Singapore - Thách thức tầm nhìn xanh

(ĐTTCO) -Du khách nước ngoài đến Singapore có dịp ghé khu trung tâm hành chính (Civic District) không thể không nhìn thấy ngọn tháp chóp nhọn uy nghiêm của Saint Andrew’s Cathedral (SAC), nhà thờ lớn nhất Singapore và cũng là nhà thờ Anh giáo cổ nhất trên đảo Sư tử. 

Trong khuôn viên bao bọc bởi nhiều công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, SAC được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1973, trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách nước ngoài đến Singapore. 

Nhưng SAC lại trở thành điểm nóng dư luận vào ngày cuối tháng 8-2008, khi một phụ nữ đang đi dạo trên vệ đường dưới trời mưa bị các nhánh cây trong khuôn viên nhà thờ rơi trúng người gây thương tích nặng. Nạn nhân, bà Wang Shu Xiang, 44 tuổi người Trung Quốc theo con trai du học tại Singapore, đã thuê luật sư đòi bồi thường.
Lúc đầu SAC từ chối với lý do đây là tình huống bất khả kháng và các nhà thầu về cảnh quan cây xanh đã không làm đúng quy trình. Tuy nhiên, trong phiên hòa giải kín diễn ra hơn 1 năm sau khi xảy ra tai nạn, SAC đã thay đổi ý định và đồng ý bồi thường nạn nhân với số tiền khoảng 500.000 đô la Singapore. 
Singapore - Thách thức tầm nhìn xanh ảnh 1 Cây gãy đổ trên đường Scott Road vào cuối tháng 11-2019.
Thông qua nhật báo The Straits Times (TST), luật sư của SAC cho biết nhà thờ chưa bao giờ nhận trách nhiệm, nhưng cũng chấp nhận bồi thường khoản chi phí điều trị nạn nhân phải bỏ ra. Bà Wang cho biết bà bị gãy xương ở cổ và xương sườn, bị thương ở tủy sống và đã nằm viện 50 ngày, phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, bao gồm điều trị cột sống và ghép xương tại Bệnh viện Đa khoa Singapore. Các luật sư của bà Wang khen ngợi SAC vì nhà thờ đã thừa nhận trách nhiệm pháp lý và tránh cho nạn nhân bị tổn thương thêm nếu vụ việc được đem ra xử tại tòa.
Việc xử lý bồi thường thỏa đáng đã giúp SAC và nạn nhân tránh vất vả trong quá trình tranh tụng và đây cũng là điều may mắn cho NParks, cơ quan tác nghiệp thuộc Bộ Môi trường và Nguồn nước chịu trách nhiệm quản lý công viên và cây xanh tại Singapore. Mặc dù nhánh cây rơi xuống từ khuôn viên nhà thờ nhưng tai nạn xảy ra ở lề đường.
Theo quy định về quản lý công viên tại Singapore, một trong những chức năng quan trọng của NParks là “ngăn ngừa và quản lý những mối đe dọa và rủi ro liên quan đến sức khỏe, an toàn công cộng gây ra bởi động vật hay cây xanh, hoặc côn trùng hay bệnh tật của động vật hay cây xanh”. Do đó, nếu SAC phải hầu tòa với tư cách bị đơn, không loại trừ NParks phải chịu trách nhiệm liên đới, và đây sẽ là án lệ quan trọng cho thấy phạm vi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Cây xanh gãy đổ gây tai nạn nghiêm trọng, thậm chí chết người là thực tế đảo quốc được mệnh danh là “Thành phố công viên” luôn phải lưu ý. Theo báo cáo chính thức của NParks, trong năm 2019 đã có hơn 400 vụ tai nạn liên quan đến cây xanh được ghi nhận trong bối cảnh thời tiết ở Singapore ngày càng khắc nghiệt hơn.
Mặc dù NParks đã có cố gắng kiểm tra và cắt tỉa cây, kiểm tra cây xanh sau khi giông gió hay thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro, nhưng tai nạn hay sự cố vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Hồi đầu tháng 2-2017, một phụ nữ Ấn Độ đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương khi cây Tembusu tại Vườn bách thảo Singapore bất ngờ bị đổ, và người chồng của nạn nhân này đã chính thức đâm đơn kiện NParks, đòi bồi thường thiệt hại. 
Theo ông Rick Thomas, nhà nghiên cứu thực vật của Công ty tư vấn quản lý cây xanh ArborCulture Pte Ltd, gió mạnh và đất mềm có khả năng gây ra gấp đôi cho sự ổn định của cây xanh. Tuy nhiên ông khuyến cáo người Singapore nên có cái nhìn thoáng hơn về các rủi ro và sự cố xảy ra xét đến những lợi ích về mặt thẩm mỹ, xã hội, môi trường và kinh tế của cây xanh đô thị.
Bởi lẽ, công viên và cây xanh là một phần trong chiến lược phát triển quốc gia của Singapore. Vì thế, dù còn nhiều rủi ro, NParks vẫn kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng xã hội và người dân bằng cách tham gia các dự án làm vườn, và cho đến nay có khoảng 600 nhóm làm vườn đang hoạt động trên khắp Singapore. Những khu vườn này được chăm sóc bởi các tình nguyện viên gồm cư dân, sinh viên nhân viên của các tổ chức khác nhau. 
Năm 2003, dự án Quỹ thành phố trong vườn (GCF) đã ra đời như một kênh khác để bảo tồn di sản thiên nhiên của Singapore, thông qua quan hệ đối tác cộng đồng với sự tài trợ của chính phủ  cho cơ sở hạ tầng xanh cơ bản, cùng với sự tham gia của cộng đồng thông qua cá nhân hay tập đoàn thể hiện quyền sở hữu toàn dân đối với một thành phố xanh.
Năm 2013, để kỷ niệm 50 năm ngày Lý Quang Diệu phát động việc trồng cây phủ xanh Singapore, các trường học đã được mời tham gia trồng cây trong khuôn viên trường học của họ. Lời phát động này cũng dành cho tất cả người dân Singapore nếu có thể trồng một loại cây gì đó trong vườn nhà hay trên ban công căn hộ của mình. 
Để giải quyết được yêu cầu an toàn trong chiến lược phát triển công viên và cây xanh, NParks đã xây dựng hệ thống phản hồi từ cộng đồng qua các kênh khác nhau, như đường dây nóng điện thoại, hộp thư điện tử công cộng, thư  tín và tương tác trực tiếp tại các sự kiện và roadshow. Quan điểm chuyên sâu hơn từ các tổ chức xã hội và các nhà khoa học có thể được cung cấp cho chính phủ thông qua cơ chế tương tác theo kiểu thảo luận bàn tròn. Cây xanh biến dạng hoặc hư hỏng được xử lý kịp thời.
Các trường hợp cây đổ được xử lý ngay lập tức với các quy trình vận hành tiêu chuẩn nghiêm ngặt để làm giảm bớt những lo ngại của công chúng và giảm thiểu rủi ro và thiệt hại. Điều quan trọng hơn hết, cho dù thách thức có như thế nào đi chăng nữa, NParks muốn công việc của mình được hỗ trợ theo mô hình 3P, tức sự đồng hành của người dân, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.  

Các tin khác