Trung Quốc: Xây dựng lại chuỗi cung ứng

(ĐTTCO)-Sự gián đoạn chuỗi cung ứng Trung Quốc do tác động của đại dịch Covid-19 tựa như nút cổ chai bóp nghẹt doanh thu của các công ty trên toàn thế giới. Cỗ máy khổng lồ đó sau một thời gian dài bị “cúm” nay đã bắt đầu gượng dậy với các hoạt động sản xuất được tái khởi động, người dân đang quay trở lại với cuộc sống và làm việc hàng ngày.
Apple đã tái khởi động lại nhà máy Foxconn tại Hà Nam, Trung Quốc nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ.
Apple đã tái khởi động lại nhà máy Foxconn tại Hà Nam, Trung Quốc nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ.
Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để các công ty tiếp tục sản xuất bình thường và ứng phó với các tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng.

Thay đổi để thích ứng
Đại dịch Covid-19 đã tấn công thế giới ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy. Nó đã làm đóng cửa doanh nghiệp, ngừng sản xuất nhà máy và gián đoạn các ngành sản xuất toàn cầu và mạng lưới cung ứng của họ. Các ngành công nghiệp chính như ô tô, điện tử, dược phẩm, thiết bị y tế và vật tư, hàng tiêu dùng và nhiều hơn nữa đã bị ảnh hưởng đáng kể. Đây là kết quả của việc Trung Quốc đã trở thành một trung tâm sản xuất thế giới trong vài thập niên qua.
Trung Quốc cung cấp phần lớn thành phần, nguyên liệu thô hoặc chế biến, cũng như các hệ thống phụ cho các nhà sản xuất trên toàn cầu. Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với những thách thức trong việc khôi phục năng lực sản xuất, mà cả các nhà sản xuất toàn cầu cũng cảm thấy tác động của sự thiếu hụt một phần trong mạng lưới cung ứng của họ.
Các công ty tại Trung Quốc khó khôi phục sản xuất bình thường do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm sự thiếu hụt các bộ phận từ các nhà cung cấp cấp thấp hơn; tình trạng thiếu lao động do phong tỏa; các yêu cầu nghiêm ngặt buộc các công ty phải thiết lập các biện pháp bảo vệ đầy đủ; sự phục hồi chậm của năng lực mạng lưới giao thông do đóng cửa đường và các quy định và ưu tiên khẩn cấp khác.
Nhiều OEM sản xuất toàn cầu đã phải vật lộn để tìm giải pháp thay thế, bao gồm nhanh chóng chuyển đơn đặt hàng sang nhà cung cấp thứ cấp hoặc thứ ba để bù lại việc giao hàng bị bỏ lỡ từ các nhà cung cấp chính, cũng như chuyển một số ưu tiên kinh doanh cốt lõi trở lại nhà máy của mình.
Một số OEM thậm chí mạo hiểm điều chỉnh hệ thống sản xuất của họ để tạo ra các sản phẩm hoàn toàn khác. Thí dụ, khi hoạt động kinh doanh ô tô đã giảm hơn 90% tại Trung Quốc vào tháng 2, nhà sản xuất ô tô Shanghai-GM-Wuling (SGMW) đã nhanh chóng trang bị lại hệ thống sản xuất để sản xuất mặt nạ y tế, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu lây lan Covid-19, đồng thời tạo ra doanh thu và mang lại tiếng tốt cho công ty.
Từ giữa tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu các vùng ít bị dịch bệnh ảnh hưởng nên thay đổi các chính sách chống dịch để khôi phục hoàn toàn sản xuất, còn các vùng nằm trong diện nguy hiểm vẫn tập trung đẩy lùi Covid-19.
Ngay lập tức, Nghĩa Ô, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, cách Thượng Hải 260km nổi tiếng với hàng ngàn nhà máy và 62.000 gian hàng xuất khẩu, đang như nằm ngủ trong đại dịch giờ bừng tỉnh.
Nghĩa Ô là trung tâm thương mại tiểu thương phẩm lớn nhất Trung Quốc, cũng là khu chợ đầu mối sầm uất nhất với 70% sản phẩm được xuất đi khắp nơi trên thế giới. Trong hơn 2 tháng Nghĩa Ô đã tê liệt khi Covid-19 hoành hành, nay rục rịch sản xuất trở lại. Chính quyền Nghĩa Ô cho biết đã bố trí máy bay và tàu hỏa để giúp nhân viên của thành phố quay trở lại làm việc.
Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 làm gia tăng cạnh tranh các nguồn cung có giá trị, trong một số ngành công nghiệp, sức mạnh thương lượng đã chuyển từ OEM sang nhà cung cấp.
Chẳng hạn, Tesla gần đây đã công bố quan hệ đối tác chiến lược của họ với CATL để cung cấp pin xe điện (EV) cho sản xuất Model-3 Tesla tại Trung Quốc, chuyển từ nguồn cung cấp duy nhất của Panasonic. Toyota và Panasonic cũng tuyên bố đồng ý khởi động một liên doanh sản xuất pin EV. Và BMW đã ký một thỏa thuận lớn để mua pin EV từ CATL trị giá 7,3 tỷ EUR.

