Thành sự tại… vaccine 

(ĐTTCO)-Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa được công bố ngày 9-3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã rất lạc quan với các dự báo mới của mình. Tuy vậy, lộ trình phục hồi của mỗi nước sẽ phụ thuộc vào vaccine, hỗ trợ của chính sách tài khóa, hệ thống y tế và quy mô của các ngành bị thiệt hại nặng do Covid-19.
Mưu sự tại nhân
Theo đánh giá của OECD, hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi mạnh từ đáy tháng 4-2020.  Chỉ số này của thế giới đã vượt mức trước khủng hoảng từ tháng 7-2020, riêng nhóm các nước OECD bắt đầu về lại mức trước khủng hoảng 12-2019 kể từ tháng 12-2020.
Hoạt động thương mại toàn cầu cũng đã hồi phục nhanh, biểu hiện qua lượng hàng hóa vận chuyển đường hàng không, tàu biển. Hàng container đường biển tăng hơn thời điểm trước khủng hoảng 6%, trong khi hàng hóa theo đường hàng không vượt mốc trước khi khủng hoảng vào cuối năm 2020.
Người viết cũng cảm nhận được điều này khi so với giai đoạn hè năm vừa qua, hàng hóa ở các cửa hàng, trung tâm thương mại ở Pháp rất nhiều, có điều thiếu vắng người đi mua sắm vì giãn cách xã hội vẫn còn khi số ca nhiễm mới chưa giảm.
Nhiều nước ở châu Âu vẫn giữ các quy định về làm việc tại nhà, hạn chế di chuyển, các trung tâm thương mại lớn phải đóng cửa, thậm chí ban hành lệnh giới nghiêm vào ngày nghỉ cuối tuần để hạn chế người dân tụ tập.
Ánh nắng mặt trời đang trở lại với kinh tế thế giới, nhưng những đám mây đen có thể kéo đến từ việc sản xuất và triển khai tiêm vaccine.
Tốc độ tăng trưởng GDP thực của thế giới và nhiều nền kinh tế lớn được OECD dự báo rất lạc quan trong năm 2021 và 2022. Theo đó, tốc độ tăng toàn cầu năm 2021 là 5,6%, năm 2022 là 4%. Các nền kinh tế lớn sẽ có tăng trưởng ấn tượng, như Mỹ 6,5% trong năm 2021, 4% trong năm 2022. Khu vực đồng EUR tăng tương ứng 3,9% và 3,8%. Cá biệt, châu Á có sự bật dậy mạnh mẽ với 12,6% của Ấn Độ và 7,8% của Trung Quốc trong năm 2021.
Vậy đâu là động lực của sự phục hồi này? Trước hết phải đề cập đến tác động của các gói hỗ trợ chưa từng có từ chính sách tài khóa và tiền tệ. Thị trường đã bớt bất an với việc Tổng thống Mỹ Biden ký gói 1.900 tỷ USD. Hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 11-3 cũng gửi thông điệp sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh nền kinh tế, bơm tiền trong bối cảnh lãi suất rục rịch tăng.
Cùng với đó, các gói cứu trợ đã có kế hoạch từ trước vẫn tiếp tục triển khai. Nhưng lý do không kém phần quan trọng là sự kìm nén chi tiêu của người dân nhiều nước, đặc biệt các nước có thu nhập cao. Sắp tròn một năm người dân các nước này bị phong tỏa, hạn chế đi lại, nên nhu cầu chi tiêu như lò xo bị nén quá cỡ. Khi được bung ra sức bật sẽ lớn vô cùng.
Thành sự tại… vaccine  ảnh 1
Thành sự tại… vaccine
Báo cáo của OECD nhấn mạnh, sự phục hồi của kinh tế thế giới phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình sản xuất và triển khai tiêm ngừa. Với những loại vaccine đã được công nhận, nhiều nước đã gặp vấn đề số lượng sản xuất không như dự kiến ban đầu.
Quá trình triển khai tiêm cũng phát sinh nhiều vấn đề như có một bộ phận phản đối vaccine, có loại vaccine khi đã mở phải tiêm cùng lúc cho 10 người vì việc bảo quản khó khăn.
Nhiều nước có tỷ lệ dân số tiêm vaccine còn thấp. Theo số liệu của những nước có người dân được tiêm ít nhất 1 mũi, Israel là nước có tỷ lệ cao nhất gần 60% dân số, tiếp đến là Anh hơn 30%, Mỹ gần 20%, Đức, Pháp chưa tới 10%. Riêng Pháp dự kiến đến mùa hè này sẽ bao phủ toàn dân. 
Trong khi đó, việc tiếp cận vaccine lại là câu hỏi lớn với những nước có thu nhập thấp, không được đảm bảo bởi hệ thống bảo hiểm y tế.
Ở các nước giàu, vaccine là miễn phí nhưng với những nước nghèo, nếu người dân phải tự bỏ tiền túi cũng là một trở ngại lớn, cho thấy việc tiếp cận vaccine còn là vấn đề bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản giữa các nước, giữa các tầng lớp dân cư trong một nước.
Thành sự tại… vaccine  ảnh 2
Bên cạnh yếu tố quan trọng là vaccine, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi của các nền kinh tế. Trước hết là độ lớn và hiệu quả của các chính sách tài khóa thường nhanh và trực diện hơn chính sách tiền tệ. Các nước có nguồn lực có sẵn hoặc có khả năng vay như Mỹ, Nhật bản, EU mạnh tay với các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Tiếp đến là năng lực của hệ thống y tế, cùng với các chính sách phòng chống dịch. Nhiều nước mặc dù hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, nhưng chính sách phòng chống dịch quyết liệt, tập trung nên số ca lây nhiễm thấp, mà điển hình là Việt Nam.
Có những nước, dù hệ thống cơ sở vật chất y tế tốt nhưng bị giới hạn về năng lực nhân sự, khi có những điểm dịch tập trung dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ. Theo đó, khó khăn sẽ lớn hơn với những nền kinh tế có sự phụ thuộc đáng kể vào ngành du lịch và lữ hành. Đây là lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất do Covid-19. Chính vì vậy, các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Mexico, Tây Ban Nha, Italia, Pháp là những nước có GDP bị sụt giảm nhiều trong năm 2020.
Ánh nắng mặt trời đang trở lại với kinh tế thế giới, nhưng những đám mây đen có thể kéo đến từ việc sản xuất và triển khai tiêm vaccine. Đây là vấn đề toàn cầu vì phải giải quyết sớm các vấn đề chưa thống nhất trong việc công nhận một dạng hộ chiếu vaccine, cơ hội tiếp cận vaccine của người dân các nước có thu nhập thấp như thế nào.
Ngoài ra, người lao động trong một số lĩnh vực cần sự hỗ trợ nhiều hơn các lĩnh vực khác, các chính sách tài khóa cần hỗ trợ đúng đối tượng và không lãng phí. Các chính phủ vì vậy cần phải tích cực hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn tốc độ lây lan của virus.

Các tin khác