Sự bùng nổ của bất động sản khiến các ngân hàng trung ương đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan

(ĐTTCO) - Giá nhà tăng cao trên hầu hết các quốc gia đang nổi lên như một phép thử quan trọng đối với khả năng kiềm chế khủng hoảng của các ngân hàng trung ương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan: Việc rút tiền kích thích quá chậm có nguy cơ tạo nên bong bóng bất động sản và làm tăng nguy cơ về bất ổn tài chính trong dài hạn. Trong khi đó, việc rút tiền kích thích quá nhanh có thể gây bất ổn và khiến giá bất động sản giảm nhanh, đe dọa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra bởi làn sóng bán tháo bất động sản năm 2008 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí các nhà hoạch định chính sách. Vấn đề làm thế nào để kiềm chế giá nhà tăng cao là một bài toán nan giải được đặt ra hàng đầu khi phục hồi tăng trưởng.

Theo đó, một số ngân hàng trung ương đã thảo luận về việc mua tài sản chậm lại và thậm chí là tăng lãi suất.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã ủng hộ việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu và cho rằng giá nhà tăng là một lý do để làm như vậy.

Trong tuần này, các ngân hàng trung ương New Zealand, Hàn Quốc và Canada sẽ có cuộc họp chính sách trước vấn đề giá bất động sản tăng cao.

Các nhà hoạch định chính sách của New Zealand đang chiến đấu với thị trường bất động sản nóng nhất trên thế giới theo xếp hạng bong bóng toàn cầu của Bloomberg Economics. Ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ có cuộc họp vào thứ Tư (14/7) nhằm giải quyết vấn đề và các dự đoán hiện tại cho thấy New Zealand có thể bắt đầu tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2022.

Trong khi đó, đối mặt với những lời chỉ trích vì vai trò của mình trong việc tăng giá nhà ở, Ngân hàng Trung ương Canada là một trong những ngân hàng đầu tiên từ các nền kinh tế phát triển chuyển sang một chính sách tiền tệ ít mở rộng hơn và một vòng điều chỉnh khác dự kiến sẽ diễn ra sau cuộc họp hôm thứ Tư (14/7).

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cảnh báo rằng, bất động sản đang bị “định giá quá cao” và gánh nặng trả nợ hộ gia đình ngày càng lớn. Nhưng đợt bùng phát virus ngày càng tồi tệ hơn có thể là mối quan tâm cấp bách hơn tại cuộc họp chính sách hôm thứ Năm (15/7) ở Seoul.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng này đã nâng mục tiêu lạm phát và trước áp lực về nhà ở, các quan chức sẽ bắt đầu xem xét chi phí nhà ở trong các biện pháp bổ sung về lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào tháng trước cũng đã chỉ ra sự không hài lòng về thị trường nhà ở tại Anh.

Ngân hàng Norges cũng đã báo hiệu rằng họ lo lắng về ảnh hưởng của lãi suất cực thấp đối với thị trường nhà ở và nguy cơ hình thành mất cân bằng tài chính. Tương tự, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã sử dụng báo cáo thường niên được công bố vào tháng trước để cảnh báo rằng giá nhà đã tăng mạnh hơn trong thời kỳ đại dịch so với các yếu tố cơ bản, điều này làm tăng tính dễ bị tổn thương của các khu vực nếu chi phí đi vay tăng.

Chính sách tiền tệ là một công cụ cùn

Kazuo Momma, nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Mizuho cho biết: “Chính sách tiền tệ là một công cụ cùn. Nếu nó được sử dụng cho một số mục đích cụ thể như hạn chế các hoạt động của thị trường nhà ở, điều đó có thể dẫn đến các vấn đề khác như cản trở đà phục hồi kinh tế. Nhưng, nếu không hành động, nó sẽ mang lại những rủi ro khác".

Phân tích của Bloomberg Economics cho thấy, thị trường bất động sản đã xuất hiện những cảnh báo bong bóng tương tự năm 2008 và cảnh báo về sự mất cân bằng tài chính, cũng như sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc.

Dựa trên các chỉ số chính được sử dụng trong bảng xếp hạng của Bloomberg Economics, các quốc gia New Zealand, Canada và Thụy Điển được xếp hạng là các thị trường nhà ở tăng mạnh nhất thế giới và có rủi ro hình thành bong bóng bất động sản cao nhất. Anh và Mỹ cũng ở gần đầu bảng về xếp hạng rủi ro.

Mặc dù việc điều hướng sự bùng nổ nhà ở sẽ không dễ dàng đối với các ngân hàng trung ương, nhưng có thể không quá muộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiếp theo. Nhu cầu mua nhà ở so với mua đầu cơ vẫn là động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo James Pomeroy, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại HSBC Holdings, các ngân hàng không có dấu hiệu cho vay lỏng lẻo như trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Nếu giá nhà tăng do sự thay đổi cung so với cầu, đại dịch đã tạo ra một số việc làm từ xa và mọi người muốn có thêm không gian, thì nó có thể không gây ra một cuộc khủng hoảng giống như những đợt bùng nổ nhà ở trước đây”, ông cho biết.

Trong khi đó, Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis và từng làm việc cho ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, khi các quốc gia bước ra khỏi cuộc khủng hoảng, các cơ quan quản lý tiền tệ ở các nền kinh tế có các hộ gia đình mắc nợ nhiều sẽ cần phải đặc biệt cẩn thận.

“Giá bất động sản cũng như các giá tài sản khác sẽ tiếp tục tăng cao miễn là thanh khoản toàn cầu vẫn còn dồi dào. Nhưng tác động của nó nghiêm trọng hơn nhiều so với giá tài sản khác vì chúng ảnh hưởng đến các hộ gia đình rộng rãi hơn nhiều”, bà cho biết.

Các tin khác