Tháng lễ Ramadan khác biệt nhất

(ĐTTCO) - Ngày 23-4 tới đây, khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo sẽ bước vào tháng lễ Ramadan đặc biệt nhất trong lịch sử, khi họ phải tuân thủ các biện pháp giãn cách trước tình cảnh đặt ra do đại dịch Covid-19.

Tháng Ramadan với người Hồi giáo là thời gian dành cho gia đình và gặp gỡ cộng đồng, sám hối, cho các hoạt động thiện nguyện và cầu nguyện tập thể. Tuy nhiên, năm nay, mọi người sẽ không tới thăm nhau và hạn chế tiếp khách, nhằm ngăn chặn virus lây lan tại hầu hết các quốc gia từ Senegal tới Đông Nam Á. Các Thánh địa Mecca và Medina ở Saudi Arabia đang bị giới nghiêm. Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa và Mái vòm đá ở thành phố cổ Jerusalem bị đóng cửa và những buổi cầu nguyện bị đình chỉ.

Thánh địa Mecca những ngày bị phong tỏa

Thánh địa Mecca những ngày bị phong tỏa

 Đối với người Hồi giáo, việc không thể tham gia vào cầu nguyện với hội chúng và bạn bè trong tháng Ramadan là một thử thách về mặt cảm xúc. Việc ăn chay và thiện nguyện cũng sẽ khó sắp xếp trong mùa dịch. Các chủ nhà hàng tại Algeria cho đến các nhà từ thiện ở Abu Dhabi không biết làm sao để đưa các bữa ăn “xả chay” (iftar- người dân ăn uống đồ mặn sau một ngày ăn chay hoặc không ăn) cho người lao động thu nhập thấp ở đâu khi các đền thờ đều đã đóng cửa.

Tuy nhiên, cũng giống như các tín ngưỡng khác, người Hồi giáo đang sử dụng công nghệ để tổ chức gặp gỡ người thân trên mạng, thông qua các nền tảng trực tuyến khi mọi hình thức tụ tập đều bị cấm. Những lời cầu nguyện trong tháng Ramadan và những buổi cầu kinh Quran hàng đêm sẽ được chuyển lên mạng. Quy trình gây quỹ từ thiện cũng dựa trên các nền tảng kỹ thuật số. Có một ngoại lệ được các học giả Hồi giáo chấp nhận là miễn trừ việc nhịn ăn cho những người dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các tin khác