành kinh doanh ở Mỹ đang phải tăng lương để thu hút lao động, từ tiệm thức ăn nhanh, nhà hàng, cho đến ngân hàng thương mại. Và nếu chi phí sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng còn bị đẩy lên nữa bởi công ty có thể đẩy chi phí này vào giá bán, lại thêm một vòng tăng giá nữa trong nền kinh tế. 
Lạm phát được đẩy lên càng cao, sức ép lên việc Fed phải sớm “khóa van” bơm tiền trong nền kinh tế càng lớn. Một cú khóa van lúc này có thể tạo ra những “tai nạn” trên thị trường tài chính Mỹ - nơi giá cổ phiếu đang ở mức định giá quá cao và chưa sẵn sàng cho kịch bản khóa van bơm tiền qua thị trường trái phiếu trong năm nay. Nhưng dù sao, đây cũng là kịch bản ít xấu hơn, vì tăng trưởng kinh tế vẫn diễn ra, phía bị tác động có chăng là diễn biến ngắn hạn trên thị trường tài chính.
Kịch bản 2 xấu hơn là tình trạng đứt gãy sản xuất dẫn đến chi phí tăng sẽ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, do không thể đẩy hoàn toàn chi phí tăng thêm cho khách hàng. Vì thế, lợi nhuận doanh nghiệp giảm, dẫn đến doanh nghiệp trì hoãn các hoạt động đầu tư ra nền kinh tế thực, kéo theo sự sụt giảm trong tăng trưởng của đầu tàu kinh tế Mỹ so với dự đoán. 
Trong bối cảnh các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến chống dịch bằng phong tỏa kinh tế, thế giới đang rất cần tăng trưởng từ Mỹ và EU để kéo lại nền kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự đoán, tác động lan tỏa tiêu cực sẽ kéo ra kinh tế toàn cầu, đặc biệt tác động đến các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, vốn đang hồi phục nhờ các đơn hàng mới của Mỹ và EU. 
Mối lo ngại khác
Tình huống hiện tại của Mỹ và Trung Quốc đặt ra mối lo ngại khác. Đó là tiêm vaccine rồi cũng không đảm bảo có thể mở cửa nền kinh tế một cách suôn sẻ. Khi 70% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và tỷ lệ tiêm vaccine ở Trung Quốc khoảng 60% mà còn như vậy, tiến trình mở cửa lại kinh tế của một số nước đang phát triển có tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn sẽ vô cùng gập ghềnh. Điều này sẽ càng khó khăn hơn nếu xuất hiện chủng virus mới. Hiện tại chủng virus mới Delta plus đã xuất hiện ở Hàn Quốc và các dự báo cho rằng những chủng virus mới sẽ xuất hiện ở châu Á, Mỹ và Mỹ Latin chỉ là vấn đề thời gian. 
Nhìn ở khía cạnh lạc quan, những nền kinh tế như Mỹ và châu Âu đã có kinh nghiệm vận hành với lượng người nhiễm bệnh và tử vong cao hơn nhiều lần, họ đã có kinh nghiệm hoạt động trong trạng thái làm việc ở nhà nhiều tháng liền, sẽ vẫn có thể vận hành ở trạng thái bình thường mới và tìm ra con đường tiếp tục hồi phục kinh tế của mình. 
Tuy nhiên, ở những nước tập trung vào giải pháp chống dịch theo phương án phong tỏa kiểu phải diệt sạch ca bệnh (zero-tolerance) như Trung Quốc, phong tỏa mọi thứ khi chỉ có vài ca, thực hiện xét nghiệm nhanh bắt buộc cho hàng triệu người (tạo ra chi phí xã hội và sự bất tiện vô cùng lớn với nhiều phản ứng trái chiều hiện nay ở Trung Quốc), cũng như đặt trạm, chốt ngăn các đường giao thông đến một số khu vực có rủi ro cao, đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Và cái giá phải trả về mặt kinh tế của phương pháp này rất lớn.
Vấn đề là làm sao để lãnh đạo của những nước như Trung Quốc chấp nhận thay đổi quan điểm, rằng họ có thể sẽ phải xem xét lại cách chống dịch của mình - vốn là niềm tự hào của họ trong suốt hơn một năm qua. 

Các tin khác