Tăng trưởng của Trung Quốc lần đầu tiên chậm lại so với phần còn lại của châu Á kể từ năm 1990

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lần đầu tiên chậm lại so với phần còn lại của châu Á kể từ năm 1990 do chính sách Zero Covid và sự sụp đổ của thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống 2,8% từ 8,1% năm ngoái, giảm so với dự báo 4 - 5% được đưa ra vào tháng 4.

Đồng thời, kỳ vọng đối với phần còn lại của Đông Á và Thái Bình Dương đang được cải thiện. Các khu vực ngoại trừ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% vào năm 2022 từ mức 2,6% trong năm ngoái do giá hàng hóa tăng cao và tiêu dùng nội địa phục hồi sau đại dịch.

“Trung Quốc đang dẫn đầu sự phục hồi sau đại dịch và phần lớn đã vượt qua khó khăn của biến thể Delta, nhưng hiện đang phải trả chi phí kinh tế để ngăn chặn căn bệnh ở dạng biểu hiện dễ lây nhiễm nhất”, Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới cho biết.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu GDP khoảng 5,5% trong năm nay, mức thấp nhất trong 30 năm. Tuy nhiên, triển vọng đã xấu đi đáng kể trong 6 tháng qua.

Khi lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 30% hoạt động kinh tế của Trung Quốc bị sụp đổ, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế sự bùng phát của Covid thông qua việc phong toả nhanh chóng và kiểm tra hàng loạt, hạn chế di chuyển, những điều này góp phần hạn chế hoạt động tiêu dùng.

Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới được đưa ra sau khi một loạt tổ chức tài chính, bao gồm Goldman Sachs và Nomura đã hạ thấp triển vọng kinh tế Trung Quốc cho năm tới. Đánh giá bi quan ngày càng tăng và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid sau năm 2022.

Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích đã kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đáp trả sự sụt giảm kinh tế bằng cách tăng đáng kể kích thích, thúc đẩy tiêu dùng và tăng tốc các biện pháp nới lỏng để giúp ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường nhà ở.

Nhưng trong khi Trung Quốc có "kho đạn khổng lồ để cung cấp kích thích mạnh mẽ", chính phủ dường như đã kết luận rằng, kích thích tài khóa sẽ bị "phá hoại" bởi các hạn chế của Zero Covid.

Ngân hàng Thế giới cũng lo ngại rằng, thị trường bất động sản giảm tốc thể hiện một vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc. Để giảm thiểu nguy cơ lây lan tức thời từ “tình trạng hỗn loạn” trong lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng cần chính phủ Trung Quốc hỗ trợ thanh khoản nhiều hơn cho các nhà phát triển gặp khó khăn và cung cấp bảo đảm tài chính để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, về lâu dài, cải cách tài khóa là cần thiết để mang lại cho chính quyền địa phương các nguồn thu nhập mới ngoài việc bán bất động sản, bao gồm cả thuế tài sản.

Ngược lại, các nền kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương, đặc biệt là các nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở Đông Nam Á, hầu hết được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh hơn và có mức lạm phát thấp hơn vào năm 2022.

Các khoản trợ cấp nhiên liệu của chính phủ đã giúp giữ lạm phát ở mức thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Tiêu thụ nội địa tăng lên khi các khu vực từ bỏ việc đóng cửa kinh tế và một cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn để kiểm soát đại dịch.

Đồng thời, giá hàng hóa tăng do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã thúc đẩy các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của khu vực mang về con số kỷ lục 27,9 tỷ USD trong tháng 8.

Trong khi đó, một số ngân hàng trung ương như Indonesia, Việt Nam và Philippines đã bắt đầu tăng lãi suất.

Tuy nhiên, Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới cho biết, khu vực này chịu ít áp lực hơn các khu vực khác trên thế giới. “Tôi nghĩ đó là sự thắt chặt dần dần mà chúng ta đang thấy và nó có thể được duy trì trong một thời gian”, ông cho biết.

Nhưng một số biện pháp, chẳng hạn như trợ cấp lương thực và nhiên liệu, có thể kéo giảm tăng trưởng vào cuối năm nay. Theo báo cáo, các biện pháp kiểm soát giá cả bóp méo thị trường thường giúp ích cho những người giàu có và các tập đoàn lớn trong khi nợ công tăng lên.

Đã có dấu hiệu của sự căng thẳng. Mông Cổ và Lào có mức nợ cao và hầu hết bằng ngoại tệ, điều này khiến các quốc gia này dễ bị lạm phát và tỷ giá hối đoái mất giá sau đó.

“Ở giai đoạn này, chúng tôi có thể nói rằng đây không phải là điều đáng lo ngại nghiêm trọng nhưng cần được theo dõi”, ông Aaditya Mattoo cho biết.

Các tin khác