Gián đoạn chuỗi còn ở phía trước
 Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng tới toàn thế giới của Trung Quốc. Dù đã được chính phủ hỗ trợ rất nhiều, nhưng phải mất hàng tháng nữa việc sản xuất của Trung Quốc mới phục hồi được năng suất như trước đây.
Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư sản lượng ô tô toàn cầu, cung cấp 8% xuất khẩu linh kiện ô tô toàn cầu.
Giữa tháng 3, trong một thông báo về sản xuất kinh doanh, Volkswagen, thương hiệu ô tô bán chạy nhất ở Trung Quốc, cho biết chuỗi cung ứng chậm chạp và nhu cầu tăng cường logistics đã tác động xấu tới tập đoàn. Nay Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, các nhà máy ở các tỉnh ven biển đã trở lại mức sản lượng trên 70% sản lượng thông thường, các công ty đang tăng giờ làm việc. 
Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng một phần tư sản xuất toàn cầu. Nhưng Trung Quốc lại là nơi lắp ráp cuối cho hơn 80% điện thoại thông minh, hơn một nửa số tivi và một phần lớn mặt hàng tiêu dùng khác trên toàn thế giới.
Theo Reuters, các công ty lớn trên toàn thế giới đã thuê nhân công giá rẻ Trung Quốc để lắp ráp hàng hóa suốt 3 thập niên qua. Hiện nay, thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để có thể sản xuất ô tô, máy tính và các linh kiện. Vì vậy, khi Nghĩa Ô và nhiều thành phố Trung Quốc bắt đầu mở cửa, hoạt động trở lại, người ta đã bớt lo lắng về cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đã diễn ra suốt 2 tháng đầu năm. 
Hoặc câu chuyện Apple đã làm náo loạn thị trường chứng khoán hồi đầu tháng 2, khi thông báo doanh thu của tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn nguồn cung, Apple ngừng sản xuất do dịch bùng phát ảnh hưởng lớn đến nhà máy Foxconn ở Hà Nam, Trung Quốc, nơi sản xuất phần lớn iPhone trên thế giới.
Nhưng đầu tháng 3, khi Tim Cook, CEO Apple xác nhận các nhà máy Apple tại Trung Quốc đang hoạt động trở lại và nguồn cung linh kiện điện thoại sẽ được cung ứng. Đại gia công nghệ này cũng không giấu nổi sự vui mừng khi những ngày tháng 3 tươi đẹp dần trở lại với Apple khi thấy Trung Quốc dần kiểm soát được dịch bệnh, số người nhiễm Covid-19 giảm dần và các nhà máy hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, chuỗi giá trị cung ứng không thể được thiết lập qua đêm. Trong lúc Trung Quốc đang vất vả để tái khởi động nền kinh tế bị “cúm”, chủ các nhà máy lại đối mặt với vấn đề lớn: nhu cầu chậm lại trên toàn cầu.
Bởi lẽ, khi đỉnh dịch đã qua đi ở Vũ Hán, Trung Quốc tuyên bố tái khởi động lại nền kinh tế, thì đúng lúc Mỹ, châu Âu lại bùng phát bệnh dịch, lệnh phong tỏa khắp nơi. Nhu cầu tiêu dùng của toàn cầu sụt giảm thê thảm, Trung Quốc sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ cho ai?
Khi nền kinh tế thế giới đang chao đảo, ngập chìm trong đại dịch với những con số thiệt hại khủng khiếp nhất trong hàng chục năm qua, Trung Quốc cũng khốn đốn khi hoạt động sản xuất trở lại vì “cầu tiêu dùng” trên toàn thế giới giảm thảm hại. 

Các tin khác