Nỗ lực kiểm soát, vượt qua thách thức

(ĐTTCO) - Theo số liệu thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, tổng số trường hợp mắc bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã vượt quá 200.000 người, cụ thể đang là 201.436 người.
Sự kiện “100 năm một lần”

Ngày 18-3, giới chức chính quyền TP Daegu, Hàn Quốc, thông báo phát hiện một ổ lây nhiễm Covid-19 mới tại một bệnh viện. Tổng cộng có 75 người tại bệnh viện lão khoa nói trên (bao gồm 57 bệnh nhân và 18 nhân viên y tế) dương tính với Covid-19.

Cùng ngày 18-3, Thủ tướng Australia Scott Morrison yêu cầu người dân không ra nước ngoài vào thời điểm này. Thủ tướng Australia dự báo dịch Covid-19 có thể kéo dài ít nhất 6 tháng, nhấn mạnh đây là “sự kiện 100 năm xảy ra một lần” và Australia chưa từng chứng kiến sự kiện nào như vậy kể từ Thế chiến I.

Nhiều hành khách kẹt tại sân bay vì nhiều quốc gia bất ngờ đóng cửa không phận. Ảnh: Getty Images

Nhiều hành khách kẹt tại sân bay vì nhiều quốc gia bất ngờ đóng cửa không phận. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị đối phó với kịch bản dịch Covid-19 tại quốc gia này bước sang giai đoạn 3, trong đó không loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc. Lục quân Thái Lan từ sáng 19-3 sẽ phun thuốc khử trùng trên các đường phố ở thủ đô Bangkok. Các đơn vị quân đội hiện đã được triển khai khử trùng và làm sạch đường phố từ 1 - 5 giờ sáng hàng ngày cho tới cuối tháng 3.

Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu đã lần đầu tiên vượt số ca tử vong ở châu Á. Tính đến 18 giờ ngày 18-3 (theo giờ Hà Nội), châu Âu ghi nhận ít nhất 3.421 trường hợp tử vong, so với 3.384 trường hợp tử vong ở châu Á. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất ở châu Âu.

Chính phủ Anh đã công bố một dự luật khẩn cấp nhằm ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có đề xuất cho phép cảnh sát bắt giữ những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để đưa đi xét nghiệm. Dự luật Viruscorona Khẩn cấp (Emergency Coronavirus Bill) sẽ trao cho nhà chức trách Anh các quyền hạn mới khi cần thiết, dựa trên khuyến nghị của giới chức y tế cấp cao.

Các quyền hạn khẩn cấp bao gồm bổ sung nhân viên y tế, giảm bớt gánh nặng đối với đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu, cho phép những người tình nguyện chăm sóc bệnh nhân tạm ngừng công việc chính của họ trong 4 tuần... Lực lượng Biên phòng của Anh sẽ được phép tạm ngừng các hoạt động tại các sân bay hoặc nhà ga nếu thiếu nguồn lực để đảm bảo an ninh. Dự luật này dự kiến được thông qua tại Hạ viện và trở thành luật trước khi Quốc hội Anh ngừng họp vào ngày 31-3 tới.

Kinh doanh toàn cầu thích nghi và ứng phó

Ngày 18-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thừa nhận các chính trị gia ban đầu đã đánh giá sai về Covid-19, đồng thời cho biết sẽ có lệnh giới nghiêm ở các quốc gia châu Âu khác đồng thời các nước trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ phối hợp chặt với nhau.

Bên cạnh lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU, tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do dịch gây ra, trong đó nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa. 

Trong bối cảnh sự lây lan của dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các công ty trên toàn cầu đang cố gắng tìm cách thích nghi và đưa ra các biện pháp ứng phó với tác động của dịch bệnh.

Một số đại gia công nghiệp, đặc biệt là trong ngành sản xuất ô tô, đã chuyển hướng sang cắt giảm hoặc thậm chí tạm ngừng sản xuất. Giữa bối cảnh khó khăn, nhiều công ty đã buộc phải giảm giờ làm, thậm chí buộc thôi việc tạm thời với các nhân viên cũng như tìm cách hạ mục tiêu. Hãng hàng không Air France-KLM cho biết sẽ cắt giảm 350 triệu EUR đầu tư theo kế hoạch cho năm 2020 và tiết kiệm 200 triệu EUR từ những khoản khác để đảm bảo có đủ tiền mặt.

Trong một động thái khác nhằm giảm tác động của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới  thị trường toàn cầu, các nhà quản lý Pháp thông báo cấm tình trạng “bán khống” đối với 92 loại cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán Paris trong vòng 1 tháng, đến 16-4. Bán khống là hoạt động kiếm lời từ thị trường tài chính thông qua việc giá chứng khoán giảm. Cùng ngày, Hy Lạp cũng đưa ra quyết định tương tự. Quyết định trên sẽ được áp dụng  từ ngày 18-3 đến ngày 24-4 sau khi nhiều cổ phiếu của Hy Lạp mất gần 50% giá trị do tác động của dịch Covid-19.

Tập đoàn Facebook cùng ngày thông báo sẽ hỗ trợ 100 triệu USD cho các doanh nghiệp nhỏ tại 30 quốc gia đối phó với những tác động về kinh tế của Covid-19. Theo đó, Facebook sẽ trao các khoản tiền mặt và tiền quảng cáo cho khoảng 30.000 doanh nghiệp. Facebook cũng nhất trí cung cấp 1 triệu USD cho các đối tác trong Mạng lưới kiểm chứng thông tin quốc tế (IFCN) để kiểm soát thông tin sai lệch về dịch bệnh.

* Việt Nam được đánh giá cao trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch

Trang scoopwhoop.com của Ấn Độ ngày 17-3 đăng bài bình luận nhận định, Việt Nam là quốc gia thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch Covid-19, bên cạnh Singapore. Bài báo nêu một số biện pháp Việt Nam áp dụng để ngăn chặn dịch lây lan như: Ra mắt 2 ứng dụng khai báo sức khỏe cho người dân, một cho công dân Việt Nam và một cho người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam; sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19 đạt chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm; lắp đặt “buồng” khử trùng di động phục vụ cho mọi đối tượng người dân.

Trước đó, trang The Diplomat cũng đăng một bài viết đề cập tới những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Bài viết nhận định trong cuộc chiến chống dịch, Chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân; các biện pháp áp dụng cho thấy kết quả tích cực.

Các tin khác