Nhiều chính sách mới của ông Biden được mong đợi

(ĐTTCO) - Tân Tổng thống Mỹ dự kiến công bố hàng chục sắc lệnh trong 10 ngày đầu nắm quyền nhằm giải quyết "4 cuộc khủng hoảng" mà Mỹ đang đối mặt

Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris vào trưa 20-1 (giờ địa phương) sẽ tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ rất khác với mọi năm vì rủi ro Covid-19 và bạo loạn. Kể từ khi xảy ra vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội hôm 6-1, giới chức an ninh Mỹ đã lên kế hoạch ngăn chặn mọi rủi ro an ninh đối với ông Biden và những người ủng hộ ông. Trước thềm buổi lễ, phần lớn hoạt động giao thông đã bị cấm ở khu vực trung tâm thủ đô Washington. Nhà Trắng, tòa nhà Quốc hội cùng những tòa nhà chính phủ khác đều được dựng rào chắn trong lúc hơn 25.000 thành viên Vệ binh Quốc gia được triển khai bảo vệ an ninh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nghiêm trọng, quy mô buổi lễ nhậm chức bị cắt giảm đáng kể. Phần lớn sự kiện được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và tất cả người tham dự phải tuân thủ nghiêm các quy tắc chống dịch, như đeo khẩu trang. Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của buổi lễ năm nay là sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump, người suốt 2 tháng qua cáo buộc ông Biden đắc cử nhờ gian lận. Lên kế hoạch rời Nhà Trắng vào sáng 20-1, ông Trump sẽ trở thành tổng thống sắp mãn nhiệm thứ tư trong lịch sử Mỹ không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Lần gần đây nhất xảy ra điều này là vào năm 1869.

Nhiều chính sách mới của ông Biden được mong đợi - Ảnh 1.
An ninh được siết chặt quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ trước thềm lễ nhậm chức của ông Joe Biden trong ngày 20-1Ảnh: Reuters

Một ngày trước khi tuyên thệ nhậm chức, theo báo The New York Times, ông Biden và bà Harris hôm 19-1 đến hồ phản chiếu Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington để dự lễ tưởng niệm hơn 400.000 công dân Mỹ thiệt mạng vì dịch Covid-19, một trong những vấn đề ưu tiên của ông ngay sau khi thành tổng thống thứ 46 của Mỹ. Theo đài CNBC, ông Biden dự định công bố hàng chục sắc lệnh trong 10 ngày đầu nắm quyền nhằm giải quyết "4 cuộc khủng hoảng" mà Mỹ đang đối mặt, gồm dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, bất bình đẳng sắc tộc và biến đổi khí hậu. Cụ thể, sau khi đưa Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tân tổng thống dự kiến công bố những bước đi mới nhằm mở rộng xét nghiệm Covid-19, bảo vệ người lao động và đề ra các tiêu chuẩn mới về sức khỏe cộng đồng trong ngày 21-1, một ngày trước khi ông chỉ thị các cơ quan hành động tức thì để khôi phục kinh tế.

Chưa hết, theo AP, ông Biden sẽ trình dự luật nhập cư được mong đợi, đề ra lộ trình 8 năm để khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ trở thành công dân Mỹ. Đây là bước đi để ông Biden hiện thực hóa cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử đối với cử tri Latin, cũng như những cộng đồng nhập cư khác sau 4 năm Tổng thống Trump siết chặt chính sách nhập cư và trục xuất hàng loạt người di cư trái phép.

Về mặt dài hạn, Tổng thống đắc cử Biden sẽ triển khai hàng loạt động thái nhằm thực hiện cam kết trong 100 ngày đầu tiên, như ưu tiên hàng hóa Mỹ, bảo đảm tiêm chủng 100 triệu liều vắc-xin Covid-19, công bố lộ trình để chấm dứt vô gia cư và lập ủy ban nghiên cứu mở rộng Tòa án Tối cao… Để hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra nói trên, ông Biden trước hết cần thuyết phục quốc hội thông qua kế hoạch tham vọng trị giá 1.900 tỉ USD với mục tiêu kép là giúp chống dịch Covid-19 và vực dậy kinh tế. Theo Reuters, kế hoạch này gồm 415 tỉ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch Covid-19 và triển khai vắc-xin, 1.000 tỉ USD hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, khoảng 440 tỉ USD dành cho các doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. 

Ngăn "mối đe dọa từ bên trong"

Lầu Năm Góc đã cho phép triển khai 750 binh sĩ hỗ trợ các các biện pháp an ninh được tăng cường trước thềm buổi lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Theo trang Politico, lực lượng nói trên gồm những binh sĩ được huấn luyện để đối phó các vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân, phóng xạ và chất nổ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho phép binh sĩ hỗ trợ việc xét nghiệm Covid-19 những người tham dự buổi lễ. Con số trên nâng tổng số binh sĩ được huy động để hỗ trợ buổi lễ lên đến 2.750 người.

Ngoài ra, hơn 25.000 thành viên Vệ binh Quốc gia đang được triển khai để giúp bảo vệ an ninh cho buổi lễ sau khi xảy ra vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội hôm 6-1. Đáng chú ý, nhiều người trong số này được trang bị công cụ chống bạo động và cả vũ khí sát thương giữa lúc có nỗi lo về khả năng bị tấn công từ bên trong hoặc các đe dọa khác từ chính lực lượng này. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller hôm 18-1 xác nhận Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang hỗ trợ quân đội rà soát toàn bộ số thành viên Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn nguy cơ trên. Dù vậy, ông Miller khẳng định không có thông tin tình báo nào cho thấy có "mối đe dọa từ bên trong" đối với lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Trước đó, theo báo The Washington Post, một báo cáo của FBI cảnh báo các cơ quan thực thi pháp luật rằng các phần tử cực đoan cực hữu đã bàn chuyện đóng giả làm thành viên Vệ binh Quốc gia tại Washington. Tuy nhiên, FBI cho biết không phát hiện âm mưu cụ thể nào nhằm tấn công các sự kiện liên quan đến buổi lễ.

Các tin khác