Tham nhũng liên quan đến chống dịch Covid-19: Vấn nạn nguy hiểm

((ĐTTCO) - Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, nhu cầu về trang thiết bị y tế cũng như cung cấp nhu yếu phẩm cho những người bị ảnh hưởng tại các quốc gia đều tăng cao. Việc chính phủ các nước đẩy nhanh tốc độ mua sắm để ứng phó với đại dịch đã tạo ra kẽ hở cho một số quan chức, nhà thầu trục lợi bất chính. Đây rõ ràng là một vấn nạn nguy hiểm mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Cựu Bộ trưởng Y tế Bolivia Marcelo Navajas bị bắt giữ do cáo buộc tham nhũng.
Cựu Bộ trưởng Y tế Bolivia Marcelo Navajas bị bắt giữ do cáo buộc tham nhũng.

Gần đây nhất, ngày 25-5, Tòa án Bolivia đã ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với cựu Bộ trưởng Y tế Marcelo Navajas do liên quan đến vụ đội giá mua máy trợ thở. Vụ việc được phát giác hồi cuối tuần trước sau khi các bác sĩ cho biết 179 máy trợ thở được mua về không phù hợp cho các khoa hồi sức cấp cứu ở các trung tâm y tế Bolivia. Sau đó, xuất hiện các tài liệu cho thấy số thiết bị trên bị đội giá quá cao, gấp 2,5 lần so với thực tế. Những bức thư trao đổi với doanh nghiệp cung cấp máy trợ thở cho thấy ông M.Navajas đã lợi dụng vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế để “bật đèn xanh” cho việc làm sai trái nói trên.

Ở Colombia, khi các quan chức bang Cesar bắt đầu phân phát đồ ăn tới người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa hồi cuối tháng 4, nghị sĩ Ricardo Quintero đã hốt hoảng khi nhìn thấy mức giá được trả cho nhà cung cấp. Ông tự mình kiểm chứng bằng cách tới một cửa hàng ở địa phương để mua thì số tiền phải trả chỉ bằng một nửa so với con số mà chính quyền bang đưa ra. Đó chỉ là một trong 14 vụ việc đang được điều tra tại 14 bang thuộc quốc gia Nam Mỹ này liên quan đến việc kê khống giá khi chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, cơ quan công tố của Panama, Honduras và Guatemala thông báo đang tiến hành điều tra các vụ tham nhũng liên quan tới việc mua vật tư và thiết bị y tế phòng, chống đại dịch. Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ, dịch Covid-19 chỉ mới bắt đầu tại khu vực Trung Mỹ, nơi hơn 1/2 trên tổng số 50 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói và khủng hoảng bởi bạo lực băng đảng và buôn bán ma túy. Ngoài ra, sự yếu kém về thể chế đã “tiếp tay” cho nạn tham nhũng, một căn bệnh kinh niên gây thất thoát ngân sách công vốn rất eo hẹp.

Còn tại Azebaijan, cơ quan công tố thông báo đã mở chiến dịch truy quét tham nhũng trên toàn quốc. Kết quả có 6 quan chức địa phương bị bắt vì tội nhận hối lộ để cấp giấy phép ra khỏi nhà cho một số công dân trong khi cả nước đang thực hiện nghiêm ngặt lệnh cách ly. Hai trong số này còn bị cáo buộc biển thủ trợ cấp lương thực dành cho người nghèo.

Trước nguy cơ tham nhũng sẽ cản trở nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người, nhiều quốc gia đã đưa ra biện pháp mạnh nhằm ngăn ngừa hành vi này. Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia khẳng định, những kẻ bị kết tội tham nhũng liên quan đến các quỹ cứu trợ Covid-19 sẽ phải đối mặt với án tử hình. Tại Mỹ, khi triển khai gói cứu trợ 2.200 tỷ USD, theo quy định, doanh nghiệp có tổng thống hay bất kỳ quan chức chính phủ nào giữ đa số cổ phần đều không được nhận tiền hỗ trợ. Mỹ cũng thiết lập một ủy ban thanh tra tổng thể để giám sát việc chi tiêu trong gói tài chính này.

Tương tự như nạn tin giả, sản xuất vật tư y tế giả, tham nhũng cũng đang là một “đại dịch” khiến nhiều quốc gia phải ứng phó trong lúc cần tập trung toàn lực để kiểm soát sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chính phủ các nước nên đặc biệt quan tâm tới việc giám sát hoạt động mua sắm công. Đối với các tổ chức tài trợ, cho vay, cần đề cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình. Điều này sẽ giúp ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, tập trung nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.

Các tin khác