Nguy cơ vỡ nợ bất động sản ở Anh

(ĐTTCO) - Một người quen của tôi làm môi giới bảo hiểm rủi ro vỡ nợ tiền thuê nhà ở Anh mấy hôm nay hết sức bận rộn. Lúc này nền kinh tế Anh đã thực thi chính sách hạn chế tiếp xúc xã hội, khuyến nghị người già ở nhà, tránh các sự kiện xã hội và đóng cửa trường học.
Giải bóng đá ngoại hạng Anh, nhiều giải thể thao khác và các sự kiện tụ tập đông người bị hủy. Bạn tôi nói, nhiều người sẽ thất nghiệp, nhất là những người làm việc thời vụ trong các sự kiện đó. Nhiều người dân Anh và châu Âu đang sống ở Vương quốc Anh có thói quen chi tiêu “từ giữa tháng bắt đầu cà thẻ, đến cuối tháng lãnh lương trả lãi”. Vì vậy, nhiều người không có được vài ngàn Bảng Anh tiền mặt trong tài khoản, trong khi giá thuê một phòng trọ ở Anh cũng mấy trăm Bảng/tháng ở những thành phố đắt đỏ như London. 
Tình trạng đó khiến nhiều chủ mua nhà cho thuê đổ đi mua bảo hiểm rủi ro vỡ nợ tiền thuê. Số hợp đồng anh bạn tôi phải xử lý nhiều gấp 3-4 lần so với bình thường. Công ty của anh đang cân nhắc có tiếp tục cung cấp các hợp đồng bảo hiểm này. Có những công ty quản lý cho thuê nhà đang muốn làm mấy trăm hợp đồng bảo hiểm vỡ nợ tiền thuê nhà giúp khách hàng là chủ nhà. Trong lúc người ta mất việc, bạn tôi đang chờ đợi một khoản hoa hồng lớn.
Nguy cơ vỡ nợ bất động sản ở Anh ảnh 1 Anh vừa trải qua đợt sụt giảm giá bất động sản mạnh ở London. 
Tối 20-3, chính phủ Anh tuyên bố đóng cửa tất cả cửa hàng cà phê, quán ăn, nhà hàng, ngoại trừ dịch vụ làm đồ ăn mang đi và giao thức ăn. Đây là cú đấm “nốc ao” vào lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và giải trí. Nhưng quan trọng hơn, nó nốc ao toàn bộ nhân viên đi làm trong lĩnh vực này cũng như chủ nhà hàng. Một chủ nhà hàng nhắn tôi “mấy chục nhân viên rồi cũng phải ở nhà”. Cách đây vài tuần, anh này phải cân nhắc mãi bài toán đóng cửa hay tiếp tục mở cửa, một phần do công chuyện làm ăn của mình, nhưng phần khác anh lo cho số nhân viên đó không có tiền sống. “Có người phải nuôi cả gia đình 6 người. Họ sẽ ra sao?” - anh nói.
Người thuê nhà lo nhưng chủ nhà còn lo hơn. Chủ nhà lo người thuê không trả được tiền thuê. Bởi nhiều người vay nợ ngân hàng đến 75% để mua nhà cho thuê. Mất khoản thu nhập này chỉ có thể rao bán nhà vì không thể gánh nổi lãi vay. Giá nhà vì vậy, nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Một bạn tôi vừa bắt đáy một căn nhà hơn triệu Bảng ở London để cho thuê, buồn rầu cho biết tưởng bắt đáy nhà sau Brexit là thành công, bạn giờ đang kẹt tiền trong căn nhà hơn triệu Bảng Anh. Bạn tôi đang rất sợ 3 người thuê nhà sẽ không trả được tiền nhà. Bạn tôi đi làm thu nhập cũng khá nên có lẽ còn chống chịu được, nhưng coi như không còn tiền tiết kiệm gì năm nay nữa. 
