Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga sẽ trả giá đắt nếu leo thang quân sự biên giới với Ukraine

(ĐTTCO) - Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Nga leo thang quân sự ở biên giới với Ukraine.

Hai tổng thống Putin và Biden chào nhau trong phần mở đầu Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ, ngày 7/12. (Nguồn: Anadolu)
Hai tổng thống Putin và Biden chào nhau trong phần mở đầu Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ, ngày 7/12. (Nguồn: Anadolu)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/12 đã có cuộc gặp trực tuyến kéo dài 2 tiếng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên quan tới việc Nga triển khai quân đội ở biên giới với Ukraine.

QUAN NGẠI SÂU SẮC

Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ quan ngại sâu sắc của Mỹ và các đồng minh châu Âu về việc Nga tăng cường các lực lượng xung quanh Ukraine. Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả với các biện pháp kinh tế và các biện pháp mạnh mẽ khác trong trường hợp Nga leo thang quân sự.

Tổng thống Joe Biden nhắc lại sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đồng thời kêu gọi xuống thang và quay trở lại con đường ngoại giao. Hai Tổng thống cũng chỉ đạo đội ngũ của mình thực hiện các hoạt động tiếp theo và Mỹ cũng sẽ hành động tương tự cùng với các đối tác và đồng minh của mình. Hai bên cũng thảo luận đối thoại Mỹ-Nga về ổn định chiến lược, đối thoại về phần mềm sử dụng mã độc tống tiền cũng như phối hợp trong các vấn đề khu vực như Iran.

Trong khi đó, thông tin từ điện Kremlin cho biết cuộc gặp đã diễn ra một cách thẳng thắn và tập trung thảo luận việc thực hiện kết quả của cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước ở Thụy Sỹ hồi tháng 6. Tổng thống Putin và Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại sự liên kết chống phát xít giữa Mỹ và Nga hồi Thế chiến thứ 2 và nhấn mạnh điều này cần là ví dụ cho việc xây dựng các mối liên hệ giữa hai nước. Tổng thống Putin cũng đề nghị hủy bỏ các giới hạn đối với phái bộ ngại giao và bình thường hóa các mặt khác của quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Putin cho biết Nga nghiêm túc trong việc được đảm bảo một cách đáng tin cậy rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía Đông như khối này từng cam kết sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Đông Âu. Tổng thống Putin cũng cáo buộc NATO có các nỗ lực nguy hiểm nhằm kiểm soát Ukraine đồng thời nhấn mạnh với Tổng thống Joe Biden rằng việc quy trách nhiệm cho Nga về căng thẳng hiện tại giữa hai nước là không đúng. Tổng thống Putin đồng thời cũng lên án thái độ phá hoại của Ukraine đối với việc giải quyết hòa bình tình hình ở đông Ukraine.

Sau cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có các cuộc điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo một số nước đồng minh bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia Mario Draghi và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Theo thông tin từ Nhà Trắng, lãnh đạo các nước này đã thống nhất tiếp tục trao đổi liên quan tới việc Nga triển khai quân đội ở biên giới với Ukraine. Tổng thống Joe Biden cũng dự kiến sẽ trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong những ngày tới.

NĂM ĐIỂM CHÍNH

Ông Biden nói về việc Nga "xâm lược" Ukraina

Tổng thống Mỹ bày tỏ quan ngại về kế hoạch được cho là Nga sẽ xâm chiếm Ukraina vào tháng 1 tới – một cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ mà Moscow gọi là “tin giả”.

Ông Biden cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga nếu một cuộc xâm lược như vậy xảy ra. Tuy nhiên, sau cuộc họp, Nhà Trắng cho biết họ không tin rằng ông Putin đã quyết định "xâm lược thêm" Ukraina.

Tổng thống Putin yêu cầu cam kết từ NATO

Tổng thống Putin nhấn mạnh, chính NATO đang có những động thái quyết đoán chống lại Nga, bao gồm cả ở Ukraina, và Moscow muốn nhận được những đảm bảo pháp lý vững chắc rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ không mở rộng thêm về phía đông, hoặc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở bất kỳ quốc gia nào giáp biên giới Nga, trong đó có Ukraina.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng tố cáo chính sách "phá hoại" của chính quyền Kiev, nói rằng nó nhắm đến hủy bỏ các thỏa thuận hòa bình ở miền đông Ukraina.

Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga sẽ trả giá đắt nếu leo thang quân sự biên giới với Ukraine ảnh 1

Ảnh: Sputnik / Reuters

Các đòn trừng phạt ăn miếng trả miếng

Nhà lãnh đạo Nga đề xuất loại bỏ tất cả những hạn chế về hoạt động của các đại sứ quán và lãnh sự quán, được áp đặt trong 7 năm qua bằng các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng, và theo đó bình thường hóa hoạt động ngoại giao.

Phía Mỹ đã khởi xướng cuộc xung đột này bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao Nga vào cuối năm 2016; việc cắt giảm qua lại đã dẫn đến việc nhiều lãnh sự quán bị đóng cửa và các đại sứ quán ở cả hai nước không thể hoạt động hết công suất.

Cùng chiến đấu chống tin tặc và mã độc

Phía Nhà Trắng đề cập ngắn gọn rằng “mã độc” đã xuất hiện trong các cuộc hội đàm, trong khi Kremlin nói hai bên sẵn sàng "tiếp tục tương tác" trong nỗ lực chống tội phạm mạng, ở cả cấp độ kỹ thuật và thực thi pháp luật.

Các tuyên bố rằng "tin tặc Nga" iên quan đến các vụ xâm phạm cơ sở hạ tầng và nhắm đến các chính trị gia Mỹ đã khiến cho quan hệ Washington – Moscow thêm sóng gió kể từ cuộc bầu cử năm 2016. Phía Nga cáo buộc Washington đang "săn lùng" công dân nước này trên khắp thế giới về tội phạm mạng, đồng thời tố Mỹ phớt lờ các cuộc tấn công mạng do các quốc gia "thân chủ" của Mỹ thực hiện.

Nhớ về Liên minh Thế chiến 2

Nhân 80 năm sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, sự kiện khiến Mỹ công khai tham gia Thế chiến 2, ông Biden và ông Putin nhất trí rằng những người đã hy sinh vì chiến thắng sẽ không bị lãng quên.

Họ cũng nhắc lại liên minh giữa Washington và Moscow trong cuộc chiến đó, mô tả đó có thể là một ví dụ cho sự hợp tác trong thời đại ngày nay.

Các tin khác