Tàu ngầm sắp hết ô xy, số phận 53 thủy thủ Indonesia "ngàn cân treo sợi tóc"

(ĐTTCO) - Nhà chức trách Indonesia đang đẩy nhanh tốc độ xác định vị trí chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 gặp nạn nhằm giải cứu các thủy thủ khi dưỡng khí trên tàu, về mặt lý thuyết, chỉ còn đủ tới sáng 24/4.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở thời điểm hiện tại, nhà chức trách Indonesia cho rằng chiếc tàu ngầm chạy động cơ diesel đang chìm ở độ sâu rất lớn để có thể trục vớt, khiến cơ hội sống sót của 53 người trên tàu trở nên mong manh. Bên cạnh đó, lượng oxy trên tàu chỉ đủ sử dụng đến 3 giờ sáng ngày 24/4, khiến cơ hội càng trở nên ít ỏi.

Chiếc KRI Nanggala 402 mất liên lạc khi tham gia một cuộc tập trận ngày 21/4 theo giờ địa phương. Nhà chức trách phát hiện vết dầu loang và mùi của dầu diesel gần vị trí lặn cuối cùng của con tàu, cách đảo Bali 96 km về phía bắc. Tuy nhiên, chưa phát hiện bằng chứng thuyết phục cho thấy chúng có liên quan tới chiếc tàu ngầm gặp nạn.

"Hy vọng rằng chúng tôi có thể giải cứu được họ trước khi họ hết oxy vào lúc 3h ngày 24/4", Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, cho biết.

Theo ông Margono, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một vật thể không xác định có từ tính cao ở độ sau 50 tới 100m và hy vọng đó là chiếc tàu ngầm gặp nạn.

Tuy nhiên, Hải quan tin rằng tàu ngầm chìm ở độ sâu 600-700m, sâu hơn rất nhiều so với khả năng lặn của chiếc tàu. Ahn Guk-hyeon, một quan chức của Công ty động cơ hàng hải và đóng tàu Daewoo – doanh nghiệp tân trang con tàu trong giai đoạn 2009-2012, cho biết, chiếc tàu không thể trụ vững nếu lặn xuống sâu hơn 200m. Áp lực nước sẽ khiến con tàu bị hư hại.

Quan chức Deawoo cho biết họ đã nâng cấp cấu trúc con tàu và cải thiện các hệ thống bên trong. Tuy nhiên, họ không xác định được hiện trạng của chiếc tàu trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, nếu nó thực sự chìm ở độ sâu 600-700m, lực lượng cứu hộ gần như không thể hành động tức thì để giải cứu những người mắc kẹt.

"Hầu hết các hệ thống cứu hộ chỉ được thiết kế để hoạt động ở độ sâu 600m. Chúng có thể vẫn xuống được sâu hơn thế. Tuy nhiên, các hệ thống đi kèm có thể không hoạt động được tốt ở độ sâu này. Vì vậy, chúng khó có thể hoạt động được ở độ sâu lớn", Frank Owen của Viện nghiên cứu Tàu ngầm Australia, cho biết.

Hiện tại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mong tất cả người dân nước này cầu nguyện để tìm thấy chiếc tàu ngầm và thành viên thủy thủ đoàn.

"Ưu tiên chính của chúng tôi là sự an toàn của 53 thành viên thủy thủ đoàn. Tôi xin chia sẻ cảm xúc mà gia đình, bạn bè của những thủy thủ gặp nạn đang trải qua. Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức để cứu mọi người trên tàu", ông Widodo nói.

Quân đội nước này cho biết 20 tàu hải quân, 2 tàu ngầm và 5 máy bay đang tìm kiếm xung quanh khu vực con tàu phát tín hiệu lần cuối. Một tàu khảo sát biển với khả năng phát hiện các vật thể dưới nước cũng đang trên đường tới khu vực có vết dầu loang để tìm kiếm chiếc tàu gặp nạn.

Các nước láng giềng cũng đang gấp rút hỗ trợ Indonesia tìm kiếm chiếc tàu gặp nạn. Các tàu cứu hộ từ Singapore và Malaysia cũng dự kiến tới địa điểm tìm kiếm vào ngày 24-26/4. Quân đội Indonesia cho biết Australia, Mỹ, Đức, Pháp, nga, Ấn Độ và THổ Nhĩ Kỳ cũng đã gửi đề nghị hỗ trợ. Hàn Quốc cũng đưa ra một lời đề nghị giúp đỡ tương tự.

Các tin khác