Thách thức tiến thoái lưỡng nan

(ĐTTCO) - Ngày 14-7, Bộ Công Thương Singapore (MTI) chính thức công bố GDP nước này giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm kỷ lục, đồng nghĩa với việc đảo quốc Sư tử bước vào thời kỳ suy thoái. Khác với nhiều cuộc suy thoái trước đây trong lịch sử, nỗ lực phục hồi nền kinh tế Singapore tùy thuộc vào khả năng vượt qua Covid-19 của các quốc gia toàn cầu. 

Thực trạng suy thoái nghiệt ngã
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào cuối tháng 6, tác động kinh tế của Covid-19 là tiên lượng nghiệt ngã, đầy bất trắc và bức tranh kinh tế toàn cầu ngày càng tệ hơn. Theo IMF, kinh tế thế giới sẽ tụt giảm 4,9% so với dự báo cách đây 2 tháng là -3%. Kinh tế Mỹ giảm 8%, trong khi Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Anh suy thoái 2 con số.  Lạc quan nhất có lẽ là Nhật Bản với -5,8%. Các thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển giảm 3%. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mọi khu vực kinh tế trên toàn thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm. Thương mại toàn cầu sẽ giảm 11,2%.
Nhưng đây không phải là kịch bản xấu nhất, bởi còn nhiều ẩn số các dự báo của IMF chưa tính đến. Đó là đại dịch càng kéo dài kinh tế sẽ khó mở cửa, phong tỏa trước mắt đã được dỡ bỏ nhưng người dân vẫn còn tự nguyện giãn cách xã hội, và điều này sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng. Thất nghiệp đã và sẽ tiếp tục diễn ra với câu hỏi bao lâu những người lao động bị sa thải sẽ tìm được việc làm mới, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ điều chỉnh lại như thế nào? 
Thách thức tiến thoái lưỡng nan ảnh 1 Bộ Công Thương Singapore (MTI) công bố GDP nước này giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, việc phục hồi nền kinh tế Singapore tùy thuộc vào khả năng vượt qua Covid-19 của các quốc gia toàn cầu. 
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sự suy giảm toàn cầu về số giờ làm việc trong thời gian từ tháng 1-3 (so với thời kỳ trước Covid-19 từ tháng 10-12 năm ngoái) tương đương mất 130 triệu việc làm toàn thời gian. Sự suy giảm từ tháng 4-6 vừa rồi có khả năng bằng với việc mất hơn 300 triệu việc làm. Người lao động tay nghề thấp, không thể làm việc tại nhà sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo nhìn nhận của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS), ông Ravi Menon, thất nghiệp và phá sản doanh nghiệp sẽ tăng, cá nhân và doanh nghiệp sẽ nợ nần nhiều hơn. Trong buổi công bố báo cáo thường niên của MAS hôm 16-7, ông nói: “Tình hình kinh tế vẫn rất tồi tệ. Chúng ta không ở thời kỳ đầu của kết thúc, mà đang ở giai đoạn cuối của khởi đầu”.

Doanh nghiệp, ngân hàng khốn đốn
Bức tranh suy thoái càng rõ nét hơn qua báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), diễn đàn dành cho các ngân hàng trung ương (NHTW) toàn cầu, được công bố vào hạ tuần tháng 6. Theo đó, BIS đi sâu vào ảnh hưởng của Covid-19 đối với việc vay nợ của doanh nghiệp và khu vực ngân hàng, cũng như kinh tế sẽ phục hồi theo hình dạng như thế nào. Dựa trên mô phỏng bảng cân đối tài chính và báo cáo tài chính của 33.150 doanh nghiệp từ 19 nền kinh tế các nước phát triển và thị trường mới nổi, BIS dự báo trong năm nay có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh lỗ và hàng triệu doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. 
Theo BIS, nợ doanh nghiệp sẽ tăng vọt. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các công ty trên toàn thế giới đã phải đi vay. Tổng tín dụng cho doanh nghiệp ngoài khu vực tài chính tăng từ hơn 120% GDP lên 144% vào cuối năm ngoái. Rất nhiều trong số này là khoản nợ bằng USD đã đạt 12.200 tỷ USD, trong đó 3.800 tỷ USD được nắm giữ bởi các định chế tài chính trên thị trường mới nổi. May mắn, các đồng tiền của thị trường mới nổi như ở châu Á đã không mất giá mạnh như trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với nhật báo The Straits Times, ông Siddharth Tiwari, đại diện BIS tại Hồng Kông, cho rằng điều này có được nhờ các NHTW châu Á đã có chính sách phù hợp và phản ứng sớm với khủng hoảng.
Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến các NHTM toàn cầu chịu áp lực, dù khả năng tài chính của họ mạnh mẽ hơn so với trong giai đoạn khủng khoảng cách đây 12 năm. Nhiều NHTM bị buộc phải tăng các khoản dự phòng rủi ro cho vay. Đơn cử, các NHTM Mỹ đã tăng khoản dự phòng của họ hơn 4 lần trong quý I. Trong báo cáo cũng được công bố vào tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo 33 tổ chức tài chính lớn sẽ lỗ 552 tỷ USD trong 9 quý, theo kịch bản "suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng, kèm theo thời kỳ căng thẳng gia tăng cao độ trong các thị trường bất động sản thương mại và nợ doanh nghiệp”.
Theo kịch bản cực đoan hơn, khi sản lượng sụt giảm sâu và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, các khoản lỗ tăng lên 700 tỷ USD, sẽ đẩy 25% NHTM yếu nhất đến gần với tiêu chuẩn vốn tối thiểu của họ. Hơn 50% khoản lỗ của các NHTM sẽ đến từ 3 lĩnh vực: thẻ tín dụng, cho vay thương mại và công nghiệp và bất động sản thương mại trong nước. Để phòng ngừa, FED tuyên bố sẽ hạn chế việc thanh toán cổ tức của các NHTM lớn, cấm họ mua lại cổ phiếu của mình cho đến ít nhất trong quý IV.
Báo cáo của BIS cho rằng khả năng phục hồi kinh tế hình chữ V là không thể, ngay cả hình chữ U cũng khó xảy ra. Lý do, nguy cơ những đợt nhiễm Covid-19 mới sẽ bùng phát và điều này đã diễn ra ở nhiều nước, khi các biện pháp ngăn chặn hay phong tỏa được áp dụng trở lại. Trong trường hợp đó, sự phục hồi sẽ không phải là chữ U mà là hình chữ W hoặc hình sóng và có độ dài không rõ ràng". Điều này sẽ gây thêm áp lực lên cả chính sách tiền tệ và tài khóa của các nước.

