Từ chủ quan đến hoảng loạn

(ĐTTCO) - Trong tuần lễ giao dịch cuối cùng của tháng 2-2020, thị trường cổ phiếu (CP) Mỹ chứng kiến mức giảm điểm tồi tệ với hơn 3.400 tỷ USD đã bay hơi khỏi các CP trong rổ chỉ số S&P 500 của Mỹ. Nhiều thị trường châu Âu và châu Á cũng đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần trong sắc đỏ.

Các chỉ số chứng khoán CAC-40 của Pháp và DAX của Đức tiếp tục giảm tiếp hơn 4% trong ngày giao dịch cuối tuần. CP chìm trong “biển đỏ” (sea of red) là bình luận phổ biến trên các trang tin tài chính. 

Chứng khoán toàn cầu lao dốc
Chỉ một tuần trước đó, nếu tôi nói với ai đó là CP sẽ rớt hơn 5% trong tuần này, người ta sẽ cười tôi. Vào ngày 20-2, chỉ gần một tuần trước, khi tôi đăng một bài cảnh báo của Goldman Sachs về khả năng thị trường sẽ điều chỉnh, có thể đến 10% khi công bố lợi nhuận quý I-2020 không đạt mục tiêu lên Facebook cá nhân, một người bạn đã vào cười “nghe lời mấy ông này thì từ 2009 tới giờ không có cái gì ăn”. Goldman Sachs không hề thấy trước đợt giảm giá mạnh như lần này, họ chỉ cảnh báo cho khả năng thị trường sẽ điều chỉnh vì lợi nhuận công ty sẽ không thể đạt mục tiêu. Nhưng đợt sụt giảm đến nhanh hơn dự đoán của họ.
Từ chủ quan đến hoảng loạn ảnh 1 Ảnh minh họa.
Ngay trước tuần lễ giảm giá mạnh bắt đầu, Bloomberg công bố một báo cáo về số hợp đồng quyền chọn mua so với số hợp đồng quyền chọn bán S&P 500, cho thấy tình hình thị trường vẫn thiên về quyền chọn mua, và số vị thế bán S&P 500 qua quỹ ETF cũng thấp nhất trong lịch sử. Bloomberg nhận xét: thị trường kỳ vọng tăng điểm mạnh chưa từng có. Đây là những tín hiệu chỉ một ngày trước khi đợt giảm giá vào thứ sáu 21-2 của CP Mỹ bắt đầu. 
CP bắt đầu giảm nhanh trong ngày thứ sáu 21-2 khi tin tức về số trường hợp lây nhiễm ngoài Trung Quốc đang bắt đầu tăng nhanh, và vào buổi chiều hôm đó giờ Anh, tôi bắt đầu bán CP ở Anh và Mỹ mà mình nắm giữ khi tôi cảm giác tốc độ giảm giá bắt đầu vượt kiểm soát. Khi báo với nhóm bạn mà tôi vẫn trao đổi tin tức thị trường cùng nhau, một người bạn đang làm ở một quỹ đầu tư ở Mỹ vẫn cười “mày nhát thế, mới chỉ là điều chỉnh thôi”. Bạn chỉ vào chỉ số Hoảng sợ và tham lam (Fear & Greed Index) trên CNBC, lúc đó chỉ khoảng 46, tức chỉ ở mức hơi hoảng sợ một chút và nói “chắc chỉ điều chỉnh thêm một chút vào ngày thứ hai, rồi mọi thứ sẽ ổn định lại thôi”.
Rất tiếc, tuần sau đó chính là tuần lễ 24 đến 28-2 mà thị trường toàn cầu chìm trong sắc đỏ. Chỉ số Hoảng sợ và tham lam cuối tuần này ở mức 10 điểm, nghĩa là cực kỳ hoảng sợ (Extreme Fear). Đến lúc này, không ai biết điều gì sẽ xảy ra nữa sau khi đã có hơn 2.900 người mắc bệnh ở Hàn Quốc và gần 900 người mắc bệnh ở Ý. 

