Tín hiệu báo động trên TTCK Mỹ: Các công ty làm ăn bết bát ồ ạt phát hành cổ phiếu

(ĐTTCO) - Trong 12 tháng qua, gần 750 công ty làm ăn thua lỗ đã bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu bạn cho rằng việc các công ty vội vã bán cổ phiếu là một điềm gở đối với thị trường, thì hãy tưởng tượng đến viễn cảnh phần lớn trong số đó đến từ những công ty không kiếm được tiền. Và điều đó đang diễn ra trên TTCK Mỹ. Kể từ cuối tháng 3, gần 100 công ty không có lợi nhuận, bao gồm GameStop và AMC, đã huy động vốn thông qua những đợt phát hành cổ phiếu thứ cấp. Con số này cao gấp đôi so với các công ty có lãi, theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp.

Có thể, các công ty đang gặp khó khăn về tài chính đang nỗ lực tận dụng thời điểm nhu cầu tăng cao trong đợt bùng nổ của giới đầu tư nhỏ lẻ kéo dài 16 tháng để cải thiện bảng cân đối kế toán. Và đây cũng là một dấu hiệu khác cho thấy thị trường vốn đã hoạt động trơn tru. Dẫu vậy, một số ý kiến cảnh báo rằng "làn sóng" phát hành cổ phiếu của những công ty thua lỗ đang trở nên cực đoan.

Trong 12 tháng qua, gần 750 công ty làm ăn thua lỗ đã bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp. Con số này vượt qua những công ty có lợi nhuận với mức chênh lệch lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1982, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Sundial Capital Research.

Mike Bailey – giám đốc nghiên cứu của FBB Capital Partners, cho biết: "Có lẽ, xu hướng này cho thấy rằng những công ty đó đang ngày càng tham lam. Bất cứ khi nào bạn chứng kiến đợt bán cổ phiếu của những công ty gặp khó khăn về tài chính, thì đó có thể là tín hiệu chúng ta đang tiến gần đến đỉnh hơn là đáy của một chu kỳ."

Tín hiệu báo động trên TTCK Mỹ: Các công ty làm ăn bết bát ồ ạt phát hành cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn hào hứng rót tiền - Ảnh 1.

Trên thực tế, 2 giai đoạn trước đây – khi các công ty không có lợi nhuận "thống trị" những đợt phát hành cổ phiếu, S&P 500 đã ở giai đoạn đầu hoặc đang ở trong thị trường giá xuống.

Những gì diễn ra năm 2000 có thể cho thị trường nhận thấy đâu là yếu tố rủi ro. Khi đó, sự sôi động tương tự của thị trường đã thúc đẩy các công ty làm ăn thua lỗ phát hành cổ phiếu. Khi cung vượt quá cầu, "bữa tiệc" này sẽ trở thành mối lo sợ. Các cổ phiếu không được hỗ trợ bởi những yếu tốc cơ bản đã bị bán tháo và "sự tàn sát" lan sang phần còn lại của thị trường.

Jeanette Garretty – nhà kinh tế trưởng tại Robertson Stephens Wealth Management, cho hay: "Có lẽ, thị trường đang chứng kiến xu hướng tiền quá nhiều trong khi những ‘deal hời’ lại quá ít. Khi những thương vụ giao dịch tốt không cần đến số tiền đó, họ bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn kém nổi trội hơn. Sau đó, điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả tàn khốc."

Theo Randy Frederick – giám đốc điều hành bộ phận giao dịch và phái sinh của Charles Schwab Corp., khi phần lớn lĩnh vực kinh doanh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch, việc dễ dàng huy động vốn thông qua những đợt phát hành cổ phiếu lại là điều tốt cho những doanh nghiệp như vậy. Ông cho biết thêm, khi lượng vốn tăng lên, nhiều công ty gặp khó khăn giờ đây có thể bắt đầu xoay vòng vốn.

Tín hiệu báo động trên TTCK Mỹ: Các công ty làm ăn bết bát ồ ạt phát hành cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn hào hứng rót tiền - Ảnh 2.

Lấy AMC làm ví dụ. Khi đứng trước bờ vực phá sản trong thời kỳ nền kinh tế đóng cửa, hãng rạp chiếu phim đã tận dụng cơn sốt cổ phiếu meme để huy động khoảng 1,25 tỷ USD thông qua những đợt bán cổ phiếu trong vài tháng gần đây. Cùng với triển vọng tươi sáng hơn cho ngành phim ảnh, S&P Global Ratings đã nâng điểm tín dụng của AMC.

Tương tự, GameStop cũng thực hiện 2 lần huy động vốn, cho biết họ sẽ đầu tư vào các sáng kiến tăng trưởng và duy trì bảng cân đối kế toán mạnh mẽ. Nhà đầu tư chủ động (activist investor) Ryan Cohen đã mua 13% cổ phần của GameStop và đang nỗ lực giúp công ty này phát triển mạnh trên các trang thương mại điện tử, thay đổi hình thức bán hàng tại các cửa hàng truyền thống.

Frederick cho hay: "Một công ty không có lợi nhuận có thể phát hành cổ phiếu, nhận vốn lưu động, thay đổi chiến lược, tìm đến những hình thức kinh doanh mới, thực hiện R&D hay bất kỳ việc gì. Điều này có thể giúp họ thu về lợi nhuận và hoạt động kinh doanh tăng trưởng trở lại. Đó là lý do vì sao thị trường vốn tồn tại."

Đương nhiên, không có gì đảm bảo rằng nỗ lực chuyển đổi sẽ thành công. Diễn biến của cổ phiếu sau đợt phát hành cho thấy nhà đầu tư vẫn ưa thích chất lượng hơn. Trong số các công ty phát hành cổ phiếu ở quý này, cổ phiếu của những công ty đang gặp khó khăn tăng trung bình 2,7% tính đến thứ Sáu, thấp hơn các công ty có lãi 2 điểm phần trăm.

Công ty Sudial đã theo dõi một số chỉ số để đánh giá tâm lý thị trường về xu hướng này. Theo Jason Goepfert – nhà sáng lập Sudial, việc các công ty thua lỗ đang tràn ngập thị trường thứ cấp càng cho thấy sự hưng phấn đang tăng cao.

Scott Knapp – giám đốc chiến lược thị trường tại CUNA Mutual Group, đồng tình với quan điểm trên. Ông nói: "Khi khẩu vị gia tăng đối với những vấn đề của các công ty làm ăn thua lỗ, điều này có xu hướng đánh dấu một điểm hưng phấn. "

Knapp cho biết thêm: "Đây không nhất thiết là một tín hiệu cho thấy thị trường sắp đảo chiều. Tuy nhiên, đây cũng là điều thường xảy ra trước thời kỳ một xu hướng sẽ đảo ngược, khi thị trường có nhiều khả năng hạ nhiệt trong bối cảnh khẩu vị đối với các công ty gặp khó khăn về tài chính tăng lên."

Các tin khác