Nhân sự đặc biệt ở Bộ Quốc phòng Mỹ

(ĐTTCO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump lại gây sửng sốt hôm 9-11 khi loan báo bổ nhiệm quyền bộ trưởng quốc phòng và sẵn tiện thông báo... chia tay Bộ trưởng Mark Esper.

Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Christopher Miller - Ảnh: Reuters
Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Christopher Miller - Ảnh: Reuters

"Tôi vui mừng thông báo rằng Christopher C.Miller, giám đốc rất được kính trọng của Trung tâm Chống khủng bố quốc gia (đã được Thượng viện nhất trí xác nhận), sẽ là quyền bộ trưởng quốc phòng, có hiệu lực ngay lập tức...

Chris sẽ làm một công việc TUYỆT VỜI! Mark Esper thì đã chấm dứt rồi. Tôi muốn cảm ơn ông ấy vì sự phục vụ của ông ấy" - ông Trump thông báo ngắn gọn qua Twitter.

Thật ra, chuyện ông Esper bị cách chức không gây ngạc nhiên. Tuần rồi đã có tin ông bộ trưởng đã có thư từ chức sẵn. Cả thế giới đều rõ chuyện hục hặc giữa hai ông, từ sau vụ ông Esper từ chối yêu cầu của Tổng thống Trump trong mùa hè năm nay phái vệ binh quốc gia tới can thiệp ở Washington lúc đó đang trong loạn lạc.

Càng không gây ngạc nhiên khi đây không phải là vụ bãi nhiệm đầu tiên ở Lầu Năm Góc hay trong nội các của ông Trump hoặc ở Nhà Trắng. Riêng ở Bộ Quốc phòng, đây đã là vụ cách chức thứ hai dưới trào ông Trump, trước đó là ông Jim Mattis và nay là ông Mark Esper.

Gây ngạc nhiên chút ít do lẽ ở Washington, người ta vẫn đang nghĩ rằng nếu có thay sẽ là phụ tá bộ trưởng David Norquist, tạm quyền cho tới khi ông Trump hết nhiệm kỳ tổng thống.

Ngạc nhiên là khi đọc mấy chữ "...sẽ là quyền bộ trưởng quốc phòng, có hiệu lực ngay lập tức". Điều gì đe dọa an ninh quốc phòng Mỹ khẩn cấp đến mức phải giải nhiệm ông Esper và bổ nhiệm ngay lập tức ông Miller?

Câu hỏi khiến mọi người "vò đầu bứt trán" là sao lại bổ nhiệm sếp chống khủng bố lên làm bộ trưởng quốc phòng khi mà giai đoạn chuyển tiếp vẫn được xem là dễ bị đe dọa nhất bởi các thế lực quân sự thù địch từ trên biển đến trên không?

Không ai nói ra, song việc hải quân Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Ấn... hội quân ở Thái Bình Dương, từ eo biển Đài Loan cho tới Biển Đông, từ trước bầu cử Mỹ cũng đủ cho thấy đe dọa là dường nào...

Mặt khác, thường thì dụng nhân phải căn cứ trên tính hiệu dụng: quá trình công tác không những cần tương thích với nhiệm sở mới mà còn phải cầm chắc tính hiệu quả. Hai người tiền nhiệm ông Miller, các ông Mattis và Esper, "sát" yêu cầu hơn.

Tướng Mattis từng chỉ huy bộ tư lệnh trung tâm (CENTCOM), còn bộ trưởng Esper đã từng là bộ trưởng lục quân...Tức cả hai đã từng kinh qua những vị trí có tầm bao quát "Đông, Tây, Nam, Bắc" và liên quân hơn chức giám đốc trung tâm chống khủng bố của ông Miller.

Thật ra, ông Miller đã từng là một lính chiến đấu xuất sắc thuộc Lực lượng đặc biệt Mỹ ở Afghanistan và Iraq, sau đó leo lên chỉ huy lực lượng tinh nhuệ này ở Iraq trong hai năm 2006-2007.

Đến 2018, ông Miller mới tham gia chính quyền Trump, leo lên chức phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng đặc trách các chiến dịch hành quân đặc biệt và chống khủng bố.

Rõ ràng sở trường của ông Miller là tác chiến và tổ chức tác chiến đặc biệt. Có phải ông tổng thống cần đến sở trường đặc biệt này của ông Miller trong hơn 70 ngày còn lại này ở Washington?

Liệu đây là một nhu cầu đột xuất? Không có gì là đột xuất cả khi, theo ông Trump, việc bổ nhiệm này "đã được Thượng viện thông qua". Tức đây là một kế hoạch có sẵn, chuẩn bị cho một khủng hoảng bạo lực chưa rõ từ đâu, cần đến sở trường của ông Miller. Đúng người, đúng việc!

Các tin khác