Cả thế giới bàng hoàng
Những công ty công nghệ như Microsoft, Apple cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, mà cụ thể là không có đầu vào cho một khâu sản xuất trọng yếu nào đó nên số sản phẩm sản xuất ra sẽ sụt giảm. Sự sụt giảm mạnh của thị trường hàng không và du lịch toàn cầu cũng sẽ tác động đến lợi nhuận các công ty niêm yết ở Mỹ bằng nhiều cách khác nhau. Và hơn hết, người Mỹ đang sợ rằng chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ, xương sống quan trọng để người ta tin rằng kinh tế Mỹ vẫn hoạt động ổn trong mùa dịch bệnh, cũng sẽ bắt đầu đi xuống. 
Sự sợ hãi đang lan rộng vì tính bất định của dịch bệnh coronavirus. Người ta bây giờ không còn biết chắc nước nào sẽ không bị dịch. Một đồng nghiệp người Hàn Quốc giải thích cho tôi biết anh bắt đầu yêu cầu vợ mình không đến các tiệm ăn châu Á. Lý do vì sao đến bây giờ anh mới hoảng sợ? Đó là vì người Hàn Quốc có thể bay đến rất nhiều quốc gia với hộ chiếu của mình. Người Trung Quốc thì không thể như thế và người Trung Quốc đã bị cách ly bởi các chính sách cứng rắn của chính quyền Trung Quốc ở nhiều thành phố. Tương tự như vậy là với những người đến từ Ý. Một đồng nghiệp người Anh của tôi lo lắng: chính quyền Ý họ không thể kiểm soát chặt chẽ như Trung Quốc. Vì vậy ông lo lắng dịch bệnh sẽ từ Ý lan ra các nước châu Âu lục địa và Anh. 
Một người bạn làm chủ quán ăn châu Á của tôi bắt đầu lo lắng. Cô đi mua nước rửa tay để khắp nơi trong quán ăn. Chỉ một tuần trước đó, cô chẳng mấy quan tâm và chỉ nhắc sơ mọi người về chuyện rửa tay. Đồng nghiệp người Anh và châu Âu của tôi bắt đầu lo ngại và nghĩ tới chuyện cho con nghỉ học đã tăng lên. Nhiều người trong số họ đã hủy các chuyến đi diễn thuyết và hội thảo vào tháng 4. Tiếp đó có thể họ sẽ hủy các chuyến đi nghỉ hè của gia đình, một trong những mức chi tiêu lớn nhất trong năm của người Anh. Tôi có thể cảm nhận được rõ ràng sự hoảng loạn tăng lên một cách nhanh chóng chỉ trong một tuần. Và rõ ràng nhất là chỉ trong một ngày tôi nhận được 2email từ trường đại học liên quan đến các hướng dẫn và thông tin về dịch cúm. 
Những diễn biến này cho thấy sự đình trệ của nền kinh tế đã bắt đầu ở các khu vực tưởng như ít bị ảnh hưởng bởi dịch cúm đã bắt đầu. Chỉ hơn một tuần trước, người ta nghĩ rằng những tác động này sẽ chủ yếu ở dạng tác động gián tiếp qua sự gián đoạn kênh phân phối từ Trung Quốc. Đến hôm nay, người ta đang sợ nó tác động trực tiếp lên niềm tin tiêu dùng và đầu tư của ngay các nền kinh tế chủ chốt khác ở xa châu Á, tâm điểm của dịch cúm.

Hy vọng vào các can thiệp của chính phủ
Đa số các chỉ số chứng khoán chủ chốt đều kết thúc tuần giao dịch 28-2 trong sắc đỏ, ngoại trừ đợt quật khởi muộn màng vào cuối ngày của các CP trên thị trường Nasdaq chỉ đủ để chỉ số này tăng 0,89 điểm (tăng 0,01%). Giữa sắc đỏ của các chỉ số chính, sắc xanh của Nasdaq dường như là tia hy vọng le lói duy nhất rằng sẽ bắt đầu có lực “bắt dao rơi” vào tuần sau trên thị trường CP. 
Giá vàng quốc tế giảm mạnh từ mức trên 1.650USD/ounce xuống còn 1.585USD/ounce vào cuối tuần (thấp nhất là 1.562USD/ounce) là một tín hiệu khác. Nó không có nghĩa là thị trường đã lạc quan trở lại và rời bỏ tài khoản trú ẩn an toàn là vàng. Thay vào đó, vàng giảm giá được lý giải là do nhiều nhà đầu tư phải bán vàng để lấy tiền bù vào tài khoản ký quỹ (margin account) để giữ vị thế CP mua lên của họ. Điều đó nghĩa là còn rất nhiều tiền vẫn đang kiên trì ở lại thị trường CP và nhiều người vẫn cố đợi thị trường đổi chiều. 
Ngọn gió nào sẽ làm thay đổi tâm lý hoảng loạn trên thị trường? Đầu tiên có lẽ là từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Bank of America vừa đưa ra dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất thêm đến 0,5% trong cuộc họp tháng 3 tới đây. Ngoài ra, có thể chính phủ Trump sẽ tìm kiếm một số giải pháp hỗ trợ thuế tạm thời cho doanh nghiệp hoặc cá nhân. Những kỳ vọng này làm sống lại hy vọng ổn định thị trường, chặn đà giảm giá. 
Tuy nhiên, như GS. Trần Ngọc Thơ có nhận định, không có chính sách tiền tệ nào có thể chống lại nỗi khiếp sợ. Đây chỉ là những kỳ vọng mang lại ổn định tạm thời cho thị trường Mỹ. Tác động kinh tế của virus corona lớn đến thế nào thì phải đợi xem số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận quý I-2020 thì mới có thể thấy rõ hơn một chút. Hơn nữa, những kỳ vọng về can thiệp chính sách của Mỹ chỉ mới là ở mức độ phán đoán và gây sức ép chính sách mà thôi. Nhà làm chính sách can thiệp tới đâu là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.  
 Yếu tố bất định – không thể đoán trước – của các nền kinh tế sẽ còn tiếp tục, ngay cả sau khi dịch cúm có dấu hiệu lắng dịu. Trạng thái tham lam và sợ hãi sẽ tiếp tục giằng co trong mỗi nhà đầu tư trong tháng 3-2020. 

Các tin khác