Nước Pháp đuối sức?

(ĐTTCO) - Những trụ cột kinh tế quan trọng của EU như Đức, Pháp, Italia đã chính thức bước vào làn sóng Covid-19 lần thứ 3. Số ca nhiễm tăng nhanh trong mấy tuần qua đã khiến chính phủ các nước thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội. Tối 18-3, chính phủ Pháp đã công bố lệnh phong tỏa 16 tỉnh ít nhất 4 tuần, nới rộng giờ giới nghiêm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Phong tỏa cục bộ 
Cách đây đúng 1 năm, nhiều nước EU trong đó có Pháp thực hiện phong tỏa toàn bộ vì sức khỏe của cộng đồng được ưu tiên hơn kinh tế. Nhưng rồi dịch bệnh kéo dài hơn dự tính, làn sóng dịch thứ 2 ập đến và bây giờ là đợt thứ 3. Sức chịu đựng của một nước già cỗi như Pháp cũng có hạn, nên lần phong tỏa sau bớt siết chặt hơn lần trước. Báo cáo ngân sách của chính phủ Pháp mới công bố, cho biết năm 2020 Covid-19 đã tiêu tốn của chính phủ 160-170 tỷ EUR. Với việc tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, triển khai tiêm vaccine và phục hồi kinh tế, ước tính ngân sách 2021 tiêu tốn cũng tương đương 2020.
Trong đợt phong tỏa cục bộ lần này, đáng chú ý có Paris và vùng phụ cận (Île-de-France), một vùng loại đặc biệt của Pháp. Sức nặng kinh tế của vùng này ở chỗ nó chiếm 31% GDP của Pháp, tương đương 4,6% GDP của EU. Cụ thể hơn, 1,16 triệu doanh nghiệp vùng này đóng góp 23,4% lực lượng lao động của Pháp với 5,9 triệu người, 1/3 các cấp quản lý của Pháp sinh sống ở Paris. Không những thế, vùng này là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu thế giới, thu hút lượng lớn khách du lịch, khách đi hội nghị, hội thảo hay triển lãm quốc tế.
Chính phủ Pháp đã rất thận trọng trong việc ra các quyết định kiểm soát dịch bệnh thời gian vừa qua. Với những tỉnh hay vùng có số ca nhiễm tăng đột biến, việc phong tỏa được áp dụng với 2 ngày cuối tuần, cùng với giờ giới nghiêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Kết quả sơ bộ cho thấy biện pháp này khá hiệu quả. Tuy nhiên diễn biến mới trong những ngày qua đã khiến chính phủ mạnh tay hơn, phong tỏa toàn bộ 7/7 ngày ít nhất 4 tuần, thay vì chỉ là 2 ngày cuối tuần như dư luận đồn đoán. 

Cầm cự chờ vaccine
Sau khi tạm ngưng việc tiêm vaccine AstraZeneca, Cơ quan quản lý Dược phẩm EU (EMA) đã cho phép việc sử dụng trở lại vaccine này. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn nằm ở năng lực cung cấp của các hãng sản xuất. Trong khi đó, việc triển khai cũng còn nhiều khó khăn ở khâu tổ chức thực hiện. Dù dự kiến đến hè năm nay, tức chỉ còn vài tháng nữa, nước Pháp sẽ hoàn thành việc tiêm vaccine toàn dân.
Nhưng một số phóng sự truyền hình ở Pháp cho thấy, quá trình triển khai thực hiện và sự tiếp nhận của một bộ phận dân chúng có những rào cản nhất định. Có loại vaccine điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, tiêm tối ưu cho nhóm 10 người việc sắp xếp cũng hết sức bất tiện. Một số nhân viên y tế Pháp phản đối việc tiêm vaccine vì lý do cá nhân, khiến dư luận ở đây đòi hỏi những người ở tuyến đầu chống Covid-19 phải tiêm vaccine bắt buộc.
Với các nước EU, thực tế sản xuất vaccine không như dự tính ban đầu trong các hợp đồng đã ký của các hãng dược phẩm với EU và các nước thành viên, đã đưa cả 2 bên vào thế khó. Các chính phủ có thể phải điều chỉnh lại các kế hoạch phục hồi kinh tế, còn các hãng dược phẩm có thể vướng vào kiện tụng pháp lý và ảnh hưởng xấu đến uy tín của mình.
Dù biết nhu cầu quá lớn, tăng nhanh đột biến trong một thời gian ngắn, việc có các nhà máy sản xuất đủ tiêu chuẩn, công suất để đáp ứng là điều rất khó, nhưng cũng cần xem lại các dự phóng và cam kết, hay đây là cách để trấn an dân chúng? Một khả năng khác ảnh hưởng đến khả năng sản xuất là việc chưa chủ động được các nguyên liệu đầu vào. Bởi lẽ, thời gian dài nhiều nhà sản xuất ở châu Âu đã dời chuỗi cung ứng, chuyển một số quy trình cho nước ngoài, nhất là sang các nước đang phát triển. 

