Taliban trấn áp nhiều cuộc biểu tình hơn khi kinh tế bị đe dọa

(ĐTTCO) – Taliban đã giải tán bằng bạo lực nhiều cuộc biểu tình rải rác vào thứ Năm (19/8), trong bối cảnh nền kinh tế vốn suy yếu của Afghanistan có thể tăng nguy cơ sụp đổ nếu nguồn viện trợ quốc tế khổng lồ do phương Tây hậu thuẫn không được duy trì.
Các chiến binh Taliban tuần tra ở Kabul, Afghanistan, ngày 19/8. Ảnh: APNews.
Các chiến binh Taliban tuần tra ở Kabul, Afghanistan, ngày 19/8. Ảnh: APNews.

Taliban đã tìm cách điều tiết và nói rằng họ muốn có mối quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế, nhưng họ sẽ phải đối mặt với thử thách cân bằng giữa nhiều việc: nhượng bộ phương Tây, làm hài lòng những người đang theo đường lối cứng rắn của họ, và trấn áp những bất đồng chính kiến.

Một quan chức Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở Afghanistan. Các chuyên gia đồng thời cho biết đất nước này đang rất cần tiền mặt, lưu ý rằng Taliban khó có thể được hưởng khoản viện trợ quốc tế hào phóng chiếm phần lớn ngân sách của chính phủ.

Taliban cam kết sẽ tha thứ cho những người đã chống lại họ, đồng thời khôi phục an ninh và cuộc sống bình thường cho đất nước sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Nhưng nhiều người Afghanistan lo sợ sự quay trở lại hà khắc của Taliban vào cuối những năm 1990, khi nhóm này giam giữ phụ nữ ở trong nhà, cấm phương tiện truyền hình và âm nhạc, chặt tay những tên trộm bị tình nghi và tổ chức hành quyết công khai.

Vào thứ Năm (19/8), một đoàn xe ô tô và người dân gần sân bay Kabul đã mang theo những biểu ngữ dài màu đen, đỏ và xanh lá cây để tôn vinh quốc kỳ Afghanistan. Video từ một cuộc biểu tình khác ở tỉnh Nangarhar cho thấy có một người biểu tình đã bị thương do súng bắn. Các cuộc biểu tình cũng nổ ra tại tỉnh Kunar.

Việc nổ ra các cuộc biểu tình vào Ngày Độc lập của Afghanistan là một thách thức đáng chú ý sau khi các chiến binh Taliban giải tán một cách thô bạo các cuộc biểu tình vào hôm trước đó.

Taliban cho đến nay vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về cách mà họ sẽ lãnh đạo, ngoại trừ việc nói rằng nó sẽ nằm trong phạm vi luật Hồi giáo. Họ đang đàm phán với các quan chức cấp cao của các chính phủ Afghanistan trước đây. Tuy vậy, Taliban đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng bấp bênh.

Mary Ellen McGroarty, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, cảnh báo: “Một cuộc khủng hoảng nhân đạo với quy mô chưa từng thấy đang diễn ra trước mắt chúng ta. Đây thực sự là giờ phút quyết định của Afghanistan và chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đứng về phía người dân Afghanistan vào lúc này.”

Các tin khác