Tiến thoái lưỡng nan
Theo đại diện của BIS, trong lĩnh vực chính sách tiền tệ, các NHTW không chỉ vượt ra ngoài những giải pháp tiền tệ truyền thống như giảm lãi suất, còn mở rộng chức năng “người cho vay cuối cùng”, bằng cách cung cấp thanh khoản nhiều hơn cho các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và đầu tư, thậm chí mua chứng khoán của các công ty tư nhân để đảm bảo rằng thị trường không ngưng trệ. Tuy nhiên, ông Tiwari cho rằng nếu các NHTW có thể giảm bớt áp lực thanh khoản, việc cho vay của họ không thể ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Ông nói: “Cách tiếp cận của họ ban đầu không phải phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, bởi các NHTW không có khả năng này. Vì vậy, họ đã cung cấp thanh khoản trên cơ sở rộng rãi. Nhưng càng nhiều khoản hỗ trợ cho vay, sẽ đến lúc biết được ai có/không khả năng trả nợ, và vào thời điểm đó khi trọng tâm khủng hoảng chuyển sang khả năng thanh toán, cần phải có sự can thiệp từ chính sách tài khóa”. 
Theo BIS, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, đã mạnh tay trong chính sách tài khóa với mức chi tiêu 10% GDP, thậm chí 20% trong trường hợp của Singapore. Nhưng cách tiêu tiền đã khác với thời kỳ suy thoái bình thường, bởi trong bối cảnh đại dịch thúc đẩy nhu cầu không phải là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, với nhiều hoạt động kinh tế bị hạn chế, việc chi tiêu không đáp ứng với những gói kích thích như vậy. Biện pháp khả dĩ là giảm nhẹ các vấn đề về dòng tiền của các doanh nghiệp, hộ gia đình do kinh tế bế tắc. Theo cách nói của ông Tiwari, điều này "giống như cung cấp huyết mạch cho bệnh nhân trong tình trạng hôn mê để giữ các cơ quan quan trọng trong cơ thể tiếp tục hoạt động".
Thực tế nghiệt ngã nói trên cho thấy mọi chính sách tiền tệ hay tài khóa đều tùy thuộc vào thời điểm đại dịch sẽ được kiểm soát. Khi đó những biện pháp kích thích tài khóa truyền thống có thể quay trở lại. Theo báo cáo của IMF, các nước nên tập trung đầu tư công vào cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số, hệ thống chăm sóc sức khỏe và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Nhận xét về các biện pháp của Singapore, đại diện BIS cho rằng bên cạnh các gói tài chính mạnh mẽ, chính phủ nước này đã có chiến lược phù hợp trong việc đào tạo và trang bị lại lực lượng lao động cho tương lai.
 Chi tiêu quá ít có thể gây ra các vụ phá sản và sa thải trên diện rộng. Chi tiêu quá nhiều, quá sớm làm guồng máy kinh tế nhanh hơn, dẫn đến tăng nhiễm mới và khủng hoảng do đại dịch trở lại. Cho phép doanh nghiệp phá sản quá sớm có thể giết chết các động lực tăng trưởng trong tương lai, nhưng trì hoãn chúng quá lâu lại làm chậm quá trình phục hồi nền kinh tế.

Các tin khác