Nhưng đó chỉ là nhà đầu tư nhỏ như bạn tôi. Những nhà đầu tư lớn mới đáng lo. Tờ Financial Times đăng tin tính đến thứ Tư tuần trước, đã có 6 quỹ đầu tư bất động sản niêm yết ở Anh dừng giao dịch. Gần 13 tỷ Bảng Anh của nhà đầu tư đang bị kẹt cứng trong các quỹ này không thể rút ra. Trong đó có những quỹ bất động sản thuộc gia đình quỹ rất lớn như Standard Life Aberdeen. Các quỹ bất động sản này đầu tư vào các bất động sản như quán ăn, quán rượu, nhà hàng và cửa hàng, những thứ đang thoi thóp thở trong mấy tuần này. Từ sau tối thứ Sáu 20-3, tất cả chính thức đông cứng sau lệnh đóng cửa trên diện rộng của chính phủ Anh. Có thể dự đoán, số quỹ bất động sản dừng giao dịch ở Anh sẽ còn tăng nhanh nữa. Và có thể số bất động sản thương mại sẽ vỡ nợ nhanh hơn nợ vay mua nhà ở, vì nhiều công ty quản lý bất động sản thương mại đang gánh núi nợ rất cao, trong khi các thương xá và cửa tiệm họ quản lý đã đóng cửa.
Tiên đoán trước tình hình khó khăn, gần như cùng lúc với việc công bố các biện pháp đóng cửa nhà hàng, tiệm ăn, chính phủ Anh cũng hứa sẽ hỗ trợ những người không thể đi làm tạm thời vì các biện pháp chống dịch của chính phủ, có thể trả đến tối đa 80% lương cho họ trong thời gian đó. Chính phủ cũng hứa giãn thuế VAT cho doanh nghiệp tới tháng 6 và cho một số doanh nghiệp nhỏ vay không lấy lãi.
Tuy nhiên, ngay sau tin này được công bố, bạn tôi gửi bản báo cáo nhanh của một ngân hàng đầu tư ở London cho tôi. Theo đó người bạn kinh tế gia đã cảnh báo các biện pháp này không tuyệt vời như ngôn từ bóng bẩy của nó. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, tiệm cà phê không khai báo đúng số thuế vì có doanh thu tiền mặt. Mặt khác, họ có rất nhiều nhân viên thời vụ được trả tiền mặt không có hợp đồng lao động để làm cơ sở chứng minh mức lương và bảo hiểm xã hội đã nộp. Không thể ước tính được nền kinh tế không chính thức này, nhưng nó chắc chắn là phần lớn trong hoạt động kinh doanh ẩm thực ở Anh.
Nói cách khác, gói chi tiêu của chính phủ nhiều khả năng sẽ bỏ qua một lượng lớn người bị thất nghiệp tạm thời. Nhiều doanh nghiệp cũng có thể sẽ mượn cớ này để trì hoãn trả nợ, thậm chí tuyên bố vỡ nợ và phá sản luôn. Chuyện này với ngành dịch vụ ăn uống là bình thường. Sẽ có nhiều căn nhà hàng trống sau khi dịch bệnh đi qua. 
Tóm lại, rủi ro vỡ nợ bất động sản ở Anh vẫn đang ở phía trước. Không ai biết được quy mô của nó, vì Anh vừa trải qua đợt sụt giảm giá bất động sản mạnh ở London. Liệu điều đó có khiến đợt sụt giảm này bớt đau đớn hơn. Tôi nghi ngờ điều đó. Và liệu điều này có đưa ra cảnh báo nào cho Việt Nam, nơi cũng đang có những biện pháp đóng cửa nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí như ở Anh? Chính phủ cũng đã có tính toán đến những gói tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng ở thời điểm này, có lẽ cần làm nhiều hơn thế.
Trong quản lý ngân sách, có nhiều lúc nên thận trọng. Nhưng đây không phải là lúc cần thận trọng. Nếu không nuôi dưỡng nguồn lực, khi dịch bệnh đi qua, có thể nguồn lực để kinh tế bật dậy cũng đã cạn kiệt. Đây là lúc phản ứng sớm, đôi khi hơi quá mức, nhưng vẫn tốt hơn là để quá muộn.
London, ngày 21-3-2020

Các tin khác