Người TQ run rẩy nhìn nước lũ vây khốn, nhà "bị nhổ tận gốc", chỉ còn ước nguyện giữ mạng

(ĐTTCO) - Chỉ mất năm giây, ngôi nhà năm tầng của gia đình anh Hoàng Lai Viên bắt đầu nghiêng và chìm cho đến khi nó bị nước lũ nuốt chửng và biến mất trong tầm nhìn.
Người TQ run rẩy nhìn nước lũ vây khốn, nhà "bị nhổ tận gốc", chỉ còn ước nguyện giữ mạng

Căn nhà có mái màu xanh, tường trắng, được tu sửa vào năm 2015. Chủ sở hữu của nó phải vất vả ngược xuôi trong nhiều năm, vừa tiết kiệm vừa vay mượn mới có đủ số tiền hơn 1 triệu Nhân dân tệ để xây sửa.

Đứng trên bờ, vừa tháo chạy khỏi dòng nước lũ, Hoàng Lai Viên chỉ có thể trơ trơ nhìn ngôi nhà của mình sụp đổ, bốn bề là sóng nước cao 3-4m

Người TQ run rẩy nhìn nước lũ vây khốn, nhà bị nhổ tận gốc, chỉ còn tâm niệm giữ mạng - Ảnh 1.

Theo The Paper (Trung Quốc), vào ngày 8/7, tại thị trấn Du Đôn, huyện Bà Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, mưa lớn kéo dài 3 ngày liên tiếp khiến mực nước Tây Hà chảy qua thị trấn dâng cao dẫn đến vỡ đê. Chỉ trong vài giờ, nước lũ đã tràn vào làng, phá hủy các ngôi nhà và đường giao thông.

Ký ức về trận lụt của làng vẫn còn y nguyên như 22 năm trước. Vào thời điểm đó, dân làng đã trú ẩn trên tầng hai, tầng ba nhà họ trong hơn ba tháng.

Lần này, lũ đến nhanh hơn nữa. Tính đến 11h00 ngày 12/7, mực nước bốn trạm thủy văn ở Giang Tây đã liên tục phá vỡ số đo lịch sử của năm 1998, và vẫn không ngừng dâng cao.

Sau 22 năm, hàng chục ngàn người sống ở thị trấn Du Đôn lại tiếp tục vật lộn trong dòng nước lũ.

Vỡ đê, mất nhà

Vào khoảng 10h sáng ngày 8/7, nhiều dân làng ở làng Địch Khê phát hiện dòng nước màu vàng xối xả phun trào từ miệng cống của con đê địa phương. Vào thời điểm này, tại làng Võ Công, cách làng Địch Khê 1km, một số dân làng cũng nhìn thấy một "đài phun nước" nổi lên từ giữa cánh đồng.

Trong khi đó, đến khoảng 11-12h cùng ngày, con đê ở vịnh Bành Gia trong thị trấn bất ngờ bị vỡ, nước sông không ngừng nâng cao. Người dân làng Nguyên Công gần đó cầm ô, đứng trên khu vực đất cao nhìn nước lũ nuốt chửng đất nông nghiệp của họ, dần dần, họ chỉ còn thấy những nhánh cây nổi trên mặt nước.

Lúc này, mọi người bắt đầu chạy lũ ở trong làng. Ngô Sự Tốn, 48 tuổi sau khi chứng kiến đê vỡ, vội vã chạy về nhà thì phát hiện vợ và mẹ đang mắc kẹt trên tầng hai. Một người cán bộ thôn đứng một bên, hét lớn "Nhanh xuống đi". Vợ anh Ngô kể lại, lúc đó họ không còn nghĩ đến việc đi giày mà chỉ tâm niệm "Phải sống, phải chạy thoát".

Lúc đó, Ngô Sự Tốn tìm một chiếc thang đặt giữa cầu thang và cửa sổ để vợ và mẹ anh trèo ra ngoài, sau đó đưa họ từ vùng nước nông tới khoảng đất trống. Lúc này, nước lũ đã cao ngang đùi anh.

Người TQ run rẩy nhìn nước lũ vây khốn, nhà bị nhổ tận gốc, chỉ còn tâm niệm giữ mạng - Ảnh 2.

Nhiều ngôi nhà ở làng Địch Khê bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: The Paper

Nhà của Ngô nằm cách khúc đê vỡ khoảng 30m. Bởi vì mặt mặt đê và đất nông nghiệp tạo thành thế cao thấp nên dòng nước lũ từ sông tràn vào như thác chảy, và khi dòng chảy tiếp tục dâng cao, mặt đê xuất hiện những vết nứt và chìm xuống, nhìn từ xa, giống như một bến tàu.

