Thách thức tiền kỹ thuật số

(ĐTTCO) - CBDC (Central Bank Digital Currency) tạm dịch là tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW). Sau khi phát hành CBDC, một NHTW sẽ cho phép các cá nhân giữ tài khoản tiền gửi. Nếu cần thanh toán bạn kích hoạt ứng dụng thanh toán của NHTW trên điện thoại thông minh, điền vào chi tiết thanh toán và chỉ định người nhận tiền. NHTW ghi nợ tài khoản của bạn sau khi xác minh bạn là chủ sở hữu hợp pháp và có đủ số dư.

Một biếm họa về CBDC sau khi Singapore tuyên bố sẽ tìm hiểu khả năng hợp tác với Trung Quốc.
Một biếm họa về CBDC sau khi Singapore tuyên bố sẽ tìm hiểu khả năng hợp tác với Trung Quốc.
CBDC đang lên ngôi
Khảo sát gần đây của NH Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, khoảng 80% NHTW trên thế giới đang xúc tiến việc phát hành CBDC. Một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhìn nhận, CBDC có thể là cột mốc tiếp theo trong sự phát triển của tiền tệ. Tại các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10-2020, CBDC đã trở thành đề tài nóng trong một cuộc thảo luận về tương lai của thanh toán xuyên biên giới. 
Chất xúc tác cho những động thái nói trên là sự phổ biến ngày càng tăng của các tài sản tiền điện tử như bitcoin. Facebook đã cố gắng tung ra “stablecoin” – một loại tiền điện tử có tên Libra vào năm 2019, được xem là một loại tiền tệ toàn cầu tiềm năng với 2 tỷ người đang sử dụng dịch vụ của mình. Đồng tiền này được gắn với các loại tiền tệ tương đối ổn định trong thế giới thực như USD, EUR, yên Nhật, bảng Anh và đô la Singapore. Song Libra đã bị các chính phủ và NHTW coi như mối đe dọa đối với chủ quyền tiền tệ quốc gia. Nhiều nước bắt đầu lo ngại về quyền riêng tư, rửa tiền và sự ổn định tài chính nếu loại tiền tệ không được kiểm soát như vậy được tung ra trên toàn cầu.
Ngoài Libra, nhiều khả năng các tập đoàn công nghệ lớn khác như Apple, Amazon và Google cũng sẽ phát hành stablecoin để phục vụ số lượng người dùng khổng lồ của mình. Đây là đe dọa tiềm tàng cho các NHTW. Và theo một báo cáo của IMF hồi tháng 6-2020, các hệ thống thanh toán dựa trên đồng Libra của Facebook có thể giành được thị phần đáng kể trên thị trường thanh toán. Theo IMF, việc chuyển đổi rộng rãi sang Libra có thể làm giảm tiền gửi ngân hàng thương mại (NHTM), thu hẹp nguồn tài trợ ổn định của họ và cản trở việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. 
Hiện nhiều NHTW đã đạt đến giới hạn của chính sách tiền tệ. Minh chứng lãi suất ở Mỹ, khu vực đồng EUR và Nhật Bản gần bằng 0 hoặc âm. Trong bối cảnh đó, CBDC có thể thu hẹp, lấp đầy khoảng cách về tiền tệ và tài khóa. Chúng có thể cho phép NHTW cấp tín dụng trực tiếp cho các cá nhân hay doanh nghiệp không cần thông qua NHTM. Thí dụ, CBDC có thể trả lãi suất cao hơn cho các nhóm thu nhập thấp trên khoản tiền gửi để giúp họ tiết kiệm, đồng thời tính lãi suất âm cho các triệu phú khiến họ chi tiêu nhiều hơn. 
Nói cách khác, với CBDC chính sách tiền tệ sẽ không cần phải có quy mô phù hợp với tất cả và các NHTW cũng có thể đóng vai trò tài khóa ở cấp độ chi tiết hơn các chính phủ. Tác động của các hoạt động trực tiếp như vậy, bằng cách bỏ qua hệ thống NH cũng như các chính sách tài khóa truyền thống có thể phù hợp trong thời kỳ suy thoái. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra đã làm tăng mức độ quan tâm đến các CBDC.

Giảm lệ thuộc vào USD  
Sự thống trị của đồng USD trong thanh toán quốc tế và tài sản dự trữ quốc gia đang áp đảo nhiều nước. Theo ghi nhận của BIS, từ tháng 4-2020 đồng USD nằm ở một bên của 88% giao dịch tiền tệ trên thế giới. Khoảng 2/3 tài sản dự trữ của các NHTW được giữ bằng USD, dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu. Một số quốc gia nhận thấy điều này đáng lo ngại, họ cần dự trữ USD và cũng có thể dễ bị Mỹ “vũ khí hóa” USD bằng cách trừng phạt các nước (như Iran và Venezuela) khi cấm họ tham gia các giao dịch bằng USD. 
Trung Quốc và Nga cũng đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào USD, tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các đối tác thương mại của họ bằng các loại tiền tệ khác. Như vậy, nếu CBDC của Trung Quốc được chấp nhận rộng rãi như một phương tiện trao đổi và tài sản dự trữ, đó có thể là cách để Trung Quốc và các quốc gia đồng ý giao dịch với nó giảm sự phụ thuộc vào USD.

Cản ngại và rủi ro
Song để thực hiện những mục tiêu nói trên, CBDC phải vượt qua nhiều cản ngại, cụ thể là tác động của chúng đối với các NHTM. Nếu thu hút người gửi tiền từ các NHTM, NHTW sẽ mất một phần cơ sở tiền gửi và buộc phải tăng lãi suất tiền gửi, tức sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận cho vay của họ. Sau khi tích lũy tiền gửi, các NHTW lại phải tham gia hoạt động kinh doanh cho vay thương mại, điều mà họ không được trang bị sẵn sàng. Tuy nhiên, NHTM sẽ không bị đóng cửa nếu được NHTW phân phối các CBDC và tiếp tục các chức năng cho vay. Như vậy, tác động đối với các NHTM sẽ phụ thuộc vào cách các CBDC được thiết kế như thế nào.
Một lo ngại khác là các CBDC có thể làm phức tạp chính sách tiền tệ bằng cách thay đổi nhu cầu về tiền của người dân theo những cách không thể đoán trước. Nhưng các CBDC cũng có thể cải thiện hiệu quả của chính sách tiền tệ thông qua việc nhắm mục tiêu tốt hơn và bằng cách tiếp cận các công ty không có NH, cũng như các công ty không thể tiếp cận các NHTM. CBDC có thể dẫn đến trình trạng “thay thế tiền tệ” khi mọi người chuyển sang sử dụng CBDC của các quốc gia khác, hoặc stablecoin phổ biến, sau đó bắt đầu thay thế đồng nội tệ. 
 CBDC sẽ cung cấp cho các NHTW quyền lực để điều hành chính sách kinh tế. Song liệu các chính phủ có sẵn sàng nhường quyền lực cho định chế duy nhất là NHTW hay không?

Các tin khác