Tên mách lẻo đáng sợ

(ĐTTCO) - Chắc nhiều người đã biết, chiếc điện thoại thông minh có thể vừa là người bạn tốt nhất, vừa là “tên mách lẻo” đáng sợ nhất. Nhưng đáng sợ đến mức nào? 
Tỏ tường đường đi nước bước
Các phóng viên The New York Times đã tiến hành cuộc điều tra có tên gọi “Quyền riêng tư”, kéo dài gần 1 năm, đã chỉ ra một lỗ hổng đáng báo động. Đó là việc Apple tích hợp con chip UWB (ultra-wideband) trên iPhone 11, cho phép giao tiếp không dây siêu rộng với các điện thoại và thiết bị thông minh khác. Tương tự, Samsung cũng chuẩn bị ra mắt UWB của riêng họ. 
UWB, dù đã được phát minh từ hàng thập niên trước, song phải mất một thời gian khá dài mới trở nên rẻ hơn, gọn gàng hơn, đủ để đặt vào bên trong một chiếc smartphone. Giống Bluetooth, nó truyền tải dữ liệu qua những khoảng cách ngắn, nhưng điểm đặc biệt nhất chính là khả năng xác định chính xác vị trí, khả năng phát sóng với mức giao thoa tối thiểu.
Tên mách lẻo đáng sợ ảnh 1 Ảnh minh họa.
Với khả năng nhận thức không gian tốt hơn, UWB thậm chí không chỉ biết bạn đang đứng ở đâu mà còn biết điện thoại của bạn đang hướng về đâu và đang ưu tiên giao tiếp với thiết bị nào. Tuy nhiên điều này cũng làm cho vị trí của bạn có thể bị theo dõi cực kỳ chính xác. Trong các cửa hàng, các nhà bán lẻ có thể nhìn thấy nơi bạn dừng lại giữa các kệ hàng, biết rõ những gì bạn đã mua và cả những gì bạn đã xem xét, ngắm nghía.
Nhưng dù chưa đến mức như thế, cuộc điều tra của The New York Times cũng hé lộ nhiều thực tế khiến bạn giật mình. Cho đến nay, “Quyền riêng tư” vẫn là dự án lớn nhất và nhạy cảm nhất từng được các nhà báo tiến hành, chứa đựng hơn 50 tỷ chỉ dấu vị trí từ điện thoại của hơn 12 triệu người Mỹ khi họ di chuyển trong một số thành phố lớn, bao gồm Washington, New York, San Francisco và Los Angeles. Mỗi mẩu thông tin trong tệp này chỉ ra vị trí chính xác của một điện thoại thông minh trong khoảng thời gian vài tháng vào năm 2016-2017. Từ đó họ muốn báo động về cách thông tin vị trí có thể bị lạm dụng.
Một thí dụ điển hình, không cần nỗ lực nhiều, các nhà báo đã điểm danh đầy đủ những vị khách đến thăm các khu nhà của Johnny Depp, Tiger Woods và Arnold Schwarzenegger, chỉ bằng vào việc kết nối các chủ sở hữu thiết bị với dữ liệu các khu dân cư.
Chỉ cần điện thoại của bạn có sử dụng ít nhất một ứng dụng từ dự báo thời tiết, đăng ký cập nhật tin tức địa phương, gọi xe công nghệ, mua hàng trực tuyến…, bạn chắc chắn sẽ để lại “vết”. Điều đáng nói là toàn bộ dữ liệu được các nhà điều tra của The New York Times thu thập không có nguồn gốc từ một công ty viễn thông hoặc công nghệ lớn, cũng không đến từ một cơ quan giám sát của chính phủ. Đó chỉ là những gì mà một công ty dữ liệu vị trí nhỏ xíu, gần như không ai biết đến, lặng lẽ thu thập được.
Đối với bất kỳ ai có quyền truy cập vào kho dữ liệu này, cuộc sống của bạn thực sự là một cuốn sách mở. Họ có thể nhìn thấy những nơi bạn đến vào mọi thời điểm trong ngày, người bạn gặp hoặc qua đêm cùng với bạn, nơi bạn cầu nguyện, phòng khám bác sĩ tâm thần, phòng khám sản khoa hay phòng mát xa mà bạn ghé qua. Mặc dù vậy, đó vẫn chỉ là một phần nhỏ của những gì mà ngành công nghiệp theo dõi vị trí thu thập được. 
Rủi ro an ninh quốc gia
Không chỉ có sự phiền muộn về dữ liệu cá nhân bị rò rỉ, câu chuyện về dữ liệu vị trí còn đặt ra những rủi ro an ninh quốc gia. 
Cho đến nay, việc thu thập và bán tất cả những thông tin loại này vẫn hoàn toàn hợp pháp, kể cả ở Mỹ cũng như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chỉ có chính sách nội bộ của các công ty, tính trách nhiệm và lương tâm của từng nhân viên là những lá chắn bảo vệ (quá mong manh) cho các nạn nhân vô tình trước những người có quyền truy cập dữ liệu. Nói “mong manh” bởi ngay cả khi các công ty dữ liệu đang hành động đúng với chuẩn đạo đức của họ, rút cục cũng không có cách nào bảo đảm 100% dữ liệu khỏi rơi vào tay một cơ quan an ninh nước ngoài thù địch. 
Liệu các công ty thu thập dữ liệu có “ngây thơ” thật hay không? Họ thường đưa ra 3 luận điểm để chứng minh mình vô tội: mọi người sử dụng khi chấp thuận sử dụng các loại app đã đồng ý cho theo dõi; dữ liệu là ẩn danh và dữ liệu được bảo mật. Dường như cũng chưa có vụ kiện tụng ồn ào nào liên quan đến các công ty thu thập thông tin định vị.
Theo lý giải, đúng là dữ liệu vị trí không bao gồm thông tin nhận dạng như tên hoặc địa chỉ email. Nhưng việc kết nối thông tin người dùng với các dấu chấm xuất hiện có quy luật trên bản đồ dễ như bỡn đối với những người có chút hiểu biết về công nghệ. Chẳng hạn, chỉ cần biết vị trí nhà và văn phòng làm việc đã đủ để xác định một người. Liệu có bất kỳ điện thoại thông minh nào khác cứ thường xuyên đi về giữa nhà và văn phòng của bạn mỗi ngày?
Với sự giúp đỡ thông tin có sẵn và công khai, như địa chỉ nhà riêng, họ dễ dàng xác định lịch trình, thói quen và vô số thông tin nhạy cảm khác của một số nhân vật đình đám, từ quan chức quân sự cấp cao, các ngôi sao giải trí cho đến luật sư danh tiếng… Trong dữ liệu của nhóm phóng viên, các chỉ dấu vị trí trong một cuộc biểu tình kết nối với những thông tin khác đã ghi lại lịch trình sinh hoạt của những người tham gia biểu tình trong những tháng trước và sau cuộc biểu tình, bao gồm cả nơi họ sống và làm việc. 
Nhưng Mary Millben, một ca sĩ nổi tiếng ở Virginia, người đã biểu diễn phục vụ tới 3 vị Tổng thống, bao gồm cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, chia sẻ: “Biết bạn có một danh sách các địa điểm tôi đã từng đến, trong bao lâu, và với ai thì thật đáng sợ. Tôi sẽ cẩn thận hơn trong việc chia sẻ vị trí của mình”. Tuy nhiên, giống như hầu hết những người được hỏi, cô không biết hết những ứng dụng nào đang thu thập thông tin của mình. 

Các tin khác