Quá tam ba bận
Với những tiến triển tích cực của một số loại vaccine gần đây, cộng với tỷ lệ miễn nhiễm cộng đồng ngày càng tăng, hy vọng quá tam ba bận là điều hoàn toàn có căn cứ. Các kịch bản tăng trưởng mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hay Ngân hàng Trung ương (NHTW) Mỹ (Fed) chưa thể cập nhật tình hình lây nhiễm mới. Nhưng những biện pháp thắt chặt lần này có thể giúp kiểm soát được tình hình, đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo hồi phục tăng trưởng.
Bài toán khó lúc này được chuyển sang các NHTW, vì các chính sách tài khóa không còn nhiều dư địa để thực hiện sau mấy cú choáng váng. Chúng ta đều biết mục tiêu ưu tiên nhất của các NHTW là kiểm soát lạm phát, giữ lạm phát ở mức thấp, tiếp đến mới là thất nghiệp. Kỳ vọng lãi suất tăng và kinh tế phục hồi mạnh, đã làm lạm phát rục rịch. Mặc dù mới đây Fed tuyên bố không tăng lãi suất điều hành, lạm phát có thể tăng nhẹ, nhưng biến động lớn trong lợi suất trái phiếu đã gây nhiều bất an cho thị trường. Đại diện của NHTW châu Âu (ECB), bà Chủ tịch Christine Lagarde ngày 18-3 vừa qua đã gửi thông điệp sẽ can thiệp đáng kể để kiểm soát việc lãi suất tăng, trong đó thông qua việc tăng mua trái phiếu chính phủ.
Nhu cầu chi tiêu của người dân Pháp nói riêng và EU nói chung sau 1 năm bị dồn nén rất lớn. Giai đoạn xuân hè sắp đến là khoảng thời gian người dân có nhu cầu giải trí, ăn uống, mua sắm, đi lại, du lịch thường cao nhất trong năm. Nếu vaccine được triển khai nhanh chóng và hiệu quả trước hay trong mùa hè, kinh tế sẽ hồi phục như dự kiến. Nhưng khi đó sẽ không thể tránh khỏi lạm phát. Có điều, với mức lạm phát thấp và ổn định trong nhiều năm qua, tình hình vẫn có thể trong tầm kiểm soát của ECB.
Kể từ 12 giờ đêm 19-3, Paris cùng nhiều thành phố khác ở Pháp bước vào lần phong tỏa thứ 3. Không còn bất ngờ và lạ lẫm nhưng người dân ở đây đã bắt đầu ngán với việc bị gò bó tù túng, dù đã quen nhiều hơn với tình trạng này. Vì nói gì thì nói, sự trao đổi liên lạc trực tiếp giữa con người với nhau cần phải có không gian phù hợp để cảm nhận hết sắc thái tình cảm, suy nghĩ của người đối diện.
Paris cùng nhiều thành phố khác ở Pháp đã bước vào lần phong tỏa thứ 3, đang là thách thức lớn về sức chịu đựng của một nước già cỗi như Pháp.

Các tin khác