Phản ứng của Trung Quốc trước tin ông Joe Biden chọn một người gốc Hoa làm Đại diện Thương mại Mỹ

(ĐTTCO) - Vừa qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã ngỏ ý chọn bà Katherine Tai làm Đại diện Thương mại Mỹ. Đây là một lựa chọn mà Trung Quốc có thể chưa kịp vui mừng, tờ South China Moring Post ngày 11/12 bình luận.

Bà Katherine Tai được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lựa chọn làm Đại diện Thương mại Mỹ. Ảnh: US CHINA/TTXVN
Bà Katherine Tai được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden lựa chọn làm Đại diện Thương mại Mỹ. Ảnh: US CHINA/TTXVN

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, bà Tai từng đảm nhận cương vị luật sư trưởng chuyên theo dõi các vấn đề thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Chính bà là người đã thực thi nhiệm vụ kéo 18 nước đối tác cùng Mỹ khởi kiện Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh kiểm soát xuất khẩu đất hiếm trong vụ kiện năm 2012. Đến năm 2015, Trung Quốc đã phải bãi bỏ quy định về hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng chiến lược này. 

8 năm sau, Katherine Tai lại được ông Biden chọn làm Đại diện Thương mại Mỹ và được mô tả là chuyên gia đầu tiên thông hiểu về Trung Quốc đảm nhận chức vụ này. “Kinh nghiệm, thành công trong giám sát tranh chấp thương mại với Trung Quốc của bà Katherine Tai khó ai sánh kịp. Bà ấy thấu hiểu những thách thức đặt ra với hệ thống thương mại toàn cầu do yếu tố Trung Quốc tạo ra, cũng như những điểm mạnh-yếu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dưới góc độ là công cụ để thúc đẩy các lợi ích cho Mỹ”, Lauren Mandell, một luật sư tại hãng luật Wilmer Hale từng công tác tại Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) nói.  

Nếu được phê chuẩn, Katherine Tai sẽ là người Mỹ gốc Á đầu tiên nắm quyền lãnh đạo USTR. Bà từng có 2 năm sống và làm giáo viên tại Quảng Châu sau khi tốt nghiệp đại học Yale danh tiếng. Sau đó, bà quay trở lại Mỹ theo học Đại học Havard. Katherine Tai từng có 7 năm làm việc tại USTR, trong đó có ba năm là cố vấn trưởng về theo dõi giám sát thực thi với Trung Quốc. Ngoài ra, bà cũng là luật sư thương mại của đảng Dân chủ tại Ủy ban Kinh tế Tài chính Hạ viện. 

Quyết định lựa chọn nhân sự của ông Biden cũng đã gây ra sự chú ý trong dư luận Trung Quốc. Theo Victor Gao, chuyên gia bình luận quan hệ quốc tế và nguyên là phiên dịch viên cho nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, hiểu biết, kiến thức cá nhân của Katherine về Trung Quốc dưới góc độ một quốc gia, về người Trung Quốc dưới góc độ là một dân tộc cùng với khả năng thông thạo ngôn ngữ của bà sẽ là nhân tố tích cực giúp thúc đẩy quá trình “cài đặt lại” quan hệ Mỹ-Trung dưới thời ông Joe Biden. 

Tuy nhiên, chưa thể sớm mong đợi về một bước “xuống thang” hay mềm mỏng của Mỹ trước Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Ông Biden từng khẳng định sẽ tiếp tục giữ thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với đó là ưu tiên cho việc tập hợp liên kết với đồng minh, đối tác để gây sức ép, xử lý các vấn đề khúc mắc trong thương mại với Trung Quốc. 

Về cá nhân, được cho là người cởi mở hơn đối với cách tiếp cận đa phương so với đương kim Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, nhưng Katherine cũng là mẫu lãnh đạo cứng rắn. Theo Kostrzewa, người từng làm phụ tá cho bà Tai trong vụ kiện năm 2012, Katherine Tai là người có phong cách lãnh đạo kiểu “bàn tay sắt trong chiếc găng tay mềm”, có kĩ năng giao tiếp tốt, nhưng cũng không hề e sợ theo đuổi đàm phán cứng rắn. 

Chính giới Mỹ, kể cả đảng Cộng hòa, đều coi Katherine Tai là lựa chọn phù hợp. Theo Clete Willems, người từng làm Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) dưới thời ông Trump, bà Tai là người chia sẻ quan điểm “cứng rắn trước Trung Quốc của ông Lighthizer”. Bà cũng được coi là người có khả năng giải quyết thách thức, biết phối hợp với tất cả các bên, rõ nhất là việc giúp phía Mỹ hoàn tất Hiệp định Tự do thương mại Mỹ-Canada-Mexico (USMCA). 

Các tin khác