Khoảng 40 phút sau, một ngôi nhà đối diện nhà của Ngô bị đổ, tiếp theo là ngôi nhà của anh.

"Bị nhổ tận gốc luôn", ngôi nhà sụp đổ như thể sét đánh và bị dòng nước đẩy đi khoảng 30m trước khi chìm hoàn toàn, không thấy dấu tích. Vợ của Ngô thẫn thờ nhìn toàn bộ tài sản bị nước lũ cuốn trôi, khóc không thành tiếng.

Ngôi nhà được xây dựng vào năm 2014 này gần như là tất cả tài sản của họ. Theo ước tính sơ bộ, họ bị thiệt hại khoảng 500.000 Nhân dân tệ. Vốn vui vẻ nhiệt tình, giờ anh chỉ có thể cúi đầu nghẹn ngào, nhất thời không nói nên lời.

"Có thể, tôi lại phải đi nơi khác làm công rồi. Nhưng sắp 50 tuổi rồi, đời này tôi còn có thể làm gì đây?", anh thở dài.

Những người bên dòng nước lũ

Ở làng Địch Khê, Hoàng Lai Viên, 50 tuổi, cũng lo lắng về sinh kế của mình.

Ngôi nhà 5 tầng của anh, có đến hai tầng là tầng hầm, dùng để chứa thiết bị và máy móc. Ngôi nhà cũng được thiết kế đặc biệt cho thang nâng. Số tiền vay để xây nhà đến nay anh vẫn đang nợ khoảng 200.000 Nhân dân tệ.

Vào buổi sáng của trận lụt, anh đang giúp dân làng di chuyển máy móc, xe cộ chống lụt. Sau đó, anh đi mua đồ, tích trữ thực phẩm. Ngay sau khi anh ra ngoài thì phát hiện nước sông dâng tràn bờ đê, đổ ập vào làng.

Hoàng Lai Viên liền trở về nhà, bắt đầu di chuyển linh kiện ô tô ở dưới tầng hầm. "Nếu linh kiện bị ngập nước thì sẽ trở thành đồ cũ, tôi không thể bán đồ cũ cho khách hàng", anh nói.

Đến khoảng 15-16h chiều, anh bất ngờ phát hiện một cái hố trên mặt đất, có kích thước bằng một chậu rửa mặt. Nước từ hố không ngừng phun và miệng hố càng ngày càng lớn.

Hoàng Lai Viên ngay lập tức chạy ra thông báo với hàng xóm ở đối diện là Hoàng Tử Ích. Ý nghĩ đầu tiên thoáng xuất hiện trong đầu Hoàng Tử Ích là "chặn hố nước bằng xe tải".

"Nhanh lên, nhà sắp sập rồi", Hoàng Lai Nguyên lo lắng gọi vợ con ở tầng trên. Người vợ không hề nhận ra tiếng ồn ào bên ngoài là tiếng nước, cho đến khi nghe thấy tiếng gọi của chồng, cô vội vã ôm lấy một cái túi và chạy ra ngoài. Bên trong chiếc túi là giấy chứng minh thư của cô.

Người TQ run rẩy nhìn nước lũ vây khốn, nhà bị nhổ tận gốc, chỉ còn tâm niệm giữ mạng - Ảnh 3.

Gia đình Hoàng Tử Ích thẫn thờ nhìn dòng nước vô tình nhấn chìm tài sản. Ảnh: The Paper

Không lâu sau khi họ chạy ra ngoài, họ nhận ra, khung vòm rộng 180m ở trước cửa nhà đã bị sập, đè xuống phía dưới là máy móc và xe cộ được dân làng gửi sửa.

Các khối xi măng sụp đổ từng chút một. Trong dòng nước lũ hỗn loạn, những chiếc xe bị cuốn đi như một món đồ chơi. Chứng kiến cảnh tượng, vợ của Hoàng Lai Nguyên không ngừng run rẩy, lạnh toát chân tay.

Trong khi đó, Hoàng Tử Ích cũng đã mất đi căn nhà ba tầng của mình. Nhà của anh tuy không bị cuốn trôi nhưng đã bị nghiêng 45 độ, chỉ để lộ một góc. Mỗi khi có trận gió thổi qua, tấm rèm cửa vẫn nhẹ bay trong gió.

Theo quan chức địa phương, hơn 50.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lần này. Trong đó, 72 hộ gia đình có nhà bị sập nghiêm trọng, 11 hộ gia đình có nhà bị nước cuốn trôi và 15.000 mẫu đất canh tác bị ngập lụt.

Vào lúc 13h00 ngày 9/7, Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt và hạn hán của huyện Bà Dương đã nâng mức ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ từ cấp II lên cấp I.

Các tin khác