Những quốc gia kẹt trong sáng kiến 'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc

(ĐTTCO) - Các nhà quan sát nhận định một số quốc gia đang kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến sáng kiến "Vành đai, Con đường".
Nuclearelectrica vốn đã sở hữu 2 lò phản ứng hạt nhân. Ảnh: globalpowerjournal
Nuclearelectrica vốn đã sở hữu 2 lò phản ứng hạt nhân. Ảnh: globalpowerjournal

Khi các cổ đông của công ty năng lượng hạt nhân Nuclearelectrica gặp ở Bucharest (Romania) vào giữa tháng 6, họ dự kiến ra quyết định kết thúc nhiều năm đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc.

Chính phủ Romania đã đề nghị Nuclearelectrica, đơn vị có 80% vốn nhà nước, loại bỏ đàm phán với đối tác Trung Quốc về xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân.

Nuclearelectrica có hai lò phản ứng hạt nhân. Nhưng dựa trên biên bản ghi nhớ ký năm 2015, Nuclearelectrica và công ty CGN của Trung Quốc thống nhất xây dựng thêm hai lò phản ứng hạt nhân. Theo đó, CGN sẽ sở hữu tối thiểu 51% dự án. Điều này nằm trong chương trình có tên “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán của Nuclearelectrica bắt đầu từ tháng 11/2013 khi ông Lý Khắc Cường là thủ tướng Trung Quốc đầu tiên đến thăm Romania trong gần hai thập niên. Trong chuyến thăm này, đã có nhiều thỏa thuận song phương được ký kết, trong đó có biên bản ghi nhớ của Nuclearelectrica.

Nhưng triển vọng của những dự án này khá mờ mịt kể từ khi Tổng thống Romania và người đồng cấp Mỹ ký tuyên bố chung trong năm 2019, kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia về năng lượng hạt nhân. Trong tháng 1, Thủ tướng Romania Ludovic Orban còn cảnh báo rằng chính phủ nước này có thể rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc.

Đến đầu tháng 6, chính phủ Romania nói rằng Nuclearelectrica cần tìm đối tác khác cho dự án này.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 26/5, Israel, một đồng minh khác của Mỹ, quyết định trao dự án nhà máy khử mặn 1,5 tỷ USD cho công ty IDE Technologies của nước thay vì doanh nghiệp CK Hutchison tại Hong Kong (Trung Quốc). Trước đó một tuần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Israel và nói rằng Washington không muốn Bắc Kinh tiếp cận cơ sở hạ tầng và hệ thống viễn thông của Israel.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Tel Aviv vào đầu tháng 6. Ảnh: DPA

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn nhận định của một số nhà quan sát cho rằng hai ví dụ trên cho thấy các quốc gia nhỏ đang nằm giữa chiến tuyến trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Jakub Jakobowski tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông ở Ba Lan nhận định Romania là ví dụ cho thấy đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc tại Trung và Đông Âu.

Theo ông Jakub Jakobowski, Bắc Kinh kỳ vọng thỏa thuận với Romania sẽ là ví dụ thành công của dự án hạt nhân của Trung Quốc tại châu Âu.

Ông Jakub Jakobowski cho rằng áp lực từ Mỹ, cộng thêm sự thiếu kiên nhẫn về lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh cam kết buộc nhiều nước Trung và Đông Âu thay đổi chiến thuật.

Ông Jakub Jakobowski nhận định nhiều quốc gia đã quyết định hy sinh một phần mối quan hệ với Trung Quốc để nhận thêm điểm cộng từ Mỹ và Liên minh châu Âu.

Bất chấp tác động từ dịch COVID-19 đối với kinh tế, Trung Quốc vẫn lên kế hoạch rót thêm tiền vào dự án “Vành đai, Con đường”. Trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đầu tư trực tiếp 5,23 tỷ USD vào các lĩnh vực phi tài chính tại 53 quốc gia, tăng 13,4 % so so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, “Vành đai, Con đường” gây nhiều tranh cãi, với lo ngại rằng một số quốc gia nghèo sẽ chịu gánh nặng nợ trong khi Trung Quốc tận dụng điều này để tăng cường ảnh hưởng địa chính trị. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.

Các quan chức Mỹ trong khi đó nhiều lần công khai cảnh báo về các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc tài trợ tại châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Ba Lan vào tháng 2/2019 cho biết nước này sẵn sàng đẩy mạnh cam kết với khu vực qua thỏa thuận hợp tác quốc phòng và các chương trình trao đổi.

Các tin khác