Thế giới tuần qua: Kỷ lục buồn vì COVID-19, suy thoái bên bờ vực

(ĐTTCO) - Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) vượt ngưỡng 1,1 triệu người và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu từ hậu quả COVID-19 là 2 thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Brooklyn, New York, Mỹ.
Điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Brooklyn, New York, Mỹ.
Mỹ-Âu gồng mình khi đỉnh dịch tới gần

Trong tuần qua, thế giới đã chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tăng kỷ lục gần gấp đôi so với tuần trước, vượt qua mốc 1,1 triệu người. Châu Âu và Mỹ tiếp tục là các tâm dịch COVID-19 lớn trên thế giới.

Tính đến 17h chiều 4/4 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lây lan ra 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 1.130.114 ca mắc bệnh và trên 60.000 ca tử vong. Với những biện pháp nghiêm ngặt ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh bao gồm lệnh giới nghiêm hoặc cách ly, hơn 3,9 tỷ người - tương đương 50% tổng số 7,8 tỷ dân toàn cầu – buộc phải ở nhà.

Mỹ hiện có ít nhất 277.522 ca nhiễm virus SARS-CoV-2  và 7.403 người đã tử vong. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, trong vòng 24 giờ từ ngày 2-3/4, Mỹ ghi nhận gần 1.500 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19, mức cao kỷ lục trên thế giới trong vòng một ngày kể từ đại dịch bùng phát. 

Giới chức y tế đã bày tỏ lo ngại về viễn cảnh con số tỷ vong trong tuần tới có thể tiếp tục tăng cao khi công suất của hệ thống y tế đang gần đạt mức tối đa ở nhiều thành phố như New York. Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 3/4 cảnh báo bang này sẽ cạn kiệt máy thở trong 6 ngày tới. Trong khi đó, Thị trưởng Washington DC, bà Muriel Bowser cho biết thủ đô của nước Mỹ sẽ cần khoảng 3.600 giường bệnh để phục vụ các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 khi thời điểm đỉnh dịch có thể diễn ra trong 2 tuần tới. 

Trong một động thái hỗ trợ tình trạng khủng hoảng trang thiết bị vật tư y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 đã vận dụng Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA) để các doanh nghiệp sản xuất máy trợ thở dành cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhận được nguồn cung ứng các vật tư cần thiết. Không chỉ vậy, vận dụng đạo luật trên, ngày 4/4, nhà lãnh đạo ra chỉ thị cấm xuất khẩu khẩu trang và găng tay y tế ra khỏi nước Mỹ, nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ, tăng giá và trục lợi.

Italy tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh tại châu Âu, khi tuần qua, giới chức nước này thông báo tình hình COVID-19 tại Italy đã đạt đỉnh. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên tới 119.827trường hợp, trong đó số ca tử vong là 14.681trường hợp. Mặc dù thông báo Italy đã chạm mốc đỉnh dịch song Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro khẳng định đó không phải là điểm kết thúc và quốc gia vẫn cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ. Ngày 1/4 Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa trên cả nước tới ngày 13/4. 

Ổ dịch lớn thứ hai tại châu Âu – Tây Ban Nha cũng chứng kiến một tuần đầy chết chóc. Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong do dịch bệnh tại nước này đã vượt quá ngưỡng 10.000 người. Cụ thể, theo những số liệu thống kê mới nhất tính đến chiều 4/4, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi 1.198 sinh mạng trong tổng số 119.199 người được xác định mắc COVID-19.

Với một số quốc gia châu Âu còn lại như Anh, Đức, Pháp, chính phủ thông báo vẫn chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại vì tình hình dịch bệnh còn quá phức tạp và các nước này vẫn chưa chạm đến đỉnh dịch. Anh hiện ghi nhận 38.168 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đó có 3.605 ca tử vong và chỉ có 135 ca khỏi bệnh. Quốc gia này ngày 3/4 đã chính thức khánh thành bệnh viện dã chiến cực lớn tại trung tâm hội nghị ExCeL ở thủ đô London với sức chức lên tới 4.000 giường bệnh được trang bị máy thở. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã đưa ra dự đoán rằng đỉnh dịch của Anh sẽ rơi vào đúng lễ Phục sinh ngày 12/4.

Tại châu Á, Trung Quốc được cho là đang tiến vào giai đoạn tiếp theo của dịch COVID-19. Các ca nhiễm mới theo ghi nhận có chiều hướng tăng nhưng gần như hầu hết các ca rơi vào người từ nước ngoài trở về, đã được cách ly ngay từ khi nhập cảnh. Ngày 4/4, nước này đã tổ chức một ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của dịch bệnh COVID-19. Tính đến hết ngày 3/4, Trung Quốc đã có 82.875 ca nhiễm bệnh và 3.335 ca tử vong do COVID-19. 

Báo động đỏ suy thoái kinh tế toàn cầu
Thế giới tuần qua: Kỷ lục buồn vì COVID-19, suy thoái bên bờ vực ảnh 1 Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo dịch COVID-19 có thể gây suy thoái nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Ngày 2/4, Bộ Lao động Mỹ thông báo có thêm 6,65 triệu lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần, mức cao nhất trong lịch sử. Bộ này cho biết hầu hết các bang của Mỹ đều bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động tới hầu hết các ngành nghề, đặc biệt là kinh doanh khách sạn, sản xuất và bán lẻ. Dịch COVID-19 cũng đã đẩy số đơn hàng mới của các nhà máy tại Mỹ xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số biểu thị hoạt động chế tạo quốc gia đã giảm từ 50,1 điểm trong tháng Hai xuống 49,1 điểm trong tháng Ba. Chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy lĩnh vực chế tạo, vốn chiếm 11% nền kinh tế Mỹ, đang suy giảm. Trước những tác động mang tính tàn phá của dịch COVID-19 đối với kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra những biện pháp chưa từng có và Quốc hội Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, bất chấp gói kích thích kinh tế khổng lồ này, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ sẽ vẫn phải trải qua một thời kỳ suy giảm. Trong khi đó, Liên hợp quốc đưa ra một thực tế khu vực Mỹ Latinh đang tiến tới đợt "suy thoái sâu" trong năm nay, với GDP khu vực được dự báo sẽ giảm 1,8%-4%, do sự sụt giảm trong các hoạt động kinh tế với Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Đối với các quốc gia châu Âu vốn dĩ còn lao đao vì dịch bệnh, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Ngày 2/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một gói bảo hiểm trên quy mô toàn EU, có thể lên tới 100 tỷ euro, để hỗ trợ chương trình bảo hiểm thất nghiệp ở các quốc gia thành viên đang bị quá tải khi hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Trung Quốc – quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 tại châu Á – vừa qua cũng đã phải công bố giải pháp mới kích thích kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa xuống còn 6%, đồng thời quyết định "bơm" 400 tỷ nhân dân tệ để ổn định thanh khoản tiền mặt. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể giảm mạnh tới 9% so với cùng kỳ năm ngoái - và là lần đầu tiên suy giảm mạnh như vậy trong 30 năm qua. 

Các tin khác