Ngành chế tạo Mỹ suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016

(ĐTTCO)-Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng 8 đã giảm từ 51,2 điểm hồi tháng 7 xuống 49,1 điểm.
Công nhân làm việc ở một xưởng lắp ráp ôtô của Mỹ. (Nguồn: ksat.com)
Công nhân làm việc ở một xưởng lắp ráp ôtô của Mỹ. (Nguồn: ksat.com)

Hoạt động của ngành chế tạo Mỹ trong tháng 8 đã suy giảm lần đầu tiên trong 3 năm qua với số đơn đặt hàng và thuê mướn nhân công giảm do căng thẳng thương mại đang làm suy mòn lòng tin kinh doanh.

Viện Quản lý nguồn cung (ISM) cho biết chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng 8 đã giảm từ 51,2 điểm hồi tháng 7 xuống 49,1 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016 và là tháng thứ 5 liên tiếp có chỉ số này giảm.

Trước đó, các nhà kinh tế đã dự báo chỉ số này trong tháng 8 sẽ giảm xuống 51 điểm.

ISM cho biết lòng tin của giới kinh doanh có sự suy giảm đáng kể và thương mại vẫn là vấn đề quan trọng nhất, được thể hiện qua số đơn mới đặt hàng chế tạo phục vụ xuất khẩu giảm mạnh.

Ông Timothy Fiore phụ trách cuộc khảo sát ngành chế tạo của ISM cho biết khó có thể dự báo khi nào mức suy giảm hiện nay có thể đảo ngược lại.

Mặc dù chỉ số hoạt động của ngành chế tạo suy giảm thường không phải là "dấu hiệu" báo trước suy thoái kinh tế quy mô rộng hơn, song số liệu mới nhất của ISM rõ ràng sẽ làm tăng lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ.

Trước đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố báo cáo cho biết ngành chế tạo Mỹ hiện đang rơi vào suy thoái sau 2 quý tăng trưởng liên tiếp.

Giới phân tích nhận định, hoạt động của ngành chế tạo Mỹ trong tháng 8 thấp hơn dự báo này sẽ làm gia tăng áp lực đối với FED trong việc giảm lãi suất vào cuối tháng này như mong đợi của thị trường.

Ngành chế tạo Mỹ hiện là ngành hoạt động yếu nhất trong nền kinh tế số 1 thế giới do chịu tác động liên tục từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nguyên nhân làm tăng giá và làm giảm nhu cầu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm.

